Ấn Độ sắp dùng công nghệ nhận diện ở ga tàu

0
1431

Hầu hết các ga đường sắt lớn tại Ấn Độ sẽ được áp dụng công nghệ nhận diện vào cuối năm nay, một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết.

Hệ thống này đang được thử nghiệm tại trung tâm công nghệ Bengaluru, trước đây được biết là Bangalore, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Khoảng 500.000 gương mặt được quét mỗi ngày và khớp với các gương mặt được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát về các tội phạm.

Hành khách tại ga Ahmedabad hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters.

Hành khách tại ga Ahmedabad hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters.

Đường sắt của Ấn Độ là một trong những mạng lưới lớn nhất thế giới, kéo dài từ chân các ngọn núi thuộc dãy Himalaya đến những bờ biển ở phía nam. Hệ thống này chuyên chở khoảng 23 triệu người mỗi ngày, tương đương với dân số của Đài Loan. Tuy nhiên đường sắt của Ấn Độ cũng bị những kẻ buôn người lợi dụng, đưa hàng triệu phụ nữ và trẻ em đến các thành phố. Chúng hứa hẹn với họ sẽ có việc làm tốt, rồi bán các nạn nhân làm nô lệ tình dục hoặc đưa vào bẫy, buộc họ phải làm việc để trả nợ.

Kế hoạch dùng công nghệ nhận diện cũng sẽ được áp dụng trên tàu, với các camera giám sát được lắp đặt ở 1.200 trong số 58.000 toa. Nhà chức trách cũng thử nghiệm cảm biến để phát hiện âm thanh, từ các cuộc tranh luận đến tiếng thét.

“Các tuyến đường sắt sẽ trở thành các pháo đài ảo. Chúng tôi có thể khiến toàn hệ thống an toàn hơn”, một quan chức cấp cao ngành đường sắt giấu tên nói.

Theo người này, hình ảnh gương mặt của mọi người sẽ được lưu trữ từ xa đến 30 ngày, Lực lượng bảo vệ đường sắt được tiếp cận, giúp giải quyết các vấn đề an ninh, sau khi “người có thẩm quyền” phê chuẩn. Nhà chức trách cho hay ở đất nước có 1,3 tỷ dân, công nghệ như vậy là cần thiết để củng cố hệ thống thiếu nguồn lực và nhân lực.

Trong khi những người ủng hộ cho rằng phần mềm đem lại hiệu quả cao, một số nhà phân tích cho rằng chưa rõ lợi ích, khi người dân bị thiệt hại về bảo mật quyền riêng tư và bị giám sát. Raman Jit Singh Chima, Giám đốc chính sách châu Á tại Tập đoàn Access Now, chuyên về quyền trong lĩnh vực kỹ thuật số, nêu lo ngại về nguy cơ rò rỉ, dữ liệu cá nhân có thể bị lợi dụng cho các mục đích khác. Chima cho rằng quan chức ngành đường sắt Ấn Độ đang xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Từ năm ngoái, Ấn Độ đã sử dụng công nghệ nhận diện ở một số sân bay và quán cafe. Việc thiếu luật bảo vệ dữ liệu đã gây nên chỉ trích từ các nhóm bảo vệ nhân quyền.

Ở một số nơi trên thế giới, người dân đã phản đối việc sử dụng công nghệ nhận diện. Tại Francisco và Oakland, Mỹ, chính quyền đã cấm sử dụng công nghệ này. EU đang xem xét động thái tương tự ở các khu vực công cộng trong thời gian tối đa 5 năm.

Khánh Lynh (Theo Reuters)