Nhiều người có thói quen tích trữ rượu Kweichow Moutai và dòng rượu Cognac trứ danh Hennessy XO của LVMH sau dịp Tết Nguyên đán. Như mọi năm, Yvonme Ma (quản lý hãng phân phối rượu ở Phật Sơn, Quảng Đông) thường “đầu bù tóc rối” trong tuần đầu năm mới. Nhưng từ khi mở cửa lại vào ngày thứ tư của kỳ nghỉ Tết năm nay, cửa hàng của cô không có doanh thu.
“Chúng tôi không bán nổi một chai rượu vang. Điều kinh khủng nhất là không biết tình trạng này sẽ kéo dài đến khi nào”, cô nói. Thời điểm này, không mấy người Trung Quốc có tâm trạng để nâng cốc ăn tân niên khi virus corona lan rộng khắp cả nước.
Người dân đi ngang qua các cửa hàng ở Thượng Hải. Ảnh: Blooomberg. |
Tình trạng bất ổn đang tấn công các nhà bán lẻ trên toàn Trung Quốc vào đúng mùa cao điểm trong năm. Năm ngoái, chi tiêu trong dịp Tết đạt kỷ lục 1.000 tỷ nhân dân tệ (143 tỷ USD), tăng 8,5% so với 2018.
Quá sớm để ước tính toàn bộ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch khi số ca nghi nhiễm đã vượt 17.000 người trên Trung Quốc, nhưng rõ ràng nhất là những công ty kinh doanh chủ yếu nhờ vào mức chi tiêu trong năm mới đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Tiêu dùng của người dân Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Oxford Economics, trong khi con số tăng trưởng dự báo trước đó là 6,8%.
Các doanh nghiệp du lịch và giải trí, bán lẻ và nhà hàng gặp rủi ro lớn nhất. Khách du lịch phải lưu lại Trung Quốc nhưng cũng hạn chế đi lại vì dịch bệnh. Vào thứ Hai (3/2), Bộ Giao thông Vận tải cho biết các chuyến đi trong dịp nghỉ Tết giảm 73% so với năm trước, còn khoảng 190 triệu lượt. Số người đi tàu giảm 67% còn 31 triệu, hành khách đi máy bay giảm 57% còn 8 triệu, trong khi cả đường bộ và đường thuỷ đều giảm hơn 70% với 150 triệu và 3 triệu lượt khách.
Robert Zhang, quản lý của một khách sạn 100 phòng ở phía đông nam thành phố Phúc Châu, cho biết khách sạn không hề có khách từ mồng hai Tết, “mất trắng” doanh thu khoảng 400.000 nhân dân tệ như trong dịp Tết 2019. Khách sạn đã đóng cửa, không thể mở trở lại vào lúc này, Zhang cho biết. “Sau đó, chúng tôi sẽ đóng cửa trong một thời gian dài, không chỉ một hoặc hai tháng”, anh nói.
Tương tự, nhiều cửa hàng bị đóng cửa vì người dân hủy lịch các bữa ăn và đi chơi lễ hội. Cổ phiếu của Wanda Film Holding, rạp chiếu phim lớn nhất Trung Quốc, đã giảm 30% từ giữa tháng 1. Chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao vận hành 600 nhà hàng trên nhiều quốc gia, tuyên bố sẽ đóng các cửa hàng tại Trung Quốc.
Hầu hết nhà bán lẻ đứng trước áp lực tài chính vì lĩnh vực này thường có lợi nhuận mỏng và yêu cầu về dòng tiền khắt khe, Jason Yu, Tổng giám đốc Kantar Worldpanel cho biết.
Tuy nhiên, bức tranh không phải là quá u tối cho tất cả công ty đối mặt với người tiêu dùng. Khi hàng triệu người Trung Quốc đóng chặt cửa ở nhà, các công ty thương mại điện tử như Alibaba hay JD.com đang được hưởng lợi, theo AllianceBernstein. Nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh cũng có thể gia tăng.
“Tình huống hiện tại là điều kiện hoàn hảo cho sự tăng trưởng thương mại điện tử”, các nhà phân tích của Alliance AllianceBernstein cho biết trong một báo cáo.
Các nhà bán lẻ và những công ty bị tụt doanh số trong năm mới cũng có thể phục hồi nhanh chóng sau khi nhu cầu tiêu dùng bị kìm nén sẽ tăng mạnh sau khi dịch bệnh giảm bớt. Thời gian tồi tệ nhất của đại dịch SARS năm 2003, doanh số giảm nhưng đã tăng trở lại trong vòng vài tháng, theo báo cáo của nhà kinh tế Ma Tieying của DBS Group.
Tuy nhiên, hiện tại, Zhang, quản lý khách sạn ở Phúc Châu đang gặp khó khăn trong việc phục hồi. Khách du lịch không dễ để nhanh quên đi nỗi sợ hãi, ngay cả khi chính phủ nói rằng virus được kiểm soát, việc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian, anh nói.
Quỳnh Trang(theo Bloomberg)