Người Trung Quốc thích nghi làm việc tại nhà

0
1352

Tao Yu, nữ nhân viên 28 tuổi bộ phận tiếp thị xe hơi Porsche của Đức, đã không đến văn phòng trong hơn một tháng qua, giống như hàng chục triệu người lao động Trung Quốc khác.

Cô đến từ Hồ Bắc, tỉnh khởi phát Covid-19 ở Trung Quốc. Hiện cô làm việc tại nhà ở Hoàng Cương, thành phố 7,5 triệu dân thuộc Hồ Bắc, bị xem là một trong những ổ dịch của Trung Quốc đại lục, chỉ sau Vũ Hán. “Tôi thức dậy, ăn sáng, vào phòng mình và bắt đầu làm việc”, Tao mô tả một ngày của mình giữa dịch bệnh.

Tao không phải là người thích làm việc tại nhà, nhưng đó là điều mà nhiều hàng xóm của cô cũng phải thực hiện khi thành phố bị áp lệnh phong tỏa. “Tôi muốn chứng minh rằng làm việc ở nhà và ở văn phòng là như nhau, nhưng tôi lo các đồng nghiệp sẽ cho rằng việc này không công bằng. Họ có thể nghĩ, làm việc tại nhà thật sung sướng”, Tao nói.

Người đàn ông đeo khẩu trang phía trước một trung tâm thương mại sang trọng ở Bắc Kinh, Trung Quốc hom 8/2. Ảnh: AFP.

Người đàn ông đeo khẩu trang phía trước một trung tâm thương mại sang trọng ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 8/2. Ảnh: AFP.

Ở Trung Quốc, văn hóa làm việc tại nhà không phổ biến như phương Tây. Nhưng từ 3/2, khi chính quyền địa phương và các công ty trên cả nước khuyến khích người lao động không tới công sở, hàng triệu người Trung Quốc lần đầu được trải nghiệm những ưu, nhược điểm của “văn phòng tại gia”.

Những con phố tấp nập thường ngày ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu giờ yên tĩnh lạ thường, nhu cầu về các ứng dụng hội họp trực tuyến cũng tăng đáng kể. Cổ phiếu công ty Zoom của Mỹ, một nhà cung cấp ứng dụng hội họp trực tuyến tăng. Tuy nhiên, người lao động Trung Quốc có những phản ứng trái chiều trong vấn đề này.

Một số người phàn nàn rằng sếp không tin tưởng khi để nhân viên làm việc tại nhà, một số khác nói họ bị khó tập trung hoặc bị phân tâm bởi các thành viên trong gia đình. Có những người tỏ ra hài lòng bởi năng suất được cải thiện, thậm chí tình yêu cuộc sống cũng cải thiện khi được làm việc ở nhà.

Sun Meng, 32 tuổi, quê ở Liêu Ninh nhưng làm việc cho một công ty giáo dục trực tuyến tại Bắc Kinh. Sun được cho làm việc ở nhà một tháng do dịch bệnh và cảm thấy thích thú với điều này.

“Thật tuyệt, bởi bình thường tôi mất 4 giờ đi đường mỗi ngày”, cô kể. Sun không thể chuyển nhà đến gần nơi làm việc vì con trai ba tuổi của cô phải học trường mẫu giáo công lập ở địa phương theo đúng hộ khẩu. “Trường mẫu giáo công lập đó là nơi duy nhất thằng bé có thể theo học. Nếu chúng tôi chuyển đến gần chỗ tôi làm, thằng bé sẽ phải học trường tư và chi phí quá đắt đỏ”, Sun nói.

Sun từng được công ty linh động cho làm việc ở nhà hai ngày/tuần trước khi Covid-19 bùng phát, nhưng cô áp dụng không hiệu quả. Song kể từ khi công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà vì dịch bệnh, Sun nói rằng sếp công ty cô thừa nhận nhân viên làm việc hiệu quả hơn.

Cách làm việc nội bộ cũng thay đổi đáng kể để phù hợp với tình hình mới. Làm việc ở văn phòng, mọi người phải đảm bảo giờ giấc ra vào, nhưng bây giờ, khi được tạm thời làm việc ở nhà, họ bắt đầu ngày làm việc bằng cách gửi một bức ảnh “check in” ứng dụng trực tuyến, điền báo cáo công việc hàng ngày cũng thông qua ứng dụng.

“Chúng tôi bây giờ buộc phải làm việc tại nhà, hành chính nhân sự cũng buộc phải thích nghi với cách giám sát mới”, Sun nói. Người mẹ trẻ cho hay điều tuyệt vời nhất khi làm việc ở nhà là con trai sẽ không phải đợi đến tối muộn để gặp cô. “Tôi có thể đóng laptop ngay lập tức sau giờ làm việc và bắt đầu chơi với thằng bé”, Sun kể.

Nhân viên tập đoàn Alibaba tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nhân viên tập đoàn Alibaba tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Xin Sun, 36 tuổi, một quản lý tại Ngân hàng Bình An ở Thâm Quyến, cảm thấy anh khó kiểm soát nhân viên cấp dưới hơn khi họ không ở văn phòng. “Làm việc tại nhà khiến việc quản trị nhân sự trở nên khó khăn hơn, giao tiếp kém hiệu quả và nhân viên có thể ngừng công việc để làm việc riêng”, Sun nói.

“Khi làm việc ở nhà, các thành viên trong nhóm của tôi đôi khi rất lâu mới trả lời tôi, điều đó khiến tôi cảm thấy khó kiểm soát”, Sun nói. Anh cho biết phải thường xuyên yêu cầu nhân viên báo cáo công việc hàng ngày và xem đó là “cách hiệu quả để thúc đẩy họ làm việc và không bị tụt lại phía sau”.

Yang, 23 tuổi, nhân viên công ty sản xuất game NetEase của Trung Quốc, cho hay cô phải nhận nhiều cuộc gọi trực tuyến khi làm việc ở nhà, hơn cả khi làm việc ở văn phòng.

“Trước khi dịch bệnh xảy ra, ở nơi làm việc, tôi không bắt buộc phải báo cáo công việc hàng ngày, nhưng bây giờ, tôi phải báo cáo thật chi tiết và gửi cho sếp. Tôi e rằng việc này sẽ làm giảm hiệu quả công việc của mình”, Yang nói.

Qun Li, phó giáo sư về Văn hóa doanh nghiệp tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho rằng làm việc ở nhà có thể thay đổi nhu cầu của người lao động. Ông giải thích rằng trước đây, khi gian thời gian làm việc và đi lại chiếm gần như toàn bộ lịch trình của người lao động, mọi người thường cảm thấy căng thẳng cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Họ bị hạn chế thời gian cho gia đình, chăm sóc con cái hoặc dành thời gian cho bố mẹ. Họ cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp cuộc sống cá nhân. Nhưng giờ đây, khi nhiều người làm việc ở nhà, họ có thể xem đó là một cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, ông Qun nói. “Tôi tin rằng họ sẽ có nhiều nhu cầu hơn”.

Cindy Song, 29 tuổi, quản lý PR cho công ty Ruder Finn, cho biết cô và chồng phải chung phòng làm việc do nhà chật, nhưng điều tích cực là cô có thời gian nhiều hơn cho chồng. “Trước đây, vào những dịp đặc biệt, chúng tôi rất bận rộn và về nhà rất muộn. Bây giờ chúng tôi có thể dành nhiều thời gian cho nhau và gần gũi nhau hơn”, cô nói.

Mai Lâm (Theo BBC)