Những người trẻ lương cao mà vẫn nghèo

0
1377

“Để làm người trưởng thành rất đắt đỏ”, Castillo, 32 tuổi, nói. “À, trên giấy tờ tôi làm ra nhiều tiền, nhưng tính đến các khoản nợ, phí sinh hoạt và lối sống, thì không”.

Ngay cả khi Castillo làm ra tiền nhiều hơn 75% dân số Mỹ, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ năm 2014, cô khẳng định mình không còn nhiều tiền sau khi trả tiền thuê nhà, các hóa đơn, tiền tiết kiệm và quỹ giải trí của mình.

“Tôi có một tài khoản riêng chỉ dành cho những việc giải trí”, Castillo nói, bao gồm đi du lịch, ăn hàng và ở trong các khách sạn sang. “Tự thưởng cho mình là thứ tôi ưu tiên trong đời và tôi không cảm thấy tội lỗi về điều đó”.

Castillo là một Henry – viết tắt của High Earners Not Rich Yet – những người lương cao nhưng không giàu. Thuật ngữ này lần đầu tiên được nêu ra trên tạp chí Fortune năm 2003, tới nay, nó dùng để mô tả các millennial (thế hệ Y, ra đời từ 1980 đến 2000), kiếm được từ 100.000 đến 250.000 đôla một năm, duy trì một lối sống đắt tiền, từ việc du lịch tới những địa điểm mới nhất, ăn ở các nhà hàng thời thượng, vào các spa xịn…

Sở thích xa hoa – và áp lực phải giữ hình ảnh của mình long lanh trên các phương tiện truyền thông xã hội – đã khiến một số Henry cảm thấy như mắc kẹt.

“Tôi cảm thấy như mình đang sống để chờ đến kỳ lương, và sẽ thế mãi mãi”, một nhà thiết kế đồ họa 30 tuổi, cư dân của Bushwick, New York, nói. Với mức lương hơn 6 con số, cô có nhiều thứ phải chi để được sống thoải mái: thẻ thành viên tháng của ClassPass tốn 80 đôla, một địa chỉ làm móng quen thuộc, thói quen dùng Uber, dịch vụ đặt thức ăn nhanh, và một người chuyên chăm sóc cho con mèo vàng Siberian.

Tuy vậy, cô nói: “Tôi không có thị hiếu quá mức, không có các kỳ nghỉ, không mua sắm tại Bloomingdales – tôi mua sắm ở Forever21. Nhưng không hiểu sao tôi thành thế này”.

Castillo, một luật sư, ghi lại cuộc sống xa hoa của cô trên Instagram và blog cá nhân, trong đó cô xuất hiện trong trang phục của Chanel, Kate Spade và Moschino tại các khu nghỉ mát xinh đẹp ở Peru, Israel và Jamaica.

Jenny Castillo trên instagram cá nhân.

Jenny Castillo trên instagram cá nhân.

Tuy nhiên, cô vẫn có ý thức về chi phí – sử dụng điểm thẻ tín dụng để đi du lịch, đặt phòng nhỏ hơn cô muốn – và nói rằng điều đó làm ảnh hưởng đến phong cách của cô.

“Tôi chỉ muốn trải nghiệm sự tự do tài chính theo cách mà tôi không cần cảm thấy mỗi lần mua hàng, mỗi chuyến đi là một cuộc điều tra nghiêm túc về thu nhập”, cô nói. “Đối với một số người, mức lương của tôi có thể là sáu con số, rất lớn, nhưng đối với tôi thì không”.

Trong 5 năm qua, số lượng Henry đã tăng vọt, theo Pamela Danziger, tác giả của Meet the HENRYs: The Millennials that Matter Most for Luxury Brands“.

“Không nghi ngờ gì nữa, đây là một nhóm đang phát triển nhanh chóng”, Danziger nói, bổ sung thêm rằng các thành viên trong nhóm Henry đã tăng 37% từ năm 2012 đến 2018. Nhà nghiên cứu cho biết các Henry sẽ không bao giờ “đẩy cuộc sống của mình vào hiểm cảnh”, vì thế họ nhiều khả năng sẽ cắt giảm ở góc này hay góc khác.

“Thay vì mua túi Louis Vuitton với giá hai, ba hoặc năm nghìn đôla, nhiều khả năng họ sẽ mua một chiếc túi Everlane với giá 175 đôla”, Danziger nói.

Amanda Alappat, 37 tuổi, một Henry ở thành phố New York nói rằng các kỳ nghỉ quan trọng với cô hơn là tên các thương hiệu.

“Tôi có thích chiếc quần Lululemon của mình không à? Chắc chắn rồi. Nhưng tôi có thể đổi chiếc TJ Maxx lấy chiếc Lululemon để có thể sống ở Ấn Độ một tháng”, Alappat nói.

Alappat và chồng con.

Alappat và chồng con.

Các Henry là những người không muốn tiết kiệm cho tương lai, mà muốn hưởng thụ cuộc sống hiện tại. Thay vì để dành tiền để mua một chiếc xe tải RV cho những chuyến du lịch đường dài khi có tuổi, mục tiêu tài chính của họ ngắn hơn, có thể là mua một con ngựa, hoặc sắm một toilet Toto kiểu nhật với “tất cả các nút bấm”, hoặc dành tiền cho các chuyến đi tới những công viên mô phỏng “Chiến tranh giữa các vì sao” hay “Harry Potter”.

Những người này thường làm việc trong ngành bán hàng kỹ thuật số, an ninh mạng, kỹ thuật và làm các thiết kế trải nghiệm người dùng, thường có lương trung bình 180.000 đôla/năm. Lương cao như vậy, nhưng đa số họ có các khoản nợ từ thời sinh viên, thường khoảng 80.000 đôla.

“Tôi đoán rằng tôi sẽ phải di chuyển vào cống tàu điện ngầm, để tiết kiệm tiền – có thể sống với những người vô gia cư”, cô nói và cười lớn. “Có lẽ đó là vấn đề của tôi”, nhà thiết kế đồ họa Bushwick nói, thể hiện sự không hài lòng với mức lương 6 con số của mình.

Thuận An (theo nypost)