Căn cứ đồn trú Mỹ giữa sa mạc Iraq

0
1409

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rạng sáng 8/1 phóng 22 tên lửa vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Iraq là Ain al-Asad và Irbil, hành động được cho là đáp trả việc quân đội Mỹ tiến hành cuộc không kích hạ sát thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của IRGC hôm 3/1.

Căn cứ Ain al-Asad được xây dựng từ những năm 1980 cho quân đội Iraq sử dụng, nằm giữa vùng sa mạc hoang vu thuộc tỉnh Anbar, cách thủ đô Baghdad 161 km về phía tây. Sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, nó trở thành một trong những căn cứ lớn nhất cho binh sĩ Mỹ đồn trú và nhanh chóng “biến hình”.

Căn cứ Ain al-Asad nhìn từ xa. Ảnh: AP.

Căn cứ Ain al-Asad nhìn từ xa. Ảnh: AP.

“Căn cứ nằm ngay giữa sa mạc, bao quanh tứ phía là các bụi rậm, cồn cát và đá”, phóng viên Oliver Poole của BBC cho biết khi đến thăm al-Asad hồi năm 2006. “Khi tới khu vực có quân đội Mỹ hiện diện, bạn sẽ đi qua những con đường tốt hơn nhiều… Bằng nhiều cách, họ đang cố tạo dựng một căn cứ giống như một thị trấn ngoại ô hiện đại kiểu Mỹ”.

Các cơ sở, công trình tiện ích bên trong al-Asad khá ấn tượng, một số binh sĩ Mỹ thậm chí còn gọi nó là “Trại Bánh kem”, bởi những tiện nghi như hồ bơi, nhà hàng phục vụ lính Mỹ vào thời kỳ cao điểm của chiến tranh Iraq.

Nhưng khi Mỹ rút quân khỏi Iraq vào năm 2009 và 2010, căn cứ al-Asad được trao trả lại cho quân đội sở tại. Khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy ở Mosul năm 2014 và mở rộng ảnh hưởng ra tỉnh Anbar, căn cứ bị tấn công.

Năm 2014, phóng viên Quentin Somerville từ BBC đã mô tả al-Asad trong vòng vây IS trông không khác gì một cứ điểm bỏ hoang với vỏ đạn pháo nằm rải rác khắp nơi cùng những khu nhà phủ bụi.

Sau khi Mỹ đưa quân quay lại Iraq để chiến đấu chống IS cùng năm, căn cứ đã được tăng cường an ninh và xây dựng lại. Tuy nhiên, với số lượng binh sĩ ít hơn trước nhiều lần, một phi công Mỹ hồi năm 2017 cho biết al-Asad hiện “chỉ cung cấp một phần rất nhỏ tiện nghi so với trong quá khứ”.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại căn cứ Ain al-Asad hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại căn cứ Ain al-Asad hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Theo AP, hiện có khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ và liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đồn trú ở al-Asad. Vào thời điểm vụ tập kích tên lửa của Iran diễn ra, bên trong căn cứ còn có 70 binh sĩ Na Uy. Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm qua xác nhận tất cả các binh sĩ đều an toàn và hai căn cứ tại Iraq không chịu nhiều thiệt hại sau đòn tấn công từ Iran.

Cả Trump và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đều từng đến thăm al-Asad. Tháng 12/2018, Trump cùng Đệ nhất phu nhân Melania bất ngờ tới thăm các binh sĩ Mỹ tại căn cứ vào dịp Giáng sinh, đánh dấu lần đầu tiên ông xuất hiện tại một vùng chiến sự trong nhiệm kỳ của mình.

“Những nam nữ quân nhân đồn trú tại al-Asad đóng vai trò tối quan trọng trong nỗ lực đánh bại IS ở Iraq và Syria”, Trump nhấn mạnh. Nhưng sau đó, ông lại nói bản thân cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của vợ suốt chuyến đi. “Giá mà các bạn nhìn thấy những gì chúng tôi trải qua”, ông chia sẻ trước các phóng viên.

Tháng 11 năm ngoái, Phó tổng thống Pence và phu nhân Karen cũng tới thăm căn cứ al-Asad ngay trước Lễ Tạ ơn và đãi các binh sĩ bữa trưa với gà tây.

“Tại căn cứ không quân al-Asad này, các bạn mỗi ngày đều cho thế giới thấy rằng lực lượng vũ trang Mỹ mãi mãi là lực lượng hùng mạnh nhất”, Phó tổng thống Mỹ nói lúc đó.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy thiệt hại tại căn cứ Ain al-Asad sau cuộc tập kích tên lửa của Iran ngày 8/1. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy thiệt hại tại căn cứ Ain al-Asad sau cuộc tập kích tên lửa của Iran ngày 8/1. Ảnh: Reuters.

Vũ Hoàng (Theo BBC)