TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Con tôi cũng bị kỳ thị ở trường
Mới đây, một phụ huynh cũng là 1 giáo viên đã đưa ra tiêu chí tuyển chọn ban phụ huynh không dành cho các phụ huynh độc thân vì lý do những phụ huynh khuyết thiếu sẽ không đủ điều kiện để làm ban phụ huynh vì họ còn chưa lo được cho hạnh phúc chính mình.
Điều này đã khiến nhiều người đang đơn thân nuôi con cảm thấy bị phân biệt đối xử thậm chí là xúc phạm. TS Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết nghe thông tin này chị thấy chẳng bất ngờ bởi thực tế tại các trường, lớp học những đứa trẻ sống ở gia đình đơn chỉ có bố hoặc mẹ vẫn trở thành đề tài đàm tiếu của bạn bè, thậm chí ngay cả các phụ huynh khác cũng tỏ ra “thông cảm” vì thiếu bố và thiếu mẹ.
TS Hương cho biết 12 năm chị nuôi con đơn thân chị tin rằng mình đã hi sinh tất cả đề giáo dục con mình tốt nhất. Con gái chị Hương cảm thấy không thiệt thòi vì bé luôn có kết quả học tập tốt nhất.
Bố mẹ đều là người học hành, làm việc đàng hoàng nghiêm túc, sống theo pháp luật và được mọi người tôn trọng.Tuy nhiên, TS Hương kể nhiều lần con gái chị cũng gặp sự kì thị, coi thường của mọi người chĩa vào.
Tuy nhiên TS Hương khẳng định chị không quan tâm vì đầy đủ hay khuyết thiếu chẳng phải vì mình ngu dốt hay xấu xa. Điều đó còn ở sự lựa chọn của mỗi người.
Cô giáo Phượng trong tư cách một phụ huynh của trường khiến dư luận phẫn nộ với phát biểu kỳ thị các cha mẹ đơn thân và gia đình hoàn cảnh khó khăn. |
“Tôi hạnh phúc khi là singlemom, sống nuôi dưỡng con và tình cảm bên con. Tôi không thích cuộc sống gia đình. 2 mẹ con tôi vui từng giờ, có buồn nổi lúc nào đâu để phải so sánh với ai. Vậy nhưng thiên hạ chẳng buông tha cho đâu nhé. Xỏ xiên, chọc ngoáy tôi không được, họ chĩa mũi vào con tôi” – chị Hương nói.
Con gái chị Hương ngay học cấp 3 “được” bạn đặc cách để ý. Nó học giỏi cũng là lý do bị xỏ xiên. Nó ăn mặc kiểu gì cũng là nguyên nhân của những trận cười. Nó tham dự cuộc thi gì của nhà trường cũng sẽ có 1 đội Antifan đi theo phá phách, cười đùa. Con đi học rất ức chế dù chị Hương có giúp con dù không ra mặt nhưng vẫn không giải quyết được.
Lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng chị Hương đã ra mặt bằng cách viết thư cho mẹ của bạn con mình – cậu bạn đã liên tục làm khổ con. Được lời như cởi tấm lòng, mẹ của anh chàng gây sự đó hớn hở xông vô nói lại chị Hương không ra sao. Mẹ ấy nói “con tôi không ăn chơi như con bà ta. Mẹ ấy chê bai con tôi. Rồi bảo tôi tự dạy lại con và chốt rằng gia đình không có bố nó thế”.
Ngay sau đó, TS Hương đã gọi điện trao đổi với cô giáo chủ nhiệm của con và biết rằng con mình không sai và chị bắt đầu “ra đòn” với phụ huynh kia.
Chị Hương gửi mail cho bà mẹ kia và khẳng định: “Tôi là singlemom nhưng chị chắc là tôi không hạnh phúc và an toàn bằng chị sao? Tôi đã báo với bố Thư câu chuyện này và anh khẳng định sẽ bảo vệ 2 mẹ con đến cùng. Chúng tôi chia tay nhau vì lựa chọn sống như vậy chứ không phải chúng tôi căm thù, ghét bỏ nhau, tìm cách hại nhau. Vì thế, tôi không đơn độc trong công cuộc nuôi con. Chồng cũ của tôi luôn khẳng định: ai làm gì 2 mẹ con, nhớ báo anh biết. Anh sẽ bảo vệ 2 mẹ con đến cùng.”
Gia đình đơn có bất hạnh?
TS Hương khẳng định “gia đình đơn hay đầy đủ là do lựa chọn của mọi người. Có người chọn bên nhau dù có đọa đầy vì muốn hai chữ “trọn vẹn”. Có người lựa chọn sự thoải mái, hạnh phúc đích thực, dám buông bỏ cái không vui, không hạnh phúc để tìm đến sự thoải mái, dễ chịu khi không phải chịu đựng bất cứ ai.
Cũng có những em gái sợ viễn cảnh ông chồng gia trưởng, bố mẹ chồng nhăn nhó giật dây, quát tháo mà không lấy chồng, kiếm đứa con cho vui. Dĩ nhiên cũng có vô vàn những giọt nước mắt của một ai đó vốn không muốn ly hôn mà bất quá phải đành.
Vì thế, chúng ta không thể nào biết được đằng sau cánh cửa nhà đóng kín kia là niềm vui, nụ cười hay bất hạnh, nước mắt và xót xa dù họ mang danh là đủ đầy hay khuyết thiếu”.
Vì thế, không thể coi “đủ đầy” hay “khuyết thiếu” là tiêu chí cho bất kể việc gì.
Gia đình đủ đầy làm gì cũng nhìn trước ngó sau, cân đong đo đếm. Gia đình khuyết thiếu nhu cầu không nhiều, ngẫu hứng nhiều hơn. Vì thế, trẻ đôi khi sẽ có cơ hội bay bổng với các ngẫu hững để hiểu đời và trải đời.
Gia đình đủ đầy, trách nhiệm vô khối. Gia đình khuyết thiếu đỡ hẳn việc nội ngoại của 1 bên. Thời gian dành cho con có thể nhiều hơn đặc biệt vì thường họ sẽ ít con hơn gia đình đủ đầy.
Trường hợp con chị Hương, hơn 12 năm sống bên mẹ, không bên bố. Cháu vẫn lễ phép, ngoan ngoãn, đáng yêu, chủ động học tập, trách nhiệm với chính mình và mọi người, yêu thương mẹ. 12 năm đi học, 12 năm là niềm tin yêu của thầy cô giáo.
“Một bà mẹ đơn thân như tôi dám hi sinh tất cả để giáo dục con nên người. Là 1 giảng viên, 1 tiến sĩ, liệu rằng tôi không đủ điều kiện đứng trong ban phụ huynh? Là 1 người dạy được đứa con nhiều lần lấy giải học sinh giỏi thành phố, được vào thẳng đại học liệu rằng tôi không đủ sức chăm sóc giáo dục những đứa trẻ khác trong lớp, trong trường?” – TS Hương cho biết.
TS Hương nhấn mạnh “Không có bất kể một công thức hay chân lý nào cho cuộc sống. Chúng ta chỉ có 1 chân lý duy nhất: Tôn trọng mọi người, tôn trọng cuộc sống ở bất kể mọi hoàn cảnh. Bởi vì nếu bạn không làm được điều này, chính bạn sẽ gặp khó khăn khi giáo dục con mình”.