Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Sáng 4/6, phát biểu trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến về 2 phương án liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông qua lấy ý kiến đại biểu đều chưa đạt 50% trong buổi họp ngày hôm qua (3/6).
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) trong tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nói rằng, việc chưa ghi nội dung này vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia không có nghĩa là “bỏ trống” mà được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Đúng như đại biểu Thúy nói, không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông mà luật hiện hành đã có quy định về vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định thêm, do quá bức xúc trước tình trạng một số đối tượng sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, tại dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cơ quan soạn thảo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý các nội dung về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia.
Trong thảo luận tại hội trường về nội dung này, có nhiều đại biểu đề nghị cần tăng chế tài xử lý, không cần đo nồng độ cồn, cứ uống rượu bia là không được lái xe. Cũng có đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định như hiện nay, người tham gia giao thông có độ cồn vượt ngưỡng không an toàn sẽ bị xử lý.
Qua đóng góp ý kiến bằng hệ thống điện tử, các đại biểu thể hiện quan điểm “ngang ngửa”, chưa phương án nào đạt 50% .
“Như thế không thể hiểu lầm rằng Quốc hội, pháp luật chưa có quy định nào để xử lý vấn đề này mà sẽ tiếp tục thực hiện việc xử lý theo pháp luật hiện hành”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Và trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay 4/6, tiếp thu ý kiến đại biểu Thúy là sẽ tiếp tục xử lý người lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định, tuy nhiên Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, sau khi kết quả biểu quyết tại Quốc hội được công bố thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gặp khó khăn trong quá trình kiểm soát người uống rượu bia khi tham gia giao thông do một số lái xe phản ứng việc đo nồng độ cồn.
Trước đó, chiều 3/6, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử về 3 nội dung của dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Về quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông được lấy ý kiến đại biểu theo 2 phương án:
Phương án 1: Cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn.
Kết quả, số đại biểu tham gia xin ý kiến phương án 1 là 441 (bằng 91,12%); trong đó, có 214 đại biểu đồng ý (bằng 44,21%); có 212 đại biểu không đồng ý (bằng 43,8%); có 15 đại biểu không tham gia ý kiến (bằng 3,10%).
Số đại biểu tham gia xin ý kiến phương án 2 là 417 (bằng 88,16%), trong đó có 240 đại biểu đồng ý (bằng 49,59%); có 169 đại biểu không đồng ý (bằng 34,92%); có 08 đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến (bằng 1,65%).