Theo tiết lộ của các thương nhân và doanh nghiệp Trung Quốc, quần áo gắn nhãn mác “Made in China” đang được sản xuất tại Triều Tiên và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Các công ty dệt may tại thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc đang tăng cường sử dụng những nhà máy ở Triều Tiên nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ tại đây khi các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc không đánh vào việc xuất khẩu hàng may mặc, theo trang tin Asian Correspondent.
Tất cả các nhà máy tại Triều Tiên đều thuộc sở hữu nhà nước, và các công nhân Triều Tiên chỉ được trả mức lương từ 75-160 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với mức 450-750 USD/tháng của một lao động tại Trung Quốc.
Hàng may mặc từ các nhà máy này được cho là bán cho khách hàng tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Châu Âu.
“Chúng tôi nhận đơn hàng từ khắp nơi trên thế giới”, một doanh nhân người Trung Quốc gốc Triều Tiên tại thành phố Đan Đông cho biết, tiết lộ thêm rằng các công nhân Triều Tiên mỗi ngày sản xuất được nhiều quần áo hơn 30% so với các lao động Trung Quốc vì họ không được nghỉ đi vệ sinh.
“Chúng tôi sẽ yêu cầu các nhà cung cấp Trung Quốc hợp tác với chúng tôi nếu họ có ý định cởi mở với khách hàng của họ – đôi khi người mua cuối cùng không biết quần áo của họ đang được sản xuất ở Triều Tiên. Điều đó cực kỳ nhạy cảm.”
Theo lời vị doanh nhân này, có hàng chục đại lý may mặc tại Đan Đông làm môi giới cho các nhà cung cấp quần áo Trung Quốc và người mua từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga.
Các nhà cung cấp quần áo Trung Quốc ngày càng sử dụng nhiều các nhà máy Triều Tiên, ngay cả khi vẫn tiếp tục dịch chuyển sản xuất sang các nước như Bangladesh, Việt Nam và Campuchia.
Dệt may là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên, sau than và các khoáng sản khác. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của nước này năm 2016 đạt 752 triệu USD, giúp tổng giá trị xuất khẩu tăng 4,6% lên 2,82 tỷ USD.
Các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đã triệt để cấm nước này xuất khẩu than, trong khi buôn bán thủy hải sản qua biên giới Trung-Triều cũng đã giảm mạnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mới đây cho biết Trung Quốc sẽ phải trả giá cao vì các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, nhưng họ sẵn sàng đánh đổi vì hòa bình thế giới.
Các biện pháp trừng phạt cũng cấm các nước tuyển dụng thêm lao động nước ngoài từ Triều Tiên. Nhiều công nhân Triều Tiên trước đó đã được tuyển dụng sang các nhà máy ở Đan Đông để làm việc.
Theo một nữ doanh nhân Trung Quốc, những lao động Triều Tiên sang Đan Đông làm việc mang theo bác sĩ, y tá, người nấu ăn và giáo viên riêng, và họ được dạy hệ tư tưởng Triều Tiên mỗi ngày. Không gian sống hoàn toàn khép kín, và chủ lao động ở đây phải cung cấp cho họ phòng học mỗi ngày.
Giải thích thêm về năng suất lao động của người Triều Tiên cao hơn Trung Quốc, một doanh nhân khác cho biết, ngoài cường độ làm việc liên tục, các công nhân ở Triều Tiên không giống như ở Trung Quốc, chỉ làm vì tiền. Người Triều Tiên có thái độ khác, tin rằng họ đang lao động vì đất nước, vì lãnh đạo.
Bất chấp căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington, người Trung Quốc vẫn ồ ạt đi du lịch sang Triều Tiên vì tò mò muốn xem người dân láng giềng này sống ra sao.
Không chỉ các lệnh trừng phạt mới nhất, mà từ trước đến nay các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, nghĩa là không đóng mọi cánh cửa với nước này.
Triều Tiên có khoảng 15 doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc lớn, bên cạnh một số công ty nhỏ hơn khác. Ngành công nghiệp này giờ đây đang phụ thuộc vào Trung Quốc như một chiếc phao cứu sinh.
Minh Tuệ – Theo Asiancorrespondent/Reuters
Xem thêm:
- Nguyên nhân khiến Trung Quốc trở thành cường quốc về hàng giả, hàng nhái
- 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa
- Doanh nghiệp thâu tóm tài sản hàng đầu Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý