Tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính sau năm 2020

0
1207
Tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính sau năm 2020 - ảnh 1
Bộ GD&ĐT vừa báo cáo dự kiến phương án thi tuyển sinh sau năm 2020 tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tại Văn phòng Chính phủ sáng nay.

Bộ GD&ĐT vừa báo cáo dự kiến phương án thi tuyển sinh sau năm 2020 tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tại Văn phòng Chính phủ sáng nay,(25/9).

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết dự kiến năm 2020 kỳ thi THPT quốc gia giữ ổn định như năm 2019 với mục tiêu tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực, đảm bảo độ khách quan, tin cậy và có thể đánh giá được năng lực học sinh.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT dự kiến có một số thay đổi. Về đối tượng dự thi, tất cả học sinh không bắt buộc phải tham gia. Thay vào đó, những em hoàn thành chương trình lớp 12, nếu không có nhu cầu lấy bằng tốt nghiệp THPT mà vẫn đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Chỉ những em có nhu cầu lấy bằng tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng mới cần tham dự kỳ thi THPT quốc gia.

Nội dung thi sẽ nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12. Phương thức thi vẫn là trên giấy, nhưng đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.

Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, Bộ GD&ĐT cho biết thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD&ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).

Tính khả thi của hoạt động tổ chức thi trên máy tính đã được nghiên cứu và phát triển qua nhiều thập kỷ trên với các tổ chức khảo thí độc lập của các nước trên thế giới như: ETs, ACT…. Đối với Việt Nam thành công của mô hình thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và việc triển khai hoạt động đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là những tiền đề khả thi cho phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Về lộ trình thực hiện, trong giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh cho phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính.

Cụ thể, các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (KHTN và KHXH) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi để trở thành bài thi tổng hợp, đồng thời từng bước hoàn thiện thành bài thi phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; mỗi bài thi khi chấm chỉ cho ra 1 đầu điểm duy nhất, không còn 4 đầu điểm như hiện nay.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung gồm: ban hành quy chế, ra đề thi, thanh kiểm tra, giám sát, chủ trì tổ chức chấm thi bài thi trắc nghiệm.

UBND các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương – gọi chung là tỉnh) chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi tại địa phương mình (chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các ban ngành hữu quan thực hiện các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi bài thi tự luận (nếu có), phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT).

Các cơ sở giáo dục đại học được Bộ điều động tham gia các khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi, tổ chức chấm thi và phúc khảo bài thi.

TIN LIÊN QUAN

Bộ GD&ĐT báo cáo dự kiến phương án thi, tuyển sinh sau năm 2020

Vụ gian lận thi cử tại Hòa Bình: Bị can khai đã nhận hơn 1 tỉ để nâng điểm

Vì sao Bộ GD&ĐT hủy quyết định xem xét kỷ luật 13 cán bộ liên quan gian lận thi cử?

D. V (tổng hợp)/ICTnews
Từ khóa: thi THPT thi THPT quốc gia kế hoạch thi THPT quốc gia thi THPT trên máy tính thi THPT quốc gia trên máy tính