Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải sự ‘thành công’ của giáo dục Việt Nam

0
1363

Người Việt chi cho giáo dục cao gấp đôi so với các nước OECD

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, trong bối cảnh KH&CN phát triển mạnh mẽ, cần dựa vào kinh tế tri thức với nền tảng là nguồn vốn con người chất lượng cao.

“Vốn con người được xác định bao gồm kiến thức, kỹ năng và sức khỏe mà con người tích lũy được trong suốt cuộc đời, giúp họ nhận ra tiềm năng của mình như là một thành viên giúp ích cho xã hội. Cải thiện vốn con người và sự đầu tư hợp lý cho con người thông minh thông qua dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chất lượng giáo dục và kỹ năng việc làm.” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng KH&CN cần được nhìn nhận như là một cơ hội để chúng ta tăng năng suất lao động, nhằm tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng hiện nay.

“Để làm được điều đó, không có một công cụ, giải pháp nào tốt hơn là phát triển giáo dục và đào tạo.”

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về PTBV 2019. Ảnh: GD&TĐ.

Đi sâu vào phân tích về cơ hội và thách thức của ngành giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Ở một mức độ nào đó, thành công của Việt Nam trong việc tiếp cận giáo dục cơ bản và kết quả học tập đã được ghi nhận.

Theo kết quả đánh giá năm 2015, Việt Nam đứng thứ 8 về khoa học, đứng thứ 22 về toán, đứng thứ 32 về đọc hiểu trong số 72 quốc gia được đánh giá. Thậm chí, điểm trung bình về khoa học của Việt Nam cao hơn 32 điểm so với mức trung bình của khối OECD.

“Nếu phân tích sâu hơn về điểm đọc hiểu và điểm toán và mức chi tiêu công cho giáo dục, có thể thấy kết quả học tập của Việt Nam vượt trội so với trung bình của các nước OECD, trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn.” Bộ trưởng Nhạ đưa ra so sánh.

Trong khi các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương thường phân bổ tỷ lệ GDP cho giáo dục mầm non thấp, ở Việt Nam, Chính phủ đã dành 0,62% GDP cho giáo dục mầm non – cao hơn so với mức trung bình 0,54% của các nước OECD.

Năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi nhờ vào chính sách mục tiêu đầu tư cho giáo dục mầm non. Điều này cho thấy Chính phủ luôn quan tâm đến tiếp cận công bằng và đầu tư sớm cho giáo dục, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững con người trong tương lai.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, các gia đình Việt Nam thường dành tỷ lệ lớn trong thu nhập để đầu tư cho việc học tập của con, chiếm khoảng 2% GDP, cao hơn gấp đôi mức trung bình 0,9% của OECD và một số quốc gia tương đương không thuộc OECD.

“Con số này cho thấy sự quan tâm đến giáo dục của mỗi gia đình Việt Nam và góp phần lý giải cho những kết quả của giáo dục Việt Nam.” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tỷ lệ sinh viên so với thanh niên ở mức thấp

Tuy nhiên, những kết quả nói trên mới chỉ dừng lại ở các cấp học phổ thông. Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, nếu không có quy mô và chất lượng tương xứng như kỳ vọng, hệ thống giáo dục đại học lại thành điểm nghẽn trong khâu đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao trong chiến lược phát triển kinh tế.

Đánh giá một cách khách quan, hệ thống giáo dục đại học vẫn còn nhiều hạn chế: Hệ thống các trường đại học được mở rộng nhanh chóng nhưng đã có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây. Tỷ lệ sinh viên so với thanh niên ở độ tuổi đại học vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và so với mức trung bình trên thế giới. Chất lượng đào tạo thấp. Hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa thực sự có hiệu quả.

“Trong khi Chính phủ đầu tư cho giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ở mức khá cao thì lại chỉ dành 0,33% GDP cho giáo dục đại học. Đây là một trong các mức đầu tư thấp nhất trên thế giới khi mức trung bình của các nước OECD là 1,1% GDP. Chi tiêu cho mỗi sinh viên đại học tính theo bình quân đầu người chỉ bằng 2/3 so với giáo dục phổ thông và 1/3 so với giáo dục của các nước OECD”.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, mức đầu tư này sẽ là một thách thức lớn cho mục tiêu trở thành nền kinh tế dựa trên tri thức trong tương lai.

Từ những thành tựu, cơ hôi và thách thức nêu trên, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng cần xác định phương hướng, nhiệm vụ đổi mới toàn diện giáo dục của Việt Nam đến năm 2030.

Trong đó, mặc dù đạt nhiều kết quả tốt, giáo dục phổ thông vẫn bị đánh giá là nặng về hình thức và thi cử. Do vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào triển khai từ năm 2020, chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất và năng lực, là tiền đề cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Đối với giáo dục đại học, thành công của một số trường đại học không chỉ đơn thuần là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp, khả năng tìm kiếm việc làm của sinh viên, hay vị trí xếp hạng của quốc tế, mà còn là sự phát triển bền vững và lâu dài của sinh viên, khả năng sẵn sàng chấp nhận rủi ro, năng lực đổi mới và sáng tạo của sinh viên.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn lực để giải quyết nút thắt về nguồn lực chất lượng cao, trong đó tập trung vào chất lượng các trường đại học; hoàn thiện khung thể chế về tự chủ đại học; nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua đẩy mạnh các công tác kiểm định chất lượng; tăng cường ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học và thay đổi cơ chế phân bổ cho hiệu quả; đa dạng hóa hệ thống giáo dục đại học, trong đó cần tăng tỷ trọng các trường tư thục chất lượng cao; cải thiện chất lượng và mức độ liên quan giáo dục đại học, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

Và trên hết, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cần khẳng định tầm quan trọng của hệ thống giáo dục hỗ trợ học tập suốt đời:

Bộ trưởng Nhạ nói: “Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục là phát hiện và nuôi dưỡng tài năng, khuyến khích sự theo đuổi, đam mê và nhu cầu học tập suốt đời của người học.”

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, lợi thế cạnh tranh lớn nhất không phải là tài nguyên thiên nhiên, công nghệ mà là con người. Bên cạnh việc đầu tư sớm, đúng, đủ và hiệu quả vào nguồn tài nguyên con người, chúng ta cần xây dựng một hệ thống giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực của người học thông qua việc định hướng các con đường phù hợp nhất cho học sinh, sinh viên.

TIN LIÊN QUAN

Luật sư của gia đình học sinh trường GateWay gửi 6 kiến nghị đến cơ quan tố tụng

GS Hồ Ngọc Đại: ‘Tôi không bất ngờ khi sách bị loại’

Trang điểm đến trường, nữ sinh bị thầy giáo lau sạch mặt

Nguyễn Tuân
Từ khóa: Phát triển bền vững Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ Giáo dục đại học