Bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn… đụng đâu cũng thấy

0
1376
Bộ Nội vụ đã thanh tra phát hiện nhiều địa phương xảy ra tình trạng bổ nhiệm cán bộ quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn

Phát hiện bổ nhiệm sai nhưng… cho phép sửa

Một loạt công bố kết quả kiểm trả của Thanh tra Bộ Nội vụ gần đây cho thấy, tình trạng bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo không đủ điều kiện diễn ra phổ biến, đụng đâu thấy đó.

Tại Thanh Hóa, Thanh tra Bộ Nội vụ kết luận có 94 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại tỉnh này còn thiếu một hoặc một số điều kiện, tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm như: Bằng chuyên môn không phù hợp với vị trí việc làm, thiếu chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ dành cho lãnh đạo cấp sở hoặc nghiệp vụ chuyên ngành…

Trước đó, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm tổ trưởng làm việc với tỉnh Lào Cai ngày 4/10 cũng cho thấy, địa phương này có tới 596 cán bộ được bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử giữ các chức danh diện cơ quan, đơn vị quản lý thiếu tiêu chuẩn, điều kiện trong giai đoạn 1/6/2012 đến 31/12/2018.

Gần đây nhất, Bộ Nội vụ cũng công bố 156 cán bộ lãnh đạo, quản lý tại TP. HCM còn thiếu hoặc thiếu một số điều kiện như: chứng chỉ quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ dành cho lãnh đạo cấp sở hoặc cấp nghiệp vụ chuyên ngành… nhưng vẫn được bổ nhiệm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị địa phương thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm công chức. Trong đó, phát hiện các trường hợp còn chưa đáp ứng để có kế hoạch cử đi đào tạo, bồi dưỡng, khắc phục. Đồng thời, quy định thời hạn để các công chức hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu…

Câu chuyện được đặt ra là, đây chính là dấu hiệu các địa phương biết bổ nhiệm là thiếu điều kiện, làm sai nhưng vẫn quyết định bổ nhiệm.

Ngoài lề thực tế này là, người không đủ điều kiện, thiếu văn bằng, chứng chỉ vẫn được “bổ nhiệm nợ”, tức là vẫn có khả năng đáp ứng công việc? Vô hình trung, việc này tạo cơ hội để các trung tâm đào tạo văn bằng, chứng chỉ “hợp lý hóa” có đất sống. Trong khi đó, để hoàn thiện các văn bằng chứng chỉ cũng khiến các cán bộ, công chức kêu trời..

“Guồng quay” chứng chỉ

Chia sẻ về vấn đề này, ĐB Phạm Thị Minh Hiền, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng yêu cầu về chứng chỉ, bằng cấp đối với cán bộ công chức, viên chức cũng đã được nhiều đại biểu đề cập trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tại kỳ họp thứ 8 vừa mới kết thúc.

Nhiều đại biểu ví những văn bằng, chứng chỉ này không khác nào các “giấy phép con” “hành” cán bộ công chức, viên chức và chất vấn Bộ trưởng Nội vụ cách giải quyết tình trạng này như thế nào?

“Thế nhưng câu trả lời của bộ trưởng chưa rõ. Và chính vì chưa rõ, chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ trưởng đưa ra nhiều giải pháp nhưng sự chuyển biến thực tế còn chậm”, Đại biểu Phạm Minh Hiền nhấn mạnh.

Theo vị đại diện cử tri tỉnh Phú Yên, lĩnh vực quản lý của ngành nội vụ liên quan trực tiếp đến con người. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã thừa nhận, có văn bản được ban hành 20 năm nay và đã phát hiện bất cập từ rất lâu rồi nhưng đến nay cũng chưa được sửa đổi.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền

“Lực lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay tâm tư lắm, nhất là quy định về các “giấy phép con”. Lực lượng giáo viên chẳng hạn, họ rất tâm tư.

Một số cử tri nói với tôi rằng họ không cảm thấy hạnh phúc bởi con họ học, họ cũng phải học, con họ thi, họ cũng phải thi, tức là cả gia đình bị áp lực bởi vấn đề học và thi cử thì sao mà hạnh phúc được?

Cả cha mẹ cũng phải lao vào hoàn thiện các văn bằng chứng chỉ, con cái thì áp lực bởi chương trình giáo dục, thậm chí là không có được một bữa cơm gia đình đầm ấm, sum vầy cho trọn vẹn”.

“Bản thân tôi cũng bị áp lực khi đối diện với việc thi nâng ngạch, bổ nhiệm lại, nên rất thấm thía những điều mà cử tri chia sẻ với mình. Áp lực đó là từ các yếu tố bên ngoài buộc mình phải quay theo.

Nói cách khác là, cán bộ, công chức, viên chức bị đặt vào một guồng quay mà thậm chí là không quay một cách logic, nhiều khi là đảo lộn bởi những quy định rất mới khiến người ta hoang mang, không biết như thế nào.

Ví dụ việc thi nâng ngạch, từ bản thân tôi thì thấy, năm ngoái thì tôi đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thi nâng ngạch nhưng sang đến năm sau đó thì đã không đủ điều kiện nữa”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ.

Theo Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, có những quy định mới phát sinh hoặc mang tính “sáng tạo” khiến cho cán bộ công chức không chạy theo được. Chất lượng thực thi công vụ của công chức bị ảnh hưởng bởi khi phải tập trung cho việc hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ thì họ sẽ không thể tập trung cho công việc chuyên môn.

“Nếu chúng ta làm tốt, làm bài bản, chất lượng ngay từ khâu đầu vào tuyển chọn cán bộ công chức, viên chức thì lẽ ra sau đó cứ vậy mà làm việc, cống hiến, phát triển thôi còn bây giờ là phải nằm trong guồng vừa học vừa làm vừa hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ, áp lực chuyên môn, áp lực chứng chỉ bằng cấp đè nặng lên mỗi cán bộ công chức, viên chức”, bà Hiền nói.

TIN LIÊN QUAN

Vụ nữ Trưởng phòng ‘mượn bằng’ của chị gái: Nhiều cán bộ bị kiểm điểm rút kinh nghiệm

Bộ trưởng Nội vụ: Quy định bổ nhiệm cần tới 7 bằng cấp, rất phiền hà

ĐB Bùi Sỹ Lợi: Đất nước này “mua” bằng rẻ lắm

N.Huyền