TAND Hà Nội tuyên bác kháng cáo kêu oan của bà Nguyễn Bích Quy, 56 tuổi, và chấp nhận một phần đơn kháng cáo của hai bị còn lại.
Theo bản án phúc thẩm, ở tội Vô ý làm chết người, ông Phiến phải thi hành hình phạt 10 tháng tù, bà Quy 21 tháng tù. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy, 29 tuổi, lĩnh 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Quy, Phiến mỗi người bồi thường 249 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
HĐXX nhận định, hành vi của ba bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, không thực hiện đúng quy tắc xử sự, không thực hiện đúng trách nhiệm được giao. Việc này khiến bé Lê Hoàng Long, 6 tuổi, tử vong do bị bỏ quên trên ôtô khi đến trường Gateway.
Bà Quy giữ vai trò chính. Khi giám sát đưa đón học sinh bà buộc phải điểm danh nhưng không thực hiện. Bà có nhiều lời khai thể hiện được thông báo tham gia tập huấn đưa đón học sinh nhưng không có mặt. Do vẫn nhận công việc đưa đón học sinh, bà buộc phải thực hiện đúng công việc được giao.
Bà Quy khai ông Phiến là người đóng cửa xe cuối cùng nhưng HĐXX nhận thấy trách nhiệm chính kiểm đếm học sinh thuộc về bà. Những chứng cứ khác bà đưa ra như về quả bóng bay, việc thay quần áo… chỉ là phỏng đoán, không phù hợp nội dung vụ án.
Tài xế Phiến không thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ, không kiểm tra trong xe khi xuống dẫn đến việc cháu Long bị bỏ quên. Bởi vậy, toà không chấp nhận kháng cáo xin thay đổi tội danh của ông Phiến mà chỉ giảm nhẹ hình phạt.
Với cô giáo Thủy, HĐXX cho rằng nếu làm đúng trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm khi thấy học sinh vắng mặt không phép cần liên hệ với gia đình và cập nhật lên phần mềm quản lý của trường. Có như vậy, hậu quả vụ án đã không xảy ra.
Trước đó, trong lời nói lời sau cùng, bà Quy cúi đầu, ấp úng nói mong được giảm nhẹ hình phạt để cho hưởng án treo. Ông Phiến và cô giáo Thuỷ đều bật khóc, gửi lời xin lỗi đến gia đình bị hại. Cô Thuỷ trình bày rất ân hận, đau xót và day dứt khi vì những sai sót không đáng có của mình mà khiến bé Long tử vong.
Tại phần tranh luận, luật sư Lê Trọng Minh, bào chữa cho bị cáo Quy, cho rằng mức án với thân chủ là bất công, thiếu công bằng. Bà Quy bị khởi tố đầu tiên nên chịu nhiều áp lực và “dù có chối tội nhưng vẫn thành khẩn khai báo”.
“Trong vụ án này chỉ mình cô giáo chủ nhiệm phải hầu toà đã không thể hiện sự khách quan. Trường Gateway cũng phải chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm lớn”, luật sư Minh nêu quan điểm và cho rằng nhiều tình tiết đề nghị vẫn chưa được HĐXX làm rõ.
Đối đáp, đại diện VKS cho rằng tài liệu quan trọng nhất không thể chối cãi được là biên bản giám định pháp y. Kết quả giám định “chỉ ra rất rõ về nguyên nhân tử vong của bé Long với chứng cứ xác thực”.
VKS cho rằng đã giải thích và cho bị cáo Quy cơ hội để hối cải về hành vi của mình nhưng bị cáo vẫn chọn “kêu oan”. Hơn nữa, bị cáo Quy gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra khi liên tục thay đổi lời khai. Ban đầu, bà thừa nhận mọi hành vi nhưng khi có luật sư vào tham gia đã thay đổi lời khai, chối tội.
Nội dung vụ án xác định, ngày 6/8/2019, ông Phiến lái ôtô Ford Transit 16 chỗ cùng bà Quy đi đón 13 học sinh trong đó có bé Long. Khoảng 7h30, khi xe đến cổng trường Gateway, bà Quy đóng cửa mà không kiểm tra, dẫn 12 học sinh vào trường.
Ông Phiến đóng cửa mà không kiểm tra lại khiến bé Long bị bỏ quên trên ôtô từ 7h23 đến 16h15. Bé chết do “suy hô hấp tuần hoàn, sốc nhiệt trong không gian giới hạn”.
Phạm Dự