5 ngày hoang mang chờ kết quả xét nghiệm nCoV

0
3404

Tim Herera, biên tập viên 33 tuổi của New York Times, hôm 11/3 xuất hiện triệu chứng ho và đau ngực. Là một người khỏe mạnh và không có tiền sử bệnh hô hấp, Tim nghĩ Covid-19 chỉ giống như một cơn cảm cúm ở mức trung bình và tin rằng anh hoàn toàn có thể xoay xở với tình trạng này.

Nhưng trước khi có thể biết chính xác mình có bị nhiễm nCoV hay không để có phương pháp điều trị thích hợp, Tim đã trải qua 5 ngày chờ đợi không mấy dễ chịu, bởi quá trình xét nghiệm nCoV diễn ra không hiệu quả và có nhiều nhầm lẫn.

Tuy nhiên, anh nhận thấy mình vẫn may mắn so với rất nhiều người khác ở Mỹ, những người có triệu chứng nặng hoặc có nguy cơ bị nhiễm nCoV cao nhưng phải đối mặt với vô số rào cản để có thể xét nghiệm nCoV và tìm được câu trả lời về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Để mọi người có thể thấy rõ hơn về quy trình này, Tim đã kể lại chi tiết 5 ngày sống trong thấp thỏm, lo âu để chờ được xét nghiệm nCoV của mình.

Tim Herera tại phòng chờ xét nghiệm ở bệnh viện NYC Health and Hospitals, thành phố New York hôm 12/3. Ảnh: NY Times.

Tim Herera tại phòng chờ xét nghiệm ở bệnh viện NYC Health and Hospitals, thành phố New York hôm 12/3. Ảnh: NYTimes.

Triệu chứng xuất hiện

Ngày 11/3, tôi thức dậy sau một cơn ho và có cảm giác ớn lạnh. Điều đầu tiên tôi làm là tra Google về triệu chứng.

Tôi cố gạt suy nghĩ rằng mình đã bị nhiễm nCoV và cố nghĩ rằng tất cả chỉ là do tôi tự tưởng tượng. Nhưng sau vài lần kiểm tra thân nhiệt trong suốt buổi sáng hôm đó, tôi bắt đầu sốt 37,7 độ C.

Cơn ho vẫn không dứt và rất nhanh sau đó tôi đã sốt gần 37,9 độ C.

Sau khi nghe vài lời khuyên của bạn cùng phòng, tôi quyết định gọi cho văn phòng bác sĩ riêng. Ai đó nghe máy và ghi chép lại những triệu chứng rồi bảo tôi chờ. Một lúc sau, họ nói tôi cần liên hệ tới dịch vụ y tế khẩn cấp để làm xét nghiệm.

“Bạn có thể giới thiệu cho tôi một địa chỉ nào không?”, tôi hỏi.

“Anh chỉ cần lên Google và gõ ‘dịch vụ y tế khẩn cấp thành phố New York'” là ra thôi”, người phụ nữ nói với tôi qua điện thoại và thêm rằng tôi có thể thử tới phòng khám CityMD bởi nơi đó cũng có dịch vụ xét nghiệm nCoV.

Tôi gọi tới CityMD, nhưng họ cho biết không cung cấp dịch vụ xét nghiệm này. Tôi lại nhờ họ giới thiệu nơi khác, nhưng CityMD không biết địa điểm nào.

Bạn cùng phòng cũng giúp tôi gọi cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong khi tôi cố gắng liên hệ tới NYC Health and Hospitals, hệ thống bệnh viện cộng đồng ở thành phố New York. Sau khoảng một tiếng chờ đợi, bạn tôi cuối cùng cũng liên hệ được với một người ở CDC. Lúc đó, thân nhiệt của tôi đã tăng lên 38,7 độ C.

Cô ấy chuyển máy cho tôi nói chuyện và người phụ nữ ở đầu dây bên kia cẩn thận ghi lại từng triệu chứng và thông tin của tôi, sau đó bảo tôi đợi. Vài phút sau, cô ấy nói rằng sẽ có người gọi lại cho tôi để tư vấn thêm. Và điều gây hoang mang nhất trong ngày hôm đó là họ khuyên tôi gọi cho văn phòng bác sĩ riêng để đề nghị bác sĩ truy cập trang cdc.gov nhằm tìm hiểu quy trình thăm khám phù hợp.

Khi nhân viên CDC gọi lại, người đó nói rằng sẽ có người tới kiểm tra tình trạng sức khỏe cho tôi vài ngày một lần. Nhưng kể từ đó, tôi không nhận được thêm bất kỳ tư vấn nào từ CDC.

Trong khi đó, tôi vẫn cố liên hệ tới NYC Health and Hospitals. Vài phút sau, một người nghe máy và lấy thông tin cá nhân cùng triệu chứng của tôi. Nhưng lần này, tôi nhận được câu trả lời cụ thể, đó là phải tự cách ly 14 ngày.

Tôi gác máy và nghĩ như vậy là xong. Tôi đặt hàng qua mạng và sẵn sàng cách ly hai tuần trong phòng với bạn tôi và hai con mèo. Nhưng khoảng một giờ sau, NYC Health and Hospitals gọi lại và muốn hẹn xét nghiệm cho tôi và bạn tôi vào sáng hôm sau.

Tôi vẫn không biết tại sao chúng tôi phải làm xét nghiệm. Chúng tôi còn trẻ, khỏe mạnh và chỉ một trong người có triệu chứng, nhưng không nghiêm trọng.

Nhiều người có lẽ không được may mắn như tôi bởi tôi có thể làm việc ở nhà, thoải mái ngồi gọi điện thoại hàng giờ và cơ quan cho phép tôi nghỉ vào ngày hôm sau. Từ lúc tôi có kết quả, nhiều bạn bè của tôi, trong đó một người cũng xuất hiện triệu chứng, đã cố gắng xét nghiệm nhưng không ai thành công.

Khoảng 50.000 người Mỹ được xét nghiệm cho đến nay, theo ước tính của Dự án Theo dõi Covid-19 do cộng đồng mạng khởi xướng. Trong khi đó, Hàn Quốc xét nghiệm tới 10.000 người mỗi ngày.

Xét nghiệm

Ngày 12/3, tôi và bạn cùng phòng đi bộ 40 phút từ căn hộ ở Lower East Side, thành phố New York tới bệnh viện, bởi y tá trước đó yêu cầu chúng tôi không sử dụng phương tiện công cộng hoặc taxi.

Theo hướng dẫn, chúng tôi tới một chiếc cổng sắt đặc biệt ở nách bệnh viện và gọi báo cho y tá. Cô ấy ra ngoài gặp chúng tôi và đưa cho mỗi người một chiếc khẩu trang, trước khi đưa chúng tôi tới phòng chờ, nơi được chỉ định là khu vực ứng phó nCoV.

Có tới ba bình nước rửa tay sát khuẩn trong một phòng chờ có 9 chỗ ngồi. Sau khoảng hơn một tiếng, chúng tôi được đưa đến một phòng bệnh viện, nơi được khử trùng sau mỗi lần xét nghiệm và chỉ được sử dụng một lần trong mỗi giờ. Một bác sĩ ngồi trong phòng riêng gọi cho chúng tôi để hỏi về các triệu chứng và khả năng lây nhiễm. Sau khi kết thúc cuộc gọi, nữ bác sĩ trong trang phục bảo hộ, đeo găng tay và mặt nạ oxy bước vào phòng.

Cô ấy cho biết mỗi người chúng tôi phải lấy 4 mẫu bệnh phẩm dịch mũi để xét nghiệm cúm và Covid-19. Tôi từng đọc được rằng khi làm xét nghiệm này, bạn sẽ cảm thấy que lấy mẫu bệnh phẩm chọc sâu vào mũi như thể chạm tới não bạn. Nhưng mọi chuyện không đáng sợ như thế. Việc lấy mẫu bệnh phẩm diễn ra rất nhanh, khi nhân viên y tế chỉ cần đưa que lấy mẫu vào mũi và xoay nhẹ.

Bác sĩ cởi bỏ găng tay và áo choàng bảo hộ, sau đó gõ cửa để y tá mở từ phía ngoài. Sau khi rời đi vài phút, bác sĩ gọi lại và yêu cầu chúng tôi tiếp tục tự cách ly ở nhà, chỉ gọi cho dịch vụ y tế khẩn cấp nếu triệu chứng xấu đi.

Chúng tôi vẫn đeo khẩu trang khi về nhà và không rời căn hộ nửa bước kể từ đó.

Nhân viên y tế xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm Wadsworth ở Albany, New York. Ảnh: NY Times.

Nhân viên y tế xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Trung tâm Wadsworth ở Albany, New York. Ảnh: NYTimes.

Kết quả

Chúng tôi được thông báo rằng kết quả sẽ có sau 2-3 ngày. Nhưng phải tới khoảng 18h ngày 16/3, kết quả dương tính với nCoV của tôi mới được đăng trên mạng. Tôi thông báo kết quả xét nghiệm cho cơ quan và tất cả mọi người từng tiếp xúc trong tuần qua.

Những người nhiễm nCoV có triệu chứng nhẹ không cần phải làm gì nhiều. Họ chỉ cần uống thuốc nếu bị sốt và không rời khỏi nhà. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt đó là cảm giác bí bách khi luôn phải ở trong nhà.

Nhưng những gì chúng tôi trải qua đã cho thấy các cơ quan chịu trách nhiệm ứng phó với Covid-19 ở Mỹ cũng tỏ ra hoang mang không kém. Rất nhiều người nói rằng họ đang cố gắng hết sức nhưng không biết phải làm gì. Rõ ràng các y tá, bác sĩ và nhân viên y tế chúng tôi gặp đều là người có năng lực, nhưng họ không thể giúp chúng tôi bớt hoang mang.

Việc tìm kiếm những thông tin tư vấn chính xác mất rất nhiều thời gian và năng lượng. Với những người không được may mắn như tôi, quá trình này thậm chí còn mệt mỏi hơn gấp bội.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thấy có những sự cải thiện trong việc xét nghiệm. Thống đốc New York Andrew M.Cuomo đã yêu cầu tăng cường xét nghiệm nCoV và giúp số người được kiểm tra tăng thêm hơn 500 từ ngày 16/3 tới sáng 17/3.

Bang New York cũng đã mở trung tâm xét nghiệm đầu tiên ở New Rochelle và dự kiến mở thêm nhiều trung tâm khác. Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 17/3 thông báo thành phố sẽ đủ khả năng xét nghiệm cho 5.000 người mỗi ngày từ 19/3, thay vì vài trăm ca như trước đây.

Sau tất cả, tôi phát hiện ra một sự thật khá hài hước rằng mình được xác định dương tính với nCoV vào đúng ngày sinh nhật.

Thanh Tâm (Theo NYTimes)