Viết lại câu sử dụng mệnh đề quan hệ là câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong đề thi, kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh vào lớp sáu. Đây là một dạng bài khó bởi có nhiều loại đại từ, trạng từ quan hệ khác nhau giải thích cho danh từ đứng trước nên học sinh dễ bị nhầm lẫn. Cô Nguyễn Thị Mai Hương – Giáo viên tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục Học Mãi với nhiều năm giảng dạy cấp tiểu học gợi ý phương pháp giải câu hỏi này.
Cô Nguyễn Thị Mai Hương – Giáo viên tiếng Anh, Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn. |
Chọn đại từ và trạng từ quan hệ là vấn đề then chốt khi đối diện với câu hỏi mệnh đề quan hệ, để xác định thì phải tìm được yếu tố trùng nhau giữa hai câu. Tuy nhiên, vị trí của yếu tố này không cố định (đầu câu, trong câu, cuối câu) và đóng những vai trò khác nhau (chủ ngữ, tân ngữ). Học sinh khi xem đề cần đọc kỹ, gạch chân dưới từ khóa để xác định yếu tố trùng nhau.
Đại từ quan hệ có thể chỉ người hay động vật, đồ vật (who, which), nhưng cũng có thể dùng thay thế cho sự sở hữu (whose). Đôi lúc, đại từ còn thay cho tân ngữ chỉ người trong câu (whom). Nếu dùng để chỉ địa điểm hoặc thời gian thì sẽ sử dụng các trạng từ quan hệ (where, when). Điều này đôi lúc khiến học sinh đau đầu vì không biết nên sử dụng đại từ, trạng từ quan hệ thế nào cho chính xác.
Ngoài ra, sự đa dạng về các loại mệnh đề quan hệ cũng là yếu tố “gây nhiễu”, tạo ra sự nhầm lẫn trong việc xác định đại từ, trạng từ để viết lại câu. Có hai loại mệnh đề là mệnh đề xác định và mệnh đề không xác định. Mệnh đề xác định được sử dụng khi muốn đưa ra một thông tin cụ thể, chính thức. Ngược lại, khi muốn đưa ra một thông tin mang tính chất thêm vào, chú thích cho nội dung ban đầu thì sử dụng mệnh đề không xác định. “That” là đại từ chỉ sử dụng trong mệnh đề xác định, học sinh cần lưu ý để tránh sử dụng sai.
Ba bước viết lại câu sử dụng mệnh đề quan hệ
Bước 1: Xác định các yếu tố trùng nhau
Nếu không xác định được yếu tố trùng nhau giữa hai câu sẽ không thể chọn được đại từ, trạng từ quan hệ thích hợp. Yếu tố trùng có thể chỉ người, chỉ đồ vật, con vật, địa điểm hoặc thời gian. Ngoài ra, cần chú ý tới vai trò của yếu tố trùng trong câu thứ hai, là chủ ngữ hay tân ngữ trong câu. Mấu chốt của bước này là đọc các câu thật kỹ và gạch chân dưới yếu tố trùng.
Bước 2: Tìm đại từ, trạng từ quan hệ tương ứng.
Có nhiều loại đại từ quan hệ và trạng từ quan hệ mà học sinh có thể sử dụng bao gồm:
Who: Là đại từ quan hệ chỉ người làm chủ ngữ, đứng sau tiền ngữ chỉ người để làm chủ ngữ cho động từ đứng sau nó;
Which: Là đại từ quan hệ chỉ đồ vật, con vật, làm chủ ngữ hoặc tân ngữ cho động từ sau nó;
Whom: Là đại từ quan hệ chỉ người làm tân ngữ, đứng sau tiền ngữ chỉ người để làm tân ngữ cho động từ đứng sau nó;
Whose: Là đại từ quan hệ chỉ người, thay cho tính từ sở hữu;
That: Là đại từ quan hệ chỉ cả người lẫn vật, có thể dùng thay cho Who, Whom, Which trong mệnh đề quan hệ thuộc loại mệnh đề xác định;
When: Là trạng từ quan hệ chỉ thời gian, đứng sau tiền ngữ chỉ thời gian;
Where: Là trạng từ quan hệ chỉ địa điểm, nơi chốn;
Lưu ý, một vài đại từ đặc biệt (that) có thể sử dụng thay thế cho những loại khác mà ý nghĩa của câu không thay đổi.
Bước 3: Ghép câu
Ở bước này, học sinh viết câu thứ nhất tới hết danh từ có chứa yếu tố trùng ở câu thứ hai. Sau đó, ghép câu thứ hai, sau khi đã thêm đại từ, trạng từ quan hệ ở đầu câu. Cuối cùng là viết nốt những nội dung còn lại ở câu thứ nhất. Đặc biệt, khi đã sử dụng đại từ, trạng từ quan hệ thì phải bỏ đi yếu tố trùng xuất hiện trong câu thứ hai. Ngoài ra, đối với những mệnh đề quan hệ không xác định thì cần sử dụng dấu phẩy để ngăn cách giữa mệnh đề quan hệ và câu chính.
Bên cạnh đó, cô Mai Hương cũng đưa ra lời khuyên về lộ trình học phù hợp, tháng ba ôn bám sát chương trình sách giáo khoa và cấu trúc đề thi của trường mục tiêu. Tháng tư luyện tập qua các đề thi năm trước hoặc các đề thi thử có cấu trúc tương tự. Kết hợp luyện đề với bổ sung các kiến thức còn thiếu, yếu. Tháng năm nên tăng tần suất luyện đề, tuần có thể làm 2-3 đề thi để rèn luyện phương pháp làm bài, phản xạ với từng dạng bài khác nhau, tránh các lỗi sai khi làm bài.
Thế Đan