Thấy con gái khum tay trái vào lòng tay phải, rửa tay theo đúng “quy trình 6 bước”, chị Nguyễn Thị Hà, 32 tuổi, cư dân của khu chung cư thuộc phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng làm theo, mắt hướng lên bảng hướng dẫn.
“Không có dịch corona này, có lẽ tôi cũng chẳng biết phải rửa tay thế nào mới đúng”, bà mẹ trẻ nói. Phía sau mẹ con chị, năm người từ trong thang máy bước ra, đứng xếp hàng đợi đến lượt. Đều quen nhau, nhưng họ chỉ gật đầu, thay vì chào hỏi vồn vã như trước.
Nhờ được thường xuyên tiếp cận các thông tin về giữ gìn vệ sinh, ý thức của người dân đô thị tăng lên. Ảnh: Ngọc Thành. |
Ở cùng tòa nhà với chị Hà, một tháng nay trong gia đình anh Nguyễn Chí Minh xuất hiện “vật thể lạ” là những chai cồn 70 độ. Nhà anh đã dùng hết hai chai dù chỉ để rửa tay sát khuẩn theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Thay vì hai lần mỗi tuần, giờ đây ngày nào anh cũng hì hụi lau nhà, vệ sinh nhà tắm, đồ dùng hàng ngày. Anh cũng có thói quen mới mở mắt ra là cầm điện thoại cập nhật tin tức về dịch bệnh, vào website của Bộ Y tế đọc khuyến cáo. “Bữa cơm của gia đình tôi chủ yếu xoay quanh con virus corona”, anh nói.
Quyết định cho con nghỉ học được vợ chồng anh Minh đưa ra, trước khi có thông báo từ nhà trường. Vợ bận, anh phải nghỉ làm ba ngày trông con sau đó nhờ ông bà ngoại từ Ninh Bình ra chăm cháu.
Ở công ty anh Minh làm việc, không khí sôi nổi những ngày gặp mặt đầu xuân hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là hơn 30 khuôn mặt đeo khẩu trang, chỉ nói chuyện với nhau một cách hạn chế về công việc.
Năm năm làm việc ở một công ty thiết bị truyền hình, lần đầu tiên, anh thấy công ty không có hợp đồng mới nào được ký kết trong suốt một tháng sau Tết.
Cồn, nước rửa tay lần đầu xuất hiện ở các chung cư, tòa nhà cao tầng, các khu văn phòng, kể từ khi xuất hiện dịch nCoV. Ảnh: Phạm Nga. |
Không chỉ anh Minh, chị Hà, từ khi Thủ tướng công bố dịch, không khí ở chung cư hơn 1.500 cư dân nơi họ sinh sống đột nhiên chùng xuống. Vài người lên nhóm của chung cư trên mạng xã hội đề nghị cho hai cư dân Trung Quốc sống ở khu này đi thang máy riêng. Một vài người khác còn có ý định sơ tán, gửi con về quê.
Khu vui chơi trước đây, mỗi chiều, lũ trẻ từ các căn hộ tràn xuống vui đùa, nay chỉ còn lác đác vài đứa. Khu thể thao không còn tiếng bóng rổ nện bùm bụp xuống sàn. Ghế đá vốn là nơi để các cụ già ngồi trò chuyện nay cũng trống trải.
Hai ngày đầu khi công bố dịch, anh Minh với vai trò Trưởng ban quản trị cùng với các thành viên đôn đáo tìm mua khẩu trang, nước rửa tay cho mọi người sử dụng miễn phí. Trong thang máy, mọi người im lặng đợi cửa mở. Ở sảnh các tòa nhà, lúc nào cũng có sẵn một chai cồn, một lọ nước rửa tay khô, một lọ xà phòng. Những cuộc thảo luận trên mạng xã hội của chung cư đều xoay quanh chuyện dịch bệnh.
Sự cẩn trọng không chỉ xuất hiện trong các gia đình mà đã lan khắp thành phố, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại hay những địa điểm công cộng, tập trung đông người có thêm “thủ tục” đo thân nhiệt cho toàn bộ nhân viên và khách. Một cửa hàng hoa ở phố Kim Mã, quận Ba Đình thông báo sẽ khử trùng từ kéo cắt hoa đến thanh nắm cửa mỗi ngày để trấn an khách hàng. Một salon tóc trên phố Duy Tân, quận Cầu Giấy khuyến cáo khách hàng hạn chế nói chuyện, đo thân nhiệt cho từng người. Chị Nguyễn Huỳnh Như, 26 tuổi, quản lý của một nhà sách trên đường Láng, quận Đống Đa cho biết, lượng khách giảm mạnh đến mức hơn 40 nhân viên của chị thay vì phục vụ khách dọn dẹp, giờ chỉ còn biết khử trùng đồ dùng, thiết bị, hàng hóa trong quầy.
Anh Minh làm tham gia cuộc họp ban quản trị chung cư, rồi ở lại tiếp tục ở lại làm việc sau 20h ngày 18/2, để tăng cường giải pháp phòng bệnh. Ảnh: Phạm Nga. |
Đến siêu thị mua sắm vào ngày cuối tuần, chị Hoàng Thị Hồng, 42 tuổi, ở Trần Duy Hưng, Cầu Giấy không còn thấy cảnh chen lấn, khan hiếm. Mới cách đây vài tuần, chị phải xếp hàng hơn 30 phút trong siêu thị, chỉ để xách về một cây bắp cải và ít đồ gia dụng. “Hai tuần gần đây, đến siêu thị mà cảm giác như mình là tầng lớp thượng lưu, lại quầy là được thanh toán ngay”, chị nói.
Buổi chiều, quay về công ty ở Minh Khai, quận Hoàng Mai, chị Hồng hắt xì liên tục. Một đồng nghiệp rút chiếc khẩu trang từ hộp để sẵn trên bàn đưa cho Hồng “đeo vào không bắn hết virus vào mặt tôi cô ạ”. Sếp chị ngồi trong phòng nói vọng ra: “Mai nếu thấy mệt thì làm ở nhà cũng được em nhé”. Câu nói của sếp khơi mào cho cuộc thảo luận không hồi kết về dịch bệnh. Lúc này, Hồng mới biết, hóa ra “con corona” nghiêm trọng hơn mình nghĩ.
Hôm sau, vẫn hắt hơi, trán hâm hấp nóng nên chị xin phép không đến công ty, dù nghĩ mình chỉ bị cảm. “Chồng tôi bình thường vô tâm lắm, vợ nhờ lấy thuốc thôi cũng hơi bị khó, thế mà đợt này cứ giục chở vợ đi khám”, chị kể.
Hồng còn ngạc nhiên hơn khi tối đó chồng chị bỏ cuộc nhậu thường lệ vào tối thứ bảy. Thấy vợ ngạc nhiên, anh bảo “đang dịch, ông nào cũng ngại đi quán nên giãn ra vài tuần một lần”. Chủ nhật, họ không ngủ nướng mà hì hụi lau nhà, dọn dẹp nhà vệ sinh. Anh kéo con gái 5 tuổi vào lòng, dặn phải rửa tay thật kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Cách nhà chị Hồng hơn 10km, ở một khu trọ chật hẹp tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, cuộc sống của Nguyễn Thị Thu Hương, 25 tuổi cũng đã không còn như trước. Tan giờ làm, Hương gọi hai hàng xóm ra sân, bật nhạc thể dục, người lắc vòng, người tập các bài nhảy. Trước khi có dịch, sân tập của họ ở ngay cổng phụ của công viên Cầu Giấy. Từ Tết ra, ngại đông người nên họ không đến nữa.
Ba tuần đi làm, Hương cũng tiết kiệm được hơn 600 nghìn đồng, khoản dư khi không ăn quán. Từ khi có dịch, đồng nghiệp thân thiết đều mang cơm đến công ty ăn, cô bơ vơ. Nhóm bốn chị em thân thiết của Hương họp bàn, quyết định phân công nhau mang cơm đi ăn. Người phụ trách mang cơm, người mang rau, mang thức ăn, hoa quả, rồi đổi lịch quay vòng.
Họ dự tính, hết dịch sẽ vẫn duy trì thói quen nấu cơm nhà mang đi.
Phạm Nga- Phan Diệp