Năm 1969, tiến sĩ Haim Ginott dùng khái niệm “cha mẹ trực thăng” để chỉ những ông bố, bà mẹ bảo vệ, kiểm soát con quá mức ở mọi khía cạnh cuộc sống. Hình ảnh trực thăng ám chỉ việc cha mẹ luôn giám sát trên đầu con 24/24h.
Theo các nhà khoa học, “cha mẹ trực thăng” là kiểu nuôi dạy con phổ biến hiện nay. Một trong những lý do cha mẹ chọn phương pháp này là muốn loại bỏ mọi điều có thể gây buồn bực, thất vọng trong cuộc sống con cái họ. Những cha mẹ này quá tích cực (một cách không cần thiết) để bảo vệ con khỏi những mối đe dọa, hạn chế con tự do hành động và rút ra bài học từ sai lầm của chính mình.
Ảnh: Shutterstock |
Hậu quả khi có “cha mẹ trực thăng”
Nếu hỏi tại sao nhiều phụ huynh lại chọn phương pháp này để nuôi dạy con, câu trả lời của đa số là muốn con hạnh phúc, không phải chịu vất vả. Nhưng thực tế, cách dạy này khiến trẻ em không biết cách đối phó với khó khăn và vượt qua thất bại trong cuộc sống.
Các nghiên cứu chỉ ra được nuôi dạy bởi “cha mẹ trực thăng” là một trong những lý do phổ biến đẩy sinh viên đại học đến tình trạng kiệt sức, bị cô lập và không biết xoay sở khi sống xa nhà. Thậm chí, có nghiên cứu khẳng định, kiểm soát và bảo vệ con thái quá dễ khiến đứa trẻ trầm cảm khi trưởng thành vì không hài lòng với cuộc sống thiếu sự bao bọc.
Có “cha mẹ trực thăng”, con cái không có cơ hội học hỏi từ sai lầm của chính mình, không thể đưa ra quyết định quan trọng của cuộc sống một cách đúng đắn và quyết đoán. Nuôi dạy con bằng cách này còn cho thấy cha mẹ không tin tưởng những điều con có thể làm, ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con.
“Cha mẹ trực thăng” cần làm gì?
Bạn cần xem xét lại lịch trình và đảm bảo con có đủ thời gian, không gian để tự do vui chơi, thư giãn làm điều mình muốn. Việc được phép làm những điều mình muốn thúc đẩy trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ em.
Bạn cần để con trải qua thất bại và học hỏi từ sai lầm. Đây là phần quan trọng của quá trình trưởng thành, giúp con bản lĩnh và chững chạc hơn. Cha mẹ cần học cách bước sang một bên và chấp nhận rủi ro để tôn trọng những điều con muốn.
Trường hợp cần lời khuyên, cha mẹ có thể tham khảo các chuyên gia, bác sĩ tâm lý để có phương pháp dạy con phù hợp nhất.
Thanh Hằng (Theo Bright side)