Từ năm 2005 đến nay, đã có khoảng 200 học sinh nghèo vượt khó được tiếp sức từ quỹ học bổng được lập theo di nguyện của cố nhà giáo Nguyễn Tấn Đức (quê phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi).
Không dừng ở một quỹ học bổng, tấm lòng của thầy Đức còn để lại tấm gương để con cháu và học trò noi theo, đóng góp vào nhiều quỹ học bổng khác, để cưu mang những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Mỹ, con gái đầu cố nhà giáo Nguyễn Tấn Đức bên cuốn hồi ký của cha. Ảnh: Đông Yên. |
Mái tóc đã bạc phơ, bà Nguyễn Thị Mỹ, 94 tuổi, con gái đầu lòng của cố nhà giáo Nguyễn Tấn Đức vẫn giữ gìn những kỷ vật và những câu chuyện, bài học của cha như giữ một niềm tự hào. “Cha tôi là người nghiêm khắc và cứng rắn, nhưng ông chưa từng cứng rắn được với học trò nghèo”, bà Mỹ xúc động nói.
Bà Mỹ nhớ thời cha còn đi dạy, khi gặp hoàn cảnh khó khăn, ông luôn tìm mọi cách giúp đỡ. Kể cả khi tuổi cao sức yếu, sống cùng con cháu ở TP HCM, ông vẫn đau đáu tìm cách hỗ trợ học trò nghèo ở quê hương.
Tâm nguyện của thầy Đức xuất phát từ sự đồng cảm với học trò. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cha mất sớm, mẹ phải gánh gồng nuôi con một mình, ông sớm trải qua cảnh thiếu trước hụt sau thời niên thiếu và trên đường học vấn.
Trong hồi ký của mình, cố nhà giáo Nguyễn Tấn Đức kể, năm 1919, mẹ ông đã phải bán đất của gia đình để lấy 15 đồng có tiền làm lộ phí cho ông ra Huế thi vào trường Quốc học, trường Trung học duy nhất của miền Trung lúc bấy giờ.
Ngày hay tin trúng tuyển, mặt ông biến sắc vì lo không có tiền học qua bốn năm, rồi làm đơn xin về vì hoàn cảnh gia đình không cho phép ở lại theo học.
Nhờ sự động viên, giúp đỡ của họ hàng, cùng nỗ lực kiếm học bổng và siêng năng đi dạy kèm, cậu học trò Nguyễn Tấn Đức ngày ấy đã hoàn thành việc học và sau này trở thành Hiệu trưởng trường Sơ đẳng Tiểu học Tuy Phước (Bình Định), rồi chuyển về Thu Xà (Quảng Ngãi)…
Cố nhà giáo Nguyễn Tấn Đức và vợ. Ảnh: Tư liệu gia đình. |
Sau ngày ông mất, Quỹ học bổng Nguyễn Tấn Đức được con cháu và học trò ông đóng góp để giúp đỡ chính những học sinh nghèo có ý chí vươn lên ở phường Nghĩa Lộ và Chánh Lộ ở TP Quảng Ngãi, nơi ông chôn nhau cắt rốn, những học trò trải qua hành trình đi tìm con chữ như ông ngày xưa.
Quỹ được duy trì liên tục suốt 15 năm qua. Lúc mới thành lập, quỹ trao mỗi suất trị giá 300.000 đồng thì nay tăng lên 600.000 – 700.000 đồng mỗi suất. Mỗi năm quỹ giúp đỡ 15 – 20 học trò.
Ngoài phường Chánh Lộ, con cháu cố thầy giáo Nguyễn Tấn Đức còn giúp đỡ học trò ở các vùng khác.
Theo Chi hội khuyến học Bùi tộc Ba La (xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi), mười năm qua, mỗi năm hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu và ông Bùi Bốn – 98 tuổi (con gái thứ ba và con rể thầy Nguyễn Tấn Đức, ở TP HCM) đều đặn gửi 10 triệu đồng cho chi hội để giúp đỡ con cháu ở quê ông Bùi Bốn học tập.
Năm 2019, ông bà còn nhận đỡ đầu Phạm Thị Hiền (quê Ba Tơ), một sinh viên người H’Re đang học tại Học viện Cán bộ TP HCM thông qua sự giới thiệu của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ngãi. Hai cụ đã giúp Hiền 5 triệu đồng trong năm 2019 và hứa sẽ đều đặn hỗ trợ 5 triệu đồng mỗi năm đến khi Hiền học xong.
“Số tiền này đủ để em trả tiền thuê ký túc xá nửa năm và san sẻ bớt gánh nặng tiền bạc. Bởi nhà em nghèo, mẹ em lại đau ốm liên tục”, Hiền cảm động nói.
Ông Bùi Bốn, 98 tuổi, con rể nhà giáo Nguyễn Tấn Đức trong một lần trao học bổng cho học sinh nghèo tại Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Tư liệu gia đình. |
Ông Bùi Bốn và bà Nguyễn Thị Thu còn đề ra kế hoạch, “chỉ tiêu” giúp đỡ nhiều sinh viên khác. “Mỗi người có một kế hoạch phấn đấu riêng cho cuộc đời mình. Năm nay một người thì năm sau chúng tôi phấn đấu hai người, ba người… Cứ tăng sự giúp đỡ lên một chút, thì cái khổ của học trò lại giảm đi một chút”, ông Bùi Bốn trải lòng.
Nhớ về cha vợ, ông Bùi Bốn tâm sự: “Chúng tôi mong muốn gửi gắm lại di nguyện cho con cái mình hệt như cha ngày xưa, rằng bao giờ vợ chồng tôi đi xa, thì các con sẽ duy trì những gì mà chúng tôi đang làm dang dở và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người…”.
Ông Võ Duy Đức, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Chánh Lộ nói rằng, quỹ học bổng không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà còn có ý nghĩa cao hơn. “Bởi đây là quỹ học bổng được lập nên từ tấm lòng cao cả của một người thầy. Vậy nên, trước khi trao học bổng, chúng tôi luôn trò chuyện, kể cho học sinh nghe về căn nguyên của học bổng Nguyễn Tấn Đức để các em thấu hiểu được tấm lòng của ông”, ông Đức nói.
Đông Yên – Phạm Linh