‘Ông hoàng’ kiện tụng

0
1474

Năm 1957, một tài xế tử vong sau khi lái xe trong tình trạng say rượu, đâm vào cây sồi tại dải phân cách trên đại lộ thuộc thành phố Houston, bang Texas. Sau cái chết của chồng, người vợ muốn tìm cách bắt đền thành phố.

Cùng năm đó, Joe vẫn chỉ là luật sư mới tập tễnh bước chân vào lĩnh vực kiện tụng đòi bồi thường thiệt hại cá nhân. Dù vậy, ông vẫn “dám” đại diện cho góa phụ trong vụ kiện tưởng chừng bất khả thi. Tại tòa, Joe lập luận do trước đó có một số tài xế đã đâm vào cây sồi trên, thành phố lẽ ra phải chặt cái cây từ lâu. Nếu cái cây không ở đó, tài xế sẽ không chết khi gặp nạn.

Lập luận của Joe thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Góa phụ được nhận 85.000 USD tiền bồi thường, thành phố phải chặt hạ cây cổ thụ.

Nhờ “vụ kiện gốc cây chết người” năm 1957, Joe nổi tiếng tại thành phố Houston, liên tục thắng một loạt các vụ kiện khác, vụ sau “đậm” hơn vụ trước. Joe cãi thắng trong vụ đòi bồi thường 675.000 USD từ công ty bán lẻ vì bán dây câu ắc quy mà không kèm hướng dẫn sử dụng; vụ chủ chung cư phải bồi thường một triệu USD sau khi bé trai 12 tuổi trèo cột điện trong sân chơi và bị bỏng tay; vụ công ty sản xuất súng buộc phải bồi thường 6,8 triệu USD do chốt an toàn của khẩu súng bị hỏng khiến đứa con bắn bị thương người bố.

Với gần như bất cứ dữ kiện nào, ông cũng có thể biến phòng xét xử thành “vở kịch” về đạo đức, cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác. Joe có thể “đọc vị” bồi thẩm đoàn, biết rõ họ thật sự đang băn khoăn điều gì để kết nối, luật sư Mack Glover kể.

Nhiều đồng nghiệp đánh giá với phong cách lập luận đầy cảm xúc, dễ hiểu, nhanh trí, và đôi khi thô tục, Joe biết rằng lời kêu gọi logic nhất chưa chắc đã mang lại hiệu quả nhất. Bằng cách này, ông có thể khiến bồi thẩm đoàn nghĩ rằng thân chủ của ông như là “hàng xóm” thân thiết của họ.

Luật sư Joe Jamail. Ảnh: F. Carter Smith.

Luật sư Joe Jamail. Ảnh: F. Carter Smith.

Khi đại diện cho thân chủ, Joe không tập trung chỉ một bị đơn mà sẽ kiện mọi bên liên quan. Ông sẽ “tấn công” bị đơn nào “yếu nhất” song có nhiều tiền nhất. Tiếp theo, Joe lôi kéo lần lượt từng bị đơn khác với lời hứa sẽ bãi nại hoặc hòa giải nhanh. Đổi lại, Joe sẽ được kiểm soát quyền thay bồi thẩm viên của đối phương, thống trị giai đoạn lựa chọn bồi thẩm để mang lại lợi thế lớn nhất cho mình.

Trong giai đoạn xét hỏi nhân chứng trước khi xét xử, vì không có mặt thẩm phán và bồi thẩm đoàn, Joe là bậc thầy trong việc buộc nhân chứng lên tiếng. Một trong những chiến thuật của ông là ra những đòn phủ đầu trời giáng ngay khi phiên xét hỏi bắt đầu. Ví dụ, cho rằng nhân chứng người Nhật đang lấy cớ thiếu phiên dịch viên để trốn tránh câu hỏi, ông không ngần ngại nói: “Tôi đã giết hàng trăm thằng mắt xếch như ông khi tham chiến”. Câu nói của Joe khiến nhân chứng nhảy dựng khỏi ghế và đáp trả bằng thứ tiếng Anh trôi chảy không kém người bản địa.

Thông thường, chỉ cần đơn kiện có chữ ký của Joe, luật sư đối thủ có xu hướng muốn hòa giải. Mỗi khi số lượng vụ việc đông không xuể, đặc biệt là những vụ chắc chắn có thể hòa giải với số tiền 50.000-60.000 USD, Joe thường giúp giới thiệu khách hàng cho các luật sư khác.

Theo nhiều người, Joe cũng là người có trước có sau. Trong một vụ kiện, vì hai bên quyết định hòa giải, phiên tòa sẽ chấm dứt mà không cần tới quyết định của bồi thẩm đoàn. Sau khi phiên tòa giải tán, Joe vẫn xin mấy phút để cảm ơn bồi thẩm. Bên ngoài tòa án, Joe dành thời gian tặng chữ ký cho bồi thẩm viên và bắt tay từng người. Theo Joe, đây là cách tạo dựng mối quan hệ vì biết đâu họ sẽ cần luật sư giỏi trong tương lai.

Tới năm 1980, nhiều người trong nghề đều nói chuỗi ngày vinh quang đã kết thúc vì ông đã thắng nhiều vụ kiện lớn, có số tiền tiêu không hết, không còn động lực. Nhưng theo Joe, những người đó nói vậy vì họ làm vì tiền, với ông làm việc gì đam mê, vì thích cảm giác tranh đấu và lấn át đối thủ.

Vụ kiện lớn nhất trong lịch sử sự nghiệp của Joe là cuộc đối đầu vào năm 1985 giữa hai công ty dầu mỏ là Pennzoil và Texasco. Trước đó một năm, ngày 2/1/1984, tổng giám đốc của Pennzoil đã đạt giao kèo mua lượng lớn cổ phần của Getty Oil, một công ty dầu mỏ khác. Nhưng chỉ ba ngày sau, Getty Oil nuốt lời vì phía Texasco đưa ra lời đề nghị hấp dẫn hơn.

Đại diện cho Pennzoil, Joe khởi kiện Texasco tại tòa án bang Texas vì cho rằng Texasco đã dụ dỗ Getty Oil phá hợp đồng, gây thiệt hại cho Pennzoil. Joe lập luận rằng dù chỉ là giao kèo miệng, nhưng hai bên đã ký biên bản thỏa thuận. Hơn nữa, tin tức về thỏa thuận giữa Pennzoil và Getty Oil đã được đăng lên Nhật báo phố Wall.

Khi giám đốc bên Texasco khai rằng không đọc báo nên không biết về giao kèo giữa Pennzoil và Getty Oil, Joe lập tức chỉ ra rằng trụ sở của Texasco mỗi ngày đều được nhận 50 tờ Nhật báo phố Wall, nhưng bằng cách nào đó không một ai tại đây đọc được tin này. Khi ấy, Joe khẽ nhìn sang bồi thẩm đoàn và “đọc” được sự không hài lòng trong ngôn ngữ cơ thể của họ. Joe biết đã thành công chỉ ra sự vô lý trong lời khai của giám đốc Texasco.

Như thường lệ, Joe đã có thể biến phiên tòa trở thành vở kịch về đạo đức, về giá trị của lời hứa. Qua ngôn từ của Joe, tổng giám đốc của Pennzoil hiện ra là con người bình dị, làm việc chăm chỉ và lẽ ra có thể trông cậy vào cái bắt tay, trong khi phía Texasco hiện lên như những kẻ hai mặt. Khi phiên tòa kết thúc, bồi thẩm đoàn yêu cầu Texasco phải trả cho Pennzoil 10,53 tỷ USD, phán quyết dân sự lớn nhất tại Mỹ cho tới thời điểm đó.

Sau kháng cáo, phán quyết trên vẫn được giữ nguyên. Vì không đủ khả năng chi trả, Texasco phải tuyên bố phá sản, đồng thời chấp nhận hòa giải vụ kiện với mức bồi thường 3 tỷ USD vào năm 1987. Trong số tiền này, thù lao của Joe được đồn thổi tới 343 triệu USD.

Trả lời phỏng vấn, Joe nói không được nhiều như thế nhưng “số tiền ấy không quan trọng”. Ông đã là triệu phú từ nhiều năm trước, con cái cũng khá giả. Joe và vợ quyết định sẽ quyên góp phần lớn khoản thù lao này cho các quỹ từ thiện. Quả đúng như vậy, trong nhiều năm, Joe đã đóng góp hàng chục triệu USD cho các quỹ và dự án công cộng, đặc biệt là cho ngôi trường đào tạo ông.

Cho tới gần cuối đời, Joe vẫn không ngừng làm việc và đại diện cho thân chủ, qua đời vào ngày 23/12/2015 do biến chứng viêm phổi. Trong hơn 50 năm hành nghề, Joe đã thắng được hơn 500 vụ kiện, thắng kiện hơn 13 tỷ USD cho khách hàng, và được mệnh danh là “ông hoàng kiện tụng dân sự”. Khi còn sống, ông được tạp chí Forbes đánh giá là luật sư giàu nhất thế giới với tổng giá trị tài sản ước tính 1,7 tỷ USD.

Quốc Đạt (Theo Texas Monthly, New York Times, Forbes)