Dạy tiếng Anh tại trường mẫu giáo ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, Anna Stelmah, quốc tịch Nga, chia sẻ quy tắc và phương pháp giáo dục trẻ mầm non nơi này.
1. Dịch vụ trọn gói tại trường mẫu giáo
Tại Trung Quốc, học phí của trẻ mẫu giáo tương đối đắt đỏ với giá trung bình 1.700-4.500 USD một năm tại tỉnh Sơn Tây và 4.500-6.500 USD một năm tại các thành phố lớn hơn. Với số tiền này, học sinh được hưởng dịch vụ chăm sóc, giáo dục trọn gói, bao gồm: 5 bữa ăn một ngày, đồng phục, giày dép, cặp sách, một bộ ga trải giường và vỏ gối, bộ sách giáo khoa.
Mọi người ra vào trường mẫu giáo phải có thẻ và trong khung giờ được quy định. Sau giờ học, trẻ em có thể tham gia các khóa học như lắp ghép Lego, lái xe đạp, trượt patin, làm thí nghiệm khoa học và đóng tiền riêng.
Cha mẹ Trung Quốc sẵn sàng làm mọi thứ để con được đăng ký vào những trường mẫu giáo chất lượng. Ở các thành phố lớn, nhiều gia đình xếp hàng trước thời gian đăng ký hồ sơ vài ngày. Họ dựng lều ở xung quanh trường, thay phiên nhau túc trực cho đến khi trường mẫu giáo mở cửa đăng ký.
Trường mẫu giáo tôi đang làm việc có 60 học sinh, chia vào các nhóm, mỗi nhóm 20 em, 2 đến 3 giáo viên quản lý và một trợ lý. Giáo viên mầm non thường là cô gái dưới 30 tuổi và quy định độ tuổi của trợ lý dưới 45 tuổi. Không chỉ giới hạn độ tuổi, giáo viên được yêu cầu không trang điểm, không ăn vận cầu kỳ, không để những kiểu tóc hợp thời, không để móng tay.
Nhìn vào lớp học, giáo viên thường trông giống những người chị của học sinh vì họ cùng mặc áo nỉ (hoặc áo phông), quần đen, giày thể thao và tóc buộc gọn sau đầu. Nếu vi phạm quy định, họ có thể bị kỷ luật.
Trong nửa đầu ngày, học sinh sẽ học tiếng Trung, tiếng Anh, Toán, Âm nhạc và Đọc thơ. Giáo viên sẽ tương tác với trẻ thông qua hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung. Mỗi tháng, học sinh sẽ thực hiện bài kiểm tra tiến độ. Nếu một đứa trẻ không hoàn thành tốt môn học, giáo viên đứng lớp sẽ bị phạt.
2. Không có thực đơn dành cho trẻ em
Trẻ mẫu giáo Trung Quốc được phục vụ các món ăn truyền thống tương tự của người lớn nhưng lượng gia vị được giản lược. Một bữa trưa thông thường gồm súp, cơm hoặc mì và một chiếc bánh. Mỗi tuần, thực đơn sẽ có thêm tôm.
Trước khi ăn, các em được dạy phải khoanh tay trước ngực và nói lời cảm ơn về bữa ăn. Sau đó, các em bắt đầu ăn món chính rồi chuyển sang món súp. Nước uống được cung cấp trước khi các em lấy đồ ăn. Trẻ 2 tuổi có thể bắt đầu ăn cay.
Ở trường mẫu giáo, các bữa ăn thường được song hành với việc giảng dạy về truyền thống dân tộc. Ví dụ vào ngày đông chí, các em sẽ cùng nhau làm bánh bao và thưởng thức món ăn. Vào ngày lễ đầu mùa thu, giáo viên sẽ bổ dưa hấu thành hình tròn, trông giống biểu tượng mặt trời.
Một lớp học mẫu giáo ở Trung Quốc. Ảnh: Depositphotos. |
3. Kiểm tra sức khỏe
Đôi khi cha mẹ Trung Quốc đưa con bị ốm sốt đi học vì họ phải đi làm, không có thời gian chăm sóc. Đó là lý do giáo viên phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe học sinh để ngăn ngừa tình trạng lây lan vi khuẩn giữa học sinh và không để trẻ bị bệnh vào lớp.
Tại hầu hết trường mẫu giáo, mỗi ngày nhân viên y tế sẽ đứng ngay trước lối vào tòa nhà. Học sinh đến gần sẽ được yêu cầu há miệng và để nhân viên chiếu đèn pin vào cổ họng để kiểm tra.
Ngoài ra, vì sợ học sinh bị bệnh đường ruột, mỗi lớp học đều treo áp phích hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách và kiểm tra cơ thể sạch sẽ.
4. Giường được dùng để dạy về an toàn
Giờ ngủ trưa tại trường mẫu giáo kéo dài khoảng một tiếng rưỡi. Có những em ngủ sâu, có những em không ngủ nhưng không được phép phát ra âm thanh. Kỷ luật trong giờ ngủ trưa rất nghiêm ngặt nên sẽ không bao giờ có màn đấu gối hay nhảy nhót trên giường. Ở một số trường học, vào cuối tuần, phụ huynh sẽ mang ga, gối của con về giặt.
Tại Trung Quốc, giường ngủ còn có mục đích khác. Đó là công cụ giảng dạy bài học về sự an toàn. Động đất ở quốc gia này không phải hiếm gặp nên các trường học thường tổ chức đối phó. Trẻ em được dạy nếu tòa nhà có dấu hiệu sụp đổ, phải nhanh chóng dùng tay che đầu và chạy ra ngoài đường. Nếu rung chấn không mạnh, các em phải trốn dưới bàn hoặc dưới giường.
Tất cả trẻ em đều được dạy giữ an toàn trong đám cháy. Diễn tập phòng cháy chữa cháy được tiến hành như thực tế vì người ta sẽ dùng bom khói. Khi khói bao trùm mọi thứ, trẻ phải tự hành động bằng cách nhúng ướt khăn để che miệng, mũi và tìm lối thoát. Sau khi cho trẻ thực hành, giáo viên hoặc đội cứu hỏa sẽ giảng dạy về cách giữ an toàn trong đám cháy. Cuối buổi diễn tập, các em sẽ học cách dùng bình chữa cháy và thử tự dập tắt lửa.
5. Tết Thiếu nhi được tổ chức long trọng
Ở các trường mẫu giáo Trung Quốc, Tết Thiếu nhi được tổ chức tương tự ngày mừng năm mới. Hoạt động chào mừng được tổ chức hoành tráng tại sân khấu trường học hoặc trong các khách sạn đắt tiền.
Trẻ em, bao gồm cả trai và gái thường được trang điểm lộng lẫy, gắn mi giả, đánh phấn mắt lấp lánh, chuốt mascara, đánh phấn má hồng. Theo đánh giá của phụ huynh, việc trang điểm giúp các em trông lộng lẫy, ngọt ngào, tươi sáng phù hợp với không khí mùa lễ hội.
Tuy nhiên, không phải tất cả phụ huynh trang điểm cho con trai họ, số này chỉ chiếm khoảng 50% trong khi với bé gái là 100%, ngay cả những bé 2-3 tuổi.
6. Tập trung tập thể dục buổi sáng
Khoảng 10h sáng, tất cả học sinh sẽ tập trung dưới sân trường hoặc trong nhà thể chất để tập thể dục buổi sáng. Giáo viên cũng tham dự và buổi tập thường kéo dài 20 phút.
Sau bài tập, trẻ em sẽ xếp thành hàng, bám vào áo người đứng trước để trở về lớp. Nhóm học sinh lớn tuổi có thể không cần giữ áo bạn nhưng phải đi thành hàng, không được đi thành nhóm, thành cặp.
7. Vâng lời vô điều kiện
Người Trung Quốc tin rằng mỗi đứa trẻ phải học cách điều chỉnh ham muốn, biết vâng lời và thuận theo tốc độ của nhóm. Khi đối xử nghiêm khắc với học sinh, giáo viên sẽ giải thích đây chỉ là cách giúp các em quen dần vì thực tế sẽ khắc nghiệt hơn.
Trẻ mẫu giáo được yêu cầu ngồi im lặng trong giờ học, cư xử đúng mực và tuân thủ quy tắc về phép lịch sự. Nếu vi phạm, các em sẽ nhận hình phạt tùy theo phương pháp của từng giáo viên. Có người sẽ quát trẻ, có người đánh trẻ. Năm ngoái, con trai 5 tuổi của tôi bị cô giáo dùng gậy đánh vào tay vì viết chữ xấu.
Nhìn chung, việc cư xử thô lỗ với học sinh không được hoan nghênh nhưng nhiều phụ huynh tin rằng việc giáo dục chặt chẽ mới có lợi cho trẻ. Điều này giúp các em rèn luyện nhân phẩm, hành vi tốt trước khi đi học tiểu học.
Tuy nhiên, kỷ luật nghiêm ngặt của trường học đã khiến sự sáng tạo của trẻ dần mai một. Khi tôi yêu cầu học sinh lựa chọn bài học thay vì đưa ra sẵn một chương trình học phải tuân thủ, các em cảm thấy bối rối, kinh ngạc.
Tú Anh (Theo Bright Side)