Là một trong 30 mô hình vào chung kết, “Đường cao tốc dưới nước” nhằm tạo ra hình thức giao thông an toàn, thân thiện với môi trường và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên thế giới. Để hiện thực hóa ý tưởng, nhóm học sinh Lê Tú Quyên và Lê Tiến Đạt (Hải Dương) đã sử dụng giấy báo cũ, que kẹo, đồ chơi cũ, bìa cứng… tạo ra mô hình này.
Tranh vẽ và mô hình ý tưởng “Đường cao tốc dưới nước”. |
Một trong những mô hình khác gây ấn tượng với ban tổ chức là “Máy ép lá chuối khô thành túi giấy. Phạm Ngọc Bảo Châu và Nguyễn Ngọc Bảo Hân (Đồng Tháp) đã sử dụng những vật dụng như chai nhựa, hộp nhựa, ống nước cắt nối tạo thành máy ép lá chuối khô; từ đó tạo nên những chiếc túi giấy vừa tiết kiệm và vừa bảo vệ môi trường.
Tranh vẽ ý tưởng và mô hình “Máy ép lá chuối khô thành túi giấy”. |
Ngoài hai ý tưởng trên, các em học sinh còn đem đến sân chơi nhiều ý tưởng mới như: Ngôi nhà nổi làm từ rác thải, Máy hút bụi khổng lồ, Nhện vá trời chống biến đổi khí hậu… “Đó không chỉ là minh chứng xuất sắc cho chất lượng của bài dự thi năm nay mà còn thể hiện mong muốn của các nhà phát minh nhí hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn”, đại diện ban tổ chức chia sẻ.
Cũng theo vị đại diện này, qua vòng đánh giá ý tưởng và mô hình, sân chơi đã mang tới những trải nghiệm mới mẻ cho các em nhỏ cũng như tạo cơ hội cho học sinh phát triển các kỹ năng toàn diện, thực tế và rèn luyện tính kiên trì, chấp nhận thử thách để đạt thành công. Các tiêu chí đánh giá của vòng này bao gồm: tính sáng tạo về chuyển động của mô hình, tính nguyên bản giữa tranh vẽ và mô hình, tính logic của bài giải thích, cách sử dụng nguyên vật liệu và tiêu chí tổng quan trong cách phối màu và bố cục của mô hình.
Tranh Nhà máy tự động Honda biến rác thải nhựa thành bê tông làm đường siêu bền. |
“Ý tưởng trẻ thơ” là sân chơi do Công ty Honda Việt Nam và Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp triển khai từ năm 2008 dành cho học sinh hai nhóm lớp 1-2-3 và 4-5. Cuộc thi sẽ trải qua ba vòng: Hình thành và Thể hiện ý tưởng, Thực hiện và đánh giá mô hình, Thuyết trình và Trao giải.
Năm nay cuộc thi phát động tại tất cả trường tiểu học từ tháng 9 đến tháng 11. Sau hai tháng, ban tổ chức đã nhận được số lượng bài dự thi kỷ lục – 587.968, tăng 50.202 ý tưởng so với năm học trước. Chủ đề của năm nay là “Cùng Honda cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, gắn liền với việc bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức an toàn giao thông”. Các bạn nhỏ thuộc hai khối lớp 1-2-3 và 4-5 đã mang đến nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh, thể hiện sự phong phú và trí tưởng tượng không giới hạn khi giải quyết cùng một vấn đề.
Mô hình Nhà máy tự động Honda biến rác thải nhựa thành bê tông làm đường siêu bền. |
Sau vòng đánh giá ý tưởng diễn ra vào tháng 11 để chọn ra 60 ý tưởng tốt nhất bước vào vòng Thực hiện mô hình, các em nhỏ tiếp tục thể hiện sự sáng tạo cũng như khéo léo, tài năng trong việc trực tiếp lựa chọn nguyên vật liệu tái chế từ những vật dụng quen thuộc hằng ngày để tạo nên những mô hình đầy màu sắc và sinh động, cùng với sự hỗ trợ và hướng dẫn của thầy cô và gia đình.
Tại vòng đánh giá mô hình diễn ra vào tháng 12, các em nhỏ đã làm cho ban giám khảo bất ngờ khi “mô hình hóa” ý tưởng một cách tinh tế, chi tiết và đầy tính chuyển động. Tuy nhiên, để hoàn thiện được một dự án như vậy, trước đó, các em gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm như lựa chọn nguyên liệu sẵn có phù hợp hay mô hình vận hành không đúng theo cơ chế hoạt động ban đầu… Song những khó khăn này đều giúp các em rèn luyện tính kiên trì, kỹ năng xử lý tình huống và kích thích thêm sự sáng tạo.
Đặc biệt, chất liệu mà các em sử dụng để làm mô hình đều là vật dụng gần gũi trong cuộc sống hàng ngày hay vật liệu tái chế như bình xịt, ống nước nhựa cũ, giấy bìa, vỏ chai lọ, vải, xốp, đồ chơi cũ, đất nặn hay thậm chí cả những động cơ mini tận dụng sẵn có trong nhà để tạo tính chuyển động cho mô hình.
“Phải tận mắt chứng kiến tác phẩm của những ‘nhà phát minh nhí’ này mới thấy hết sự sáng tạo, tỉ mỉ và cẩn thận của các em – từ chi tiết lớn đến chi tiết nhỏ nhất”, đại diện ban tổ chức cho hay.
Thế Đan