Với sự giúp đỡ của vài dân làng, Ayano, 70 tuổi, bố trí những con búp bê này tham gia màn kéo co giữa khuôn viên ngôi trường bỏ hoang. Bà tái hiện mọi hoạt động đặc trưng tại ngôi trường vào một ngày hội thể thao tiêu biểu. Trong 7 năm qua, năm nào bà cũng tổ chức một lễ hội trưng bày búp bê kiểu như vậy.
“Chúng tôi không còn nhìn thấy trẻ em ở đây nữa”, Ayano, người sinh ra ở Nagoro, nói. “Tôi ước có nhiều trẻ em hơn bởi như vậy sẽ vui vẻ hơn. Vì thế, tôi tự làm ra lũ trẻ”.
Đứa trẻ cuối cùng được sinh ra tại làng Nagoro từ cách đây 18 năm, ngôi làng bé nhỏ nằm bên bờ sông trên đảo Shikoku này hiện chỉ còn khoảng hơn 20 người trưởng thành sinh sống. Trường tiểu học đã đóng cửa từ năm 2012, không lâu sau khi hai học sinh cuối cùng hoàn thành lớp 6.
Dân làng Nagoro chơi kéo co bên cạnh những con búp bê tại lễ hội thể thao trường học được tái hiện. Ảnh: NYTimes. |
Dân số Nhật Bản đang già đi và sụt giảm. Những vùng nông thôn có lẽ cảm nhận rõ nhất điều này, nơi tỷ lệ sinh thấp và người dân lại càng ngại ngần sinh con vì cơ hội việc làm ít và điều kiện sống bất tiện.
“Không có cơ hội cho người trẻ ở đây”, Ayano nói. “Họ không thể kiếm sống ở đây”. Trước đây, làng Nagoro có một phòng khám, một quán ăn và thậm chí cả một cửa hàng đánh bài pachinko. Nhưng nay, ngôi làng không có lấy một cửa hàng.
Khoảng 350 con búp bê do Ayano và bạn bè của bà làm ra đông gấp 10 lần dân cư trong làng. Bà đặt búp bê ở khắp nơi nhằm gợi nhớ lại thời kỳ nơi đây còn nhộn nhịp, mô phỏng một bà lão chăm sóc ngôi mộ ven đường, trong khi một người khác đang ngồi trên xe lăn.
Búp bê còn được bà bố trí thành nhóm công nhân xây dựng hút thuốc vào giờ giải lao, trong khi một số người tập trung chờ xe buýt. Một người cha kéo toa xe chở đầy trẻ con. Một người nghịch ngợm lắc hạt dẻ từ trên cây.
Bên trong trường tiểu học, búp bê được đặt trên cầu thang hay ngồi trước giáo viên để học những bài học vĩnh cửu. Ayano là người hóm hỉnh, bà tạo cho những búp bê của mình rất nhiều biểu cảm và hình dạng đặc biệt. Vì thế, ngôi làng Nagoro không mang đến cảm giác rờn rợn như nhiều người vẫn tưởng.
“Tôi không nghĩ nó đáng sợ”, Fanny Raynaud, 38 tuổi, nói. Raynaud là y tá đến từ Pháp đang đi du lịch vòng quanh Nhật Bản cùng chồng, Chris Monnon, 55 tuổi. Họ dừng chân tại Nagoro sau khi đọc một bài viết về ngôi làng trên mạng. “Tôi nghĩ đây là cách tuyệt vời để khiến ngôi làng tràn đầy sức sống trở lại”, cô chia sẻ.
Làng Nagoro nằm trong thung lũng Iya chưa bao giờ đông đúc. Thậm chí khi Ayano còn nhỏ, dân số làng cũng chỉ đạt khoảng 300 người. Shikoku là đảo nhỏ và dân cư thưa thớt nhất trong 4 đảo chính của Nhật Bản.
Những năm 1950, 1960, khu vực trở nên tấp nập bởi quá trình xây dựng đường, đốn rừng để làm nhà máy thủy điện. Khi các con đập được xây xong, rất nhiều người rời đi. Những người ở lại dùng máy bơm để bơm nước trồng rau.
Để tới siêu thị và bệnh viện gần nhất, cư dân Nagoro phải lái xe một tiếng rưỡi qua những con đường hẹp, quanh co.
“Bạn phải cực kỳ thích cuộc sống vùng núi mới sống được ở đây”, Tatsuya Matsuura, 38 tuổi, cư dân trẻ nhất của Nagoro, cho hay. “Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người gặp vấn đề”.
Ayano bên cạnh những con búp bê do chính tay bà làm. Ảnh: NYTimes. |
Matsuura từng điều hành một nhà khách do cha ông để lại làm nơi dừng chân cho những người leo núi Tsurugi, cách Nagoro khoảng 10 km. Ba năm trước, công việc kinh doanh không thuận lợi, gia đình Matsuura phải đóng cửa một cửa hàng tổng hợp và nhà trọ ở Nagoro.
“Nếu chúng ta cứ tiếp tục đi theo con đường đã đi trong 10, 20 năm qua, những vùng nông thôn sẽ ngày càng bị thu hẹp và mọi người vẫn sẽ tiếp tục tập trung ở các thành phố lớn”, Hiroya Masuda, giáo sư Đại học Tokyo, nhận xét. “Nhiều cộng đồng cuối cùng sẽ biến mất”.
Nagoro là một trong các làng nhỏ được tập hợp lại với nhau thành khu vực dân cư nơi có hơn 40% người dân trên 65 tuổi. Ngay cả với các khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em, chính sách giảm giá y tế hay hỗ trợ nhà ở, chính quyền địa phương vẫn không thể thu hút cư dân mới tới sinh sống hoặc người đã ra đi quay trở về.
Chính quyền đã sáp nhập nhiều ngôi trường lại và chi hơn 8 triệu USD xây một trường học mới khang trang nhưng hiện chỉ có 38 học sinh.
Hầu hết học sinh, sinh viên đều chuyển tới các thành phố lớn hơn để học tập và làm việc.
“Chúng tôi muốn họ chọn cuộc sống họ muốn”, Hiromi Mukai, hiệu trưởng trường tiểu học và trung học Higashi-Iya, cho hay. “Đó là điều không thể tránh khỏi”.
Ayano rời khỏi làng Nagoro khi mới 12 tuổi. Lúc bấy giờ, cha bà nhận công việc tại một công ty thực phẩm ở Osaka. Bà gặp và kết hôn với chồng, sinh được hai người con.
Sau khi nghỉ hưu, cha bà trở về Nagoro để giúp chăm sóc bố vợ ốm yếu và người vợ bị suy thận. 16 năm trước, Ayano trở về làng để chăm sóc cha. Ông hiện 90 tuổi, là cư dân già nhất Nagoro.
Trên cánh đồng phía trước ngôi nhà của họ, bà gieo hạt củ cải và đậu. Lũ chim đã bới chúng lên nên bà làm một con bù nhìn mô phỏng theo phong cách ăn mặc của cha bà.
“Nó trông giống như người thật, không phải một con bù nhìn thông thường”, Ayano nói. “Đó là lý do nó được việc”.
Sau đó, bà tiếp tục thêm 3 đến 4 con búp bê mang hình dạng phụ nữ đang làm cỏ trên cánh đồng và những con khác đứng bên đường. Khi vài lữ khách đi qua nhìn thấy và hỏi đường lũ búp bê, Ayano thích thú đến mức bà quyết định dồn hết thời gian làm búp bê.
Ayano hiện thỉnh thoảng mở lớp dạy làm búp bê ở thị trấn lân cận hoặc hướng dẫn khách tới thăm xưởng của bà, được dựng lên từ một ngôi trường mẫu giáo cũ. Đôi lúc, bà nhận đơn đặt hàng đặc biệt từ khắp nơi trên đất nước. Một bác sĩ có vợ mới mất vì ung thư đã nhờ bà làm hai hình nộm vợ mình, một hình nộm ông để ở phòng khách, hình còn lại ông đặt trong phòng ngủ.
Ayano để một búp bê mô phỏng bà mình ở ghế sau ôtô để “không bao giờ cảm thấy cô đơn”.
Một ngày trước khi tái hiện lễ hội thể thao tại ngôi trường cũ trong làng, Ayano đã tạo được khá nhiều bối cảnh khác nhau với sự giúp đỡ của em gái, em rể đến từ đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản, một nhóm tình nguyện viên đại học cùng vài dân làng.
Khi lễ hội khai mạc, người dân bắt đầu mở các quầy hàng bán mỳ soba, khoai tây chiên và bạch tuộc viên.
Osamu Tsuzuki, 73 tuổi, lãnh đạo một công ty xây dựng địa phương, đọc diễn văn chào mừng. “Thay mặt đội ngũ nhân viên, dân làng và hơn 300 búp bê, chúng tôi chào đón tất cả các bạn”, ông tuyên bố.
Theo Kayoko Motokawa, 67 tuổi, làng Nagoro giờ đây nổi tiếng vì những con búp bê hơn là vì con người. “Nếu đó là người thật, nơi đây thực sự sẽ là một ngôi làng hạnh phúc”, bà nói.
Một du khách bắt chước biểu cảm của búp bê tại làng Nagoro. Ảnh: NYTimes. |
Vũ Hoàng (Theo New York Times)