Những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm việc VEC E ra thông cáo thay mặt Tổng Công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 ô tô mang BKS 51A-558.50 và 51G-772.56 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý.
Lý giải về thông báo này, VEC E cho biết các tài xế điều khiển các phương tiện nêu trên đã có hành vi được cho là gây rối, cản trở giao thông trên cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Ô tô hết hạn đăng kiểm mới cấm lưu thông
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho rằng, việc VEC E từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô vì tài xế được cho là có hành vi gây rối, cản trở giao thông trên cao tốc HLD làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân của các chủ phương tiện.
“Các trường hợp hạn chế quyền công dân và quyền con người phải được pháp luật quy định, nếu không có quy định cụ thể của pháp luật, không ai có quyền tước đoạt hoặc hạn chế quyền công dân, quyền con người của người dân” – ông Hậu phân tích.
Trong Luật An toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành không có bất cứ quy định nào quy định về quyền của chủ đầu tư đường cao tốc “được quyền” từ chối phục vụ đối với phương tiện giao thông vi phạm.
Mặt khác, trường hợp các tài xế này nếu có hành vi gây rối trật tự giao thông thì chủ thể chịu trách nhiệm trước pháp luật phải là chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện, chứ không phải là bản thân các phương tiện giao thông.
Việc xử lý đối với hành vi vi phạm sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật, về thẩm quyền xử lý, mức xử phạt, hình thức xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, xe ô tô không bị cấm lưu hành trừ khi phương tiện này không đạt kết quả kiểm định (đăng kiểm).
“Ở đây, xe ô tô là vật vô tri vô rác nên không thể là đối tượng chủ thể, trong khi đó VEC E chỉ là đơn vị quản lý dịch vụ. Từ những căn cứ trên có thể khẳng định việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 02 phương tiện trên đường cao tốc của VEC E là không có căn cứ. Đây là một chế tài vô lối, vô pháp luật” – luật sư Hậu nêu quan điểm.
Không thể cấm nếu luật chưa quy định
Luật sư Phạm Văn Phất – Văn phòng luật sư An Phát Phạm (Đoàn luật sư Quảng Ninh) cho hay, tại khoản 2, điều 1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…
“Vì vậy theo Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không có quy định hạn chế quyền công dân đối với người đe dọa, uy hiếp an ninh hàng không sẽ bị từ chối vận chuyển (cấm bay). Trong trường hợp này, bất kể cơ quan nào muốn “cấm” ô tô lưu thông trên cao tốc phải có thẩm quyền và được pháp luật quy định” – luật sư Phất nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định, VEC không phải là chủ sở hữu của các tuyến đường cao tốc thì đương nhiên VEC không có quyền loại trừ người khác khỏi việc sử dụng các tuyến đường đó. Đó là bản chất của pháp luật.
Như Dân trí đã thông tin, chiều 12/2, ông Nguyễn Văn Huyện- Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) khẳng định, VEC chỉ có quyền từ chối xe quá tải, không có thẩm quyền cấm lưu thông trên cao tốc. “Thẩm quyền xử lý việc đó là của cơ quan quản lý nhà nước. Chúng tôi yêu cầu họ báo cáo trong ngày mai, từ đó để có cơ sở xử lý vụ việc”- ông Huyện thông tin.
Nếu VEC E trích dẫn quy định nào đó để bảo lưu quan điểm đang gây phản ứng, “dậy sóng” dư luận, ông Huyện khẳng định “sẽ thu hồi quyết định, văn bản đó”.
Được biết, hiện nay VEC đang quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc (Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây).
Nguyễn Trường