Nhiều người nhắc đến “khủng hoảng tuổi lên 3” như một cuộc chiến dạy con trẻ. Nhưng kỳ thực, nếu chúng ta có thể nắm bắt tâm lý trẻ trong độ tuổi nhạy cảm này, thì có lẽ việc giáo dục không còn khó như nhiều người vẫn nghĩ.
Còn nhớ khi tôi làm cố vấn cho Trường Mầm non Montessori ở Đài Loan, có một cô giáo mới tốt nghiệp tên là Tiểu Mễ. Ngày đầu tiên làm việc Tiểu Mễ được phân công hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm lớp trẻ 2 – 3 tuổi. Nhìn ngắm các cô bé, cậu bé ngoan ngoãn và có trật tự, cô giáo trẻ lúc nào cũng tươi cười như một đoá hoa, hoà mình vào đám học trò đáng yêu trong lớp.
Nhưng trẻ nhỏ vẫn là trẻ nhỏ, sẽ có lúc chúng trở nên náo loạn và không chịu nghe lời
Tới bữa trưa, Tiểu Mễ phụ trách một bàn ăn có 4 bé khoảng 2 tuổi. Sau khi trẻ nói xong lời cảm ơn thì bắt đầu vào bữa, và mọi chuyện vẫn tốt đẹp cho tới khi…
Sau khoảng 10 phút nơi Tiểu Mễ phụ trách đã xảy ra chuyện. Thường thì, trẻ nhỏ 2 tuổi chỉ tập trung trong khoảng 10-15 phút đầu, sau đó chúng sẽ nghịch ngợm và “phá phách” điều gì đó. Trong bàn ăn có một cô bé rất tinh nghịch tên là Tiểu Tâm. Đang bữa cơm, đột nhiên Tiểu Tâm cầm chiếc thìa lên và gõ leng keng vào bát.
Thấy cô bé có hành động phá rối, Tiểu Mễ lập tức nhắc nhở. Cô giáo trẻ nhẹ nhàng nói: “Tiểu Tâm, đang là giờ ăn mà con. Con gõ bát như vậy sẽ làm ồn và ảnh hưởng tới người khác đấy. Nào, con bỏ thìa xuống chúng ta tiếp tục ăn cơm, được không?”
Bị cô giáo nhắc nhở, Tiểu Tâm ngừng lại vài giây để suy nghĩ. Nhưng sau đó cô bé lại hồn nhiên tiếp tục gõ leng keng vào bát như thể trả lời: “Không, con muốn chơi trò này cơ”.
Mặc cô giáo nhắc nhở, Tiểu Tâm vờ như không nghe thấy mà chỉ tiếp tục gõ bát. Lúc này cô giáo trẻ bắt đầu tỏ ra lo lắng: “Con đừng gõ bát như vậy nữa, nếu con còn tiếp tục làm vậy cô sẽ thu lại cái thìa của con đấy”. Nói tới đây cô giáo trẻ run run nhìn quanh, bối rối không biết nên xử trí thế nào.
Những cụm từ uy hiếp như “Nếu tiếp tục như vậy thì sẽ…” hoàn toàn không thích hợp khi giáo dục trẻ nhỏ. Bởi vậy Tiểu Mễ chỉ còn cách im lặng. Tuy nhiên tình hình lại càng trở nên tồi tệ hơn. Ba đứa trẻ cùng bàn thấy bạn mình đã ‘nghênh chiến’ thành công cũng bắt đầu hùa theo phá rối. Cả bốn đứa trẻ hứng khởi đua nhau gõ leng keng vào bát như đánh trống làm náo động cả một góc phòng.
Tiểu Mễ càng luống cuống hơn nữa. Với kinh nghiệm quá ít ỏi của mình, cô không biết nên khống chế tình hình như thế nào mà chỉ nói: “Các con đừng có gõ nữa có được không?”. Đáp lại chỉ là những tiếng bát đũa khua vào nhau loạn xạ một cách náo nhiệt.
Người lớn cần ôn hòa và kiên quyết để tránh ảnh hưởng tới cảm xúc của trẻ
Tôi vẫn thường chia sẻ với các phụ huynh và giáo viên trong trường rằng: Lời nhắc nhở không phải là lời mời, không nên thêm vào cụm từ “có được hay không”.
Nhìn thấy vẻ tội nghiệp của Tiểu Mễ tôi buộc lòng phải nhập cuộc. Với biểu cảm ôn hòa và kiên quyết, tôi cúi xuống quan sát cô bé. Thấy tôi nhìn chăm chú vào mình, cô bé ngừng không dám gõ bát nữa.
Tôi gọi: “Tiểu Tâm!”. Cô bé mở to đôi mắt đen láy chớp chớp nhìn tôi mà dường như toàn thân đã đông cứng. Và theo đó, 3 đứa trẻ cùng bàn hoàn toàn ngừng lại những hành động phá quấy.
Một giáo viên kinh nghiệm là người có thể thu hẹp khoảng cách xung đột cô – trò tới mức thấp nhất. Điều quan trọng là cần giữ thái độ “dịu dàng nhưng kiên quyết” từ đó mới có thể khiến trẻ vâng lời.
Đây chính là minh chứng của câu nói: “Khởi đầu tốt đẹp là một nửa thành công”, và chính sự mở đầu kiểu này cũng giúp trẻ ổn định tâm lý. Giống như trong “Binh pháp Tôn Tử” có viết: “Không đánh mà quân lính tự khuất phục đầu hàng”.
Tiếp theo đó là bốn bước thực hiện, cũng là điểm then chốt để giáo dục trẻ một cách hiệu quả.
Bước 1: Tự thuật lại hành vi
Tôi nói với Tiểu Tâm: “Cô nhìn thấy con đang gõ bát”. Tiểu Tâm ngừng lại, dường như cô bé đang suy nghĩ xem mình vừa làm việc gì.
Trẻ nhỏ vốn hiếu động, đôi khi vì quá hưng phấn, quá vui vẻ, hay quá tức giận, chúng sẽ vô thức gây rối loạn một cách thiếu lý trí. Đương nhiên cũng có lúc chúng hành động cố ý để xem nếu cứ tiếp tục như vậy thì có kết quả gì.
Nhưng chúng ta có thể dẫn dắt để trẻ tập trung sự chú ý vào bản thân, từ đó tạm dừng lại những cử chỉ gây rối của mình. Cho dù việc tạm dừng đó chỉ trong 1-2 giây cũng rất quan trọng, bởi đó là điểm then chốt trong giáo dục trẻ.
Ngược lại, nếu nói với trẻ bằng giọng điệu trách cứ thì càng làm trẻ phản kháng đối đầu
Vào lúc này không nên dùng giọng điệu chỉ trích với trẻ, bởi suy nghĩ và câu trả lời của trẻ sẽ diễn biến như sau:
“Này, con đang làm gì thế hả?” (Trẻ sẽ nghĩ → Đang gõ bát)
“Dừng lại. Tại sao con lại gõ bát?” (Trẻ sẽ nghĩ → Vì con muốn)
“Con có biết làm vậy rất ồn ào không?” (Trẻ sẽ nghĩ → Không biết)
“Con đừng gõ nữa, nghe thấy không?” (Trẻ sẽ nghĩ → Không nghe thấy)
Những câu nói mang ý nghĩa tiêu cực sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lý muốn đối đầu, từ đó làm sự việc càng khó xử lý.
Bước 2: Giải thích nguyên do
Tôi chỉ giải thích ngắn gọn với Tiểu Tâm rằng: “Con làm như vậy rất ồn”. Cô bé đã ngừng phá rối nên chắc chắn sẽ suy nghĩ về những lời tôi nói. Qua đó, chúng ta có thể giúp trẻ hiểu vì sao không nên làm như vậy, đồng thời cũng khẳng định trẻ cần sửa lại hành động của mình.
Khi nhắc nhở trẻ, chỉ cần chú ý vào trọng tâm.
- Lời nói cần ngắn gọn nhưng phải thuyết phục, đừng nên rườm rà không có trọng tâm.
- Lý do có rất nhiều, tuy nhiên chỉ cần nói một nguyên nhân quan trọng nhất là đủ.
- Tránh dùng những lời trách cứ hoặc phê bình, như: “Con làm vậy gây ồn ào ảnh hưởng người khác lắm biết không?”. Nói như vậy vừa không có kết quả mà còn phản tác dụng.
Bước 3: Nói và làm mẫu cho trẻ
Tôi nhẹ nhàng cầm chiếc thìa trong tay Tiểu Tâm và nói với cô bé: “Chúng ta cầm thìa như thế này để ăn cơm”. Thấy cô bé gật gật tỏ vẻ hiểu ý, tôi vừa mỉm cười vừa nói rằng: “Cô có thể tin tưởng con sẽ ăn uống nghiêm túc không nhỉ?”
Khi tôi trả lại thìa cho Tiểu Tâm, cô bé bắt đầu xúc từng thìa cơm vào miệng. Và cho tới lúc này thắng thua đã được phân định rõ ràng.
“Cô có thể tin bây giờ con biết… ?” là câu nói then chốt cổ vũ trẻ học cách sửa sai từ chính những sai sót của mình. Trong lời nói thể hiện sự tin tưởng và trong hành động biểu thị thái độ ôn hoà, trẻ sẽ có cảm giác được bao dung và tha thứ. Điều ấy cũng khẳng định rằng, chúng ta thực sự muốn con làm lại cho đúng. Đây chính là một trong những phương pháp giáo dục “lấy sai sót làm bạn”.
Có một điểm cần chú ý là, khi nói với trẻ chúng ta nên dùng câu nghi vấn: “Cô có thể tin tưởng bây giờ con sẽ… không?”. Đó là một cách rất tự nhiên để dẫn dắt trẻ trả lời bằng thái độ tích cực và bày tỏ sự đồng ý của mình. Đồng thời trẻ sẽ biết làm như thế nào mới là đúng và hành động lúc trước của mình chỉ là một trải nghiệm để lần sau không vậy nữa.
Tin tưởng giúp trẻ tuân thủ các quy tắc
- Khi trẻ nói xong câu: “Có thể”, người lớn không nên tỏ ra nghi ngờ, ví dụ như: “Thế à? Con có thể làm được như vậy không?” Những câu nói này sẽ làm mất hiệu quả giáo dục trẻ.
- Trẻ nhỏ chính là chiếc gương soi của chúng ta. Trẻ sẽ thông qua thái độ và biểu hiện của chúng ta mà hình thành nên nhân cách bản thân. Trong nhiều trường hợp đứa trẻ có thể thực hiện thành công một sự việc nào đó chính là bởi sự tin tưởng chúng ta dành cho chúng.
- Vì được tin tưởng nên trẻ mới có thể trưởng thành và trở nên vĩ đại. Ngược lại, thái độ hoài nghi của chúng ta chỉ càng làm trẻ nghi ngờ giá trị của bản thân, mất lòng tin vào chính mình, từ đó cũng nghi ngờ niềm tin và tình yêu chúng ta dành cho chúng.
Bước 4: Khẳng định thêm lần nữa
Tiểu Tâm ngoan ngoãn xúc từng thìa cơm vào miệng, tôi nhìn vào đôi mắt long lanh của cô bé và khen ngợi: “Con làm đúng rồi. Cảm ơn con!”. Nghe thấy lời khen ngợi của tôi, cô bé cười rạng rỡ. Đến lúc này tôi có thể tin rằng cô bé đã hiểu hành động hiện tại của mình là đúng đắn.
Khi trẻ mắc lỗi, rất nhiều bậc phụ huynh có thói quen trách móc, phê bình, thậm chí quát mắng con tại trận. Tuy nhiên khi trẻ nhỏ làm việc tốt chúng ta lại tiết kiệm lời tán thành. Việc khẳng định giá trị của trẻ khi chúng biết sửa sai là rất quan trọng, qua đó sẽ giúp con tăng thêm sự tự tin và lòng tự trọng của bản thân.
Dành cho trẻ lời khen chân thành, không phải lời khen sáo rỗng.
- Nên khen trẻ bằng lời chân thành thực tế chứ không nên khen ngợi một cách khoa trương quá đà. Ví dụ: “Ồ, cô thấy con thật là giỏi, con thật xuất sắc. Con có cảm thấy mình rất cừ không…”
- Phương thức tán dương kiểu thổi phồng chỉ là “sự lãng mạn của người lớn” chứ không phải là điều trẻ nhỏ cần.
Khi người lớn khen ngợi một cách quá đà sẽ làm trẻ hình thành thói quen thích được nghe lời khen ngợi. Làm bất kể việc gì trẻ cũng muốn chạy tới khoe để người lớn “diễn kịch” cho chúng xem. Khi không nhận được sự đồng tình, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu hoặc đôi khi còn tỏ ra chán nản, uể oải. Kỳ thực tất cả những diễn biến tâm lý của trẻ đều do người lớn dẫn dắt một cách không thích đáng, kết quả khiến trẻ hình thành thói quen và những hành vi không đúng.
Hy vọng qua những kinh nghiệm trên đây, các bậc phụ huynh sẽ không còn thấy khó khăn khi con trẻ bước vào độ tuổi lên 2 đầy nhạy cảm. Ai đó ví dạy trẻ “như một cuộc chiến”, kỳ thực tất cả đều phụ thuộc vào việc chúng ta có tìm ra đúng phương pháp giáo dục hay không.
Bình Nhi biên dịch
Xem thêm:
- 4 cách dạy con ‘kỳ lạ’ của cô dâu Tây khiến mẹ chồng Việt tâm phục khẩu phục
- 5 cách dạy con ‘thông minh về trí tuệ, hoàn hảo trong nhân cách’ của người Nhật
- Từ một học sinh hư hỏng, cá biệt trở thành con ngoan trò giỏi đứng đầu lớp nhờ ánh sáng của Phật Pháp