Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vừa ghi nhận chuỗi quý tăng trưởng dài nhất trong vòng 11 năm nhờ sự thúc đẩy từ nhu cầu nội địa.
Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 14/8 công bố số liệu sơ bộ cho thấy GDP của nước này trong quý II/2017 tăng trưởng 1% so với quý I và 4% so với cùng kỳ năm 2016.
Đây là quý tăng trưởng thứ sáu liên tiếp trên cơ sở so sánh với cùng kỳ năm trước, đánh dấu đợt tăng dài nhất trong vòng 11 năm qua.
Một tin tốt là đóng góp phần lớn cho mức tăng trưởng này lại nhờ nhu cầu nội địa.
Chính phủ Nhật Bản đã và đang thúc đẩy nền kinh tế bằng một chương trình kích thích có tên Abenomics. Chiến lược này giúp hỗ trợ các công ty xuất khẩu của Nhật Bản, nhưng không giúp được gì nhiều cho nhu cầu nội địa.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi chi tiêu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp Nhật Bản đã đóng góp cho tăng trưởng GDP nhiều hơn so với thương mại, một dấu hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Số liệu cho thấy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 0,5%, trong khi nhập khẩu tăng 1,4% so với quý trước. Như vậy, hoạt động thương mại đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng chung.
Trong khi đó, nhu cầu nội địa trong quý II tăng trưởng 1,3% so với quý trước đó và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của các doanh nghiệp tăng gần 10% so với cùng kỳ, một dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đang lạc quan hơn và triển vọng tích cực sẽ còn kéo dài.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhu cầu nội địa đều đến từ người tiêu dùng và các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Thủ tướng Abe đã tung ra một chương trình kích thích lớn cách đây một năm, và số liệu cho thấy tiền đang bắt đầu tìm cách thấm vào nền kinh tế thực. Đầu tư công đã tăng trưởng với tốc độ 22% so với cùng kỳ.
Minh Tuệ – Theo Nikkei/NYT
Xem thêm:
- 10 sự thật thú vị về Nhật Bản mà không phải ai cũng biết
- Thước đo GDP hay ảo ảnh về độ giàu có của Trung Quốc
- GDP bình quân đầu người 2016 của Triều Tiên đạt hơn 1.300 USD, bằng hơn 1/2 Việt Nam