Người Vũ Hán lạ lẫm với cuộc sống bình thường

0
3348

Cuộc sống của Yu Wong, một giáo viên 26 tuổi đã bị biến đổi khi Vũ Hán ngưng hoạt động vì Covid-19. Anh mô tả cảm giác của mình, cũng như nhiều người khác tại Vũ Hán khi tái hòa nhập thế giới, sau hơn hai tháng bị cách ly hoàn toàn.

Vũ Hán là khu vực đầu tiên trên thế giới phải chịu sự tấn công vô hình và dữ dội của nCoV. Phần lớn dân Vũ Hán trong nỗi lo lắng và sợ hãi, đã ở yên trong nhà trong suốt hơn 2 tháng trời. Một số khác, đã từ bỏ thế giới và ra đi mãi mãi.

Một số người vẫn còn khá rụt rè khi ra ngồi ở hồ Đông. Ảnh:

Một số người vẫn còn khá rụt rè khi ra ngồi ở hồ Đông. Ảnh: The Guardian.

Sẽ không là nói quá, nếu nhận định rằng từ sáng sớm ngày 23/1, khi lệnh phong tỏa Vũ Hán bắt đầu được thi hành, đời sống ở đây đã hoàn toàn thay đổi. Yu Wong nói: “Chúng tôi chịu đựng dịch bệnh, bị nhốt tại nhà, nhận đủ loại thông tin xấu. Chúng tôi chịu đựng lo âu, sợ hãi và cả sự phẫn nộ”.

Là người từng chứng kiến nhiều thảm họa trong quá khứ, Yu Wong nghĩ trong anh luôn luôn sẵn sàng tinh thần cho mọi việc. Tuy nhiên, anh không hề có sự chuẩn bị cho điều này. Chỉ trong vòng hai tháng qua, quá nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra. Yu Wong cũng như mọi người dân Vũ Hán khác đã phải gồng mình lên để chống chọi tất cả. Nhiều người cố gắng đăng lên các phương tiện truyền thông về những gì diễn ra trong cuộc sống đời thường của họ. Yu Wong nói, đây thực sự là một cách khác để đối phó bệnh dịch: “Đôi khi, để vượt qua thứ gì đó, bạn buộc phải giả vờ như nó không tồn tại”.

Giờ đây, sự kiên nhẫn đã được đền đáp. Lệnh phong tỏa ở Vũ Hán đã được dỡ bỏ. Nhưng không dễ dàng để lập tức quay trở về, từ cõi chết. Cuộc sống của những người nơi đây hoàn toàn thay đổi. Việc trở lại với những gì từng thân thuộc đòi hỏi sự đối mặt với nhiều trở ngại hơn.

Yu Wong kể, lần đầu tiên anh rời khỏi nhà là ngày lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Đó là một ngày mùa xuân lạnh lẽo. Tuy nhiên, so với nhiệt độ âm 10 độ trước đó, những giọt mưa mùa xuân đem lại cảm giác nhẹ nhõm lạ lùng: “Đối diện nhà chúng tôi, nơi từng có một đội y tế đóng quân bên ngoài một khách sạn. Giờ đây, trước cửa khách sạn là một bài thơ cổ động”, anh mô tả.

Trên đường, Yu Wong thấy không ít người đi bộ, đạp xe đi làm. Một đôi lần, những chiếc xe bus chạy vụt qua. Một số tuyến tàu điện ngầm đã mở cửa trở lại, dù cho không nhiều tàu lắm. Mọi người từng phàn nàn về việc phải kiểm tra an ninh trước khi lên tàu, nhưng giờ đây, đó lại là cảm giác thực sự quen thuộc.

Mọi người đều tìm cách thoát khỏi nhà. Khi thành phố bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa, nhiều người không thể chờ đợi thêm được nữa. Một người bạn cùng lớp của Yu Wong đã chụp vô số ảnh Hồ Đông. Số khác đăng ảnh phòng làm việc, hoặc là chụp những món quen thuộc từ các thương hiệu Starbucks, McDonalds vừa được “ship” tới. Họ hạnh phúc và coi đây là dấu hiệu khởi đầu của việc quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, sự dỡ bỏ phong tỏa không đơn thuần là mang lại niềm vui. Một số người cảm thấy thực sự mâu thuẫn, Yu Wong là một ví dụ. Sau hai tháng ở nhà, anh đã quen với việc dạy học trực tuyến, chỉ thi thoảng ra ngoài và tận hưởng sự yên tĩnh tuyệt đối bên ngoài cửa sổ. Việc quay trở lại với nhịp sống quen thuộc, chứng kiến thành phố trở lại với cuộc sống ồn ào, lắng nghe những âm thanh rộn rã khiến Yu Wong cảm thấy kỳ lạ. Rất nhiều bạn bè của anh cũng thấy vậy. Một mặt, tất cả mọi người đều mong đợi cuộc sống trở lại bình thường. Mặt khác, thật khó khăn để có thể đột ngột quay trở lại, sau một thời gian tự điều chỉnh để thích nghi với sự phong tỏa.

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, Yu Wong được phép đến bệnh viện 10 ngày một lần để mang thức ăn cho người bà bị đột quỵ phải nằm viện. Trong giai đoạn dịch bệnh ở mức tệ nhất, anh thường thấy những chiếc xe cứu thương ở lối vào phòng cấp cứu, với những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ vàng đứng ở đó. Anh cũng thấy gia đình người bệnh đứng khóc lóc. Nhưng vào ngày cuối tháng 3, bệnh viện đã hoàn toàn yên tĩnh. Chiếc xe cứu thương duy nhất đậu trong bãi đậu xe cùng những xe khác. Không còn những gia đình lo lắng đứng chờ bên ngoài phòng cấp cứu. Bên ngoài phòng bệnh của bà Yu Wong, chỉ có vài ba y sĩ đi lại chậm rãi.

Mọi người đã ra ngoài nhiều hơn. Ảnh:

Mọi người đã ra ngoài nhiều hơn. Ảnh: The Guardian.

Trên đường về nhà, Yu Wong nói anh gặp nhiều người, nhiều xe hơi đến đáng ngạc nhiên. Yu Wong rời khỏi xe, đi bộ dọc sông Wuchang. Công viên vẫn vắng vẻ, cỏ dại mọc khắp các lối đi bộ. Tuy nhiên, cũng có không ít người phớt lờ cái lạnh, quyết tâm đi ra ngoài.

Yu Wong thấy một người đàn ông trung niên ngồi bệt trên nền đất, một người bên cạnh đang cố kéo anh ta lên. Cả hai đều không đeo khẩu trang. Cảnh tượng khiến Yu Wong nhớ đến những ngày đầu dịch bệnh, khi có những người quỵ giữa đường. Sợ tiếp cận họ, ai nấy đều chỉ nhìn từ xa. Tuy nhiên, không hiểu lấy can đảm từ đâu, Yu Wong đi qua, đưa cho họ những chiếc khẩu trang dự phòng mà anh mang theo và hỏi người đàn ông liệu có cần phải được giúp đỡ.

Câu trả lời hóa ra lại không phải điều Yu Wong mong đợi: “Thì ra anh ấy vừa chia tay bạn gái. Rõ ràng là sự đau lòng làm anh ấy khổ sở hơn nhiều so với dịch bệnh”, Yu Wong kể.

Thùy Linh(Theo The Guardian)