Chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc đại lục công bố những ca nhiễm nCoV đầu tiên tại Vũ Hán, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong yêu cầu các bác sĩ ở đặc khu thu thập lịch sử đi lại và tiếp xúc của những bệnh nhân bị sốt, hoặc có những triệu chứng hô hấp cấp tính, sau đó cách ly họ.
Tại đảo Đài Loan, giới chức lập tức lên những máy bay đến từ Vũ Hán, kiểm tra triệu chứng của mọi hành khách trước khi cho phép họ rời đi. Trong vòng vài ngày, Singapore, Hàn Quốc và nhiều nước châu Á khác cũng tiến hành biện pháp tương tự.
Dù có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục và nằm trong số những nơi đầu tiên xuất hiện Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân ở Đài Loan, Hong Kong hay Singapore đều thấp hơn đáng kể so với Mỹ và châu Âu hiện nay. Số người chết vì nCoV ở Italy đã gần bằng Trung Quốc. Bang New York, Mỹ, nơi có dân số tương đương Đài Loan, phát hiện hơn 2.300 người nhiễm nCoV, còn hòn đảo tới nay chỉ ghi nhận 100 ca.
Giới chuyên gia cho rằng các nước phương Tây đơn giản là chưa sẵn sàng đối phó với đại dịch. Trong khi đó, kinh nghiệm tích lũy từ những dịch bệnh trước đây như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), MERS (hội chứng hô hấp cấp Trung Đông) là một trong những yếu tố giúp các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á “đứng vững” trước Covid-19.
Quân đội Hàn Quốc đi khử trùng các tòa nhà tại thành phố Daegu hôm 15/3. Ảnh: Reuters. |
Đài Loan, với cơ chế quản lý khác Trung Quốc đại lục, đã có sẵn hệ thống đối phó đại dịch. Một năm sau SARS, Đài Loan thành lập Trung tâm Chỉ huy Y tế, với sự tham gia của đại diện từ mọi cơ quan, ban ngành của chính quyền, nhằm chuẩn bị cho nguy cơ bùng phát một dịch bệnh khác.
Theo C. Jason Wang, chuyên gia tại Đại học Stanford, Mỹ, phản ứng của cơ quan này hai tháng qua mang tính quyết định trong việc giúp Đài Loan “đi trước dịch bệnh một bước”. “Họ không do dự và họ không muốn chết. Chứng kiến tỷ lệ tử vong quá cao của SARS, họ không chắc Covid-19 sẽ tệ đến mức nào. Không ai cho rằng dịch bệnh này giống cúm”, Wang nói.
Ngay từ hôm 5/1, Đài Loan đã truy tìm những người từng đến Vũ Hán trong vòng 15 ngày. Bất cứ ai có triệu chứng về hô hấp đều bị cách ly. Những tuần tiếp theo, giới chức sử dụng dữ liệu và công nghệ nhằm xác định cũng như giám sát các ca bệnh, đồng thời truyền thông hiệu quả để trấn an công chúng. Chính quyền cũng hỗ trợ doanh nghiệp, phân bổ nguồn lực y tế tới những nơi cần nhất và tăng cường sản xuất vật tư.
Sau khi ghi nhận 23 ca nhiễm nCoV mới hôm 18/3, mức tăng cao nhất trong một ngày, chính quyền Đài Loan yêu cầu cư dân không rời khỏi hòn đảo, đồng thời cấm hầu hết người bên ngoài nhập cảnh, với hy vọng kiềm chế được số ca nhiễm mới.
Do chần chừ công bố dịch sau khi Covid-19 bùng phát, Trung Quốc bị đánh giá chưa thấm nhuần bài học từ SARS. Trong khi đó, Hàn Quốc trở thành hình mẫu về xét nghiệm nhờ rút kinh nghiệm từ sai lầm hồi dịch MERS. Tình trạng thiếu hụt kit xét nghiệm được cho là nguyên nhân khiến dịch MERS hồi năm 2015 ở Hàn Quốc trầm trọng hơn.
Việc xét nghiệm virus tại Mỹ bị chính quyền trung ương kiểm soát chặt chẽ. Còn ở Hàn Quốc, lĩnh vực tư nhân cũng tham gia vào quá trình này, mở ra khả năng xét nghiệm “thần tốc”. Hơn 260.000 người tại Hàn Quốc đã được xét nghiệm nCoV, con số chưa nơi nào trên thế giới đạt được. Phí xét nghiệm và điều trị cũng được chính phủ và các trạm xét nghiệm lưu động chi trả.
Singapore, Hong Kong hay Nhật Bản cũng phần nào kiểm soát được dịch bệnh nhờ khả năng xét nghiệm. Những nơi này đều phát triển quy trình xét nghiệm chẩn đoán riêng sau khi trình tự gene nCoV được công bố.
“Qua đại dịch SARS, Singapore rút ra bài học xương máu rằng chúng tôi phải phát triển những điều đó ngay từ đầu. Một khi kiểm soát được số phận của chính mình, bạn có thể quyết định con đường tương lai”, Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore, cho hay. “Chúng tôi bị tổn hại nặng nề vì SARS, nhưng hóa ra đó là phước lành”.
Ngoài Trung Quốc đại lục, Hong Kong là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SARS với khoảng 300 ca tử vong. Họ tỏ ra mù mờ về đại dịch hồi năm 2003 này cho đến khi mọi thứ đã quá muộn. Chính quyền Hong Kong, vốn chịu áp lực từ 8 tháng biểu tình, ban đầu cũng bị chỉ trích vì không đóng cửa trường học và cửa khẩu đủ nhanh sau khi Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, số ca nhiễm nCoV của Hong Kong hiện nay chưa đầy 200 với 4 trường hợp tử vong, được cho là nhờ sự quyết liệt của người dân. Từ đầu tháng 2, các công ty quyết định đóng cửa, biến khu tài chính của thành phố thành “thị trấn ma”. Những tiệm bánh thường đông nghịt người cũng ngừng hoạt động.
Các bữa tiệc, đám cưới và buổi tụ họp gia đình đều bị hủy mà không cần mệnh lệnh của chính quyền. Người dân đổ xô mua khẩu trang. Một nghiên cứu gần đây ước tính 74-98% cư dân Hong Kong đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Tinh thần tự nguyện giữ khoảng cách với xã hội của người Hong Kong cũng được cho là một trong những lý do giúp tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn.
Các biện pháp giám sát chặt chẽ tại châu Á cũng phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19. Cục Điều tra Hình sự Singapore chịu trách nhiệm thẩm vấn mọi ca nhiễm nCoV thật chi tiết, thậm chí dùng ví điện tử của bệnh nhân để theo dõi từng động thái của họ. Những người khai man phải nộp phạt, thậm chí đối mặt với án tù.
Loạt biện pháp mạnh tay này giúp Singapore được ca ngợi là “tiêu chuẩn vàng” trong việc xác định bệnh nhân. Theo nghiên cứu của Trung tâm Động lực học Truyền nhiễm thuộc Đại học Harvard, Mỹ, khả năng phát hiện ca nhiễm nCoV của Singapore cao gấp 2,5 lần mức trung bình toàn cầu, nhờ “giám sát dịch tễ học và truy tìm người tiếp xúc một cách quyết liệt”.
Tại Hàn Quốc, lịch sử di chuyển của các bệnh nhân Covid-19 trước khi họ xét nghiệm đều được thu thập và chuyển tiếp thông qua smartphone, tạo ra bản đồ thời gian thực những vị trí nguy hiểm để phòng tránh.
Trong khi đó, Đài Loan theo dõi nơi ở của bệnh nhân thông qua smartphone. Những người đi quá xa vị trí họ đang cách ly sẽ nhận được tin nhắn cảnh báo, còn nếu phớt lờ, cảnh sát sẽ đến tận nơi. Tại Hong Kong, những người bị cách ly bắt buộc phải kích hoạt chức năng chia sẻ vị trí theo thời gian thực trên điện thoại, hoặc đeo vòng giám sát điện tử.
Những quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á này đều không áp lệnh phong tỏa hoàn toàn như Vũ Hán. Matthew Kavanagh, chuyên gia tại Đại học Georgetown, cho rằng Mỹ nên học tập những nơi như Hàn Quốc để “cân bằng giữa sự cởi mở của nền dân chủ và hành động y tế công cộng nhanh chóng”.
Bất chấp những mối lo ngại về quyền riêng tư, giới chuyên gia nhận định các chính phủ phương Tây vẫn phải nhanh chóng chuẩn bị cho việc hạn chế công dân di chuyển, bắt buộc bệnh nhân cách ly và theo dõi lịch sử tiếp xúc của họ trước khi mọi thứ quá muộn.
“Nhiều nước vẫn ngồi đó và thắc mắc điều gì sẽ xảy ra. Là một thành viên của WHO, tôi vô cùng thất vọng vì không thể làm rõ với thế giới về mối nguy hiểm”, Dale Fisher, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, đồng thời là chuyên gia của WHO, cho hay. “Quá trình chuẩn bị sẽ cứu sống hàng nghìn mạng người ở Mỹ và châu Âu, cũng như hàng tỷ USD cho nền kinh tế. Nếu không, rất nhiều người sẽ chết”.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)