Mức điểm khuyến khích tối đa là hai điểm (trên thang điểm 30). Ngoài ra, tại chương trình tư vấn tuyển sinh do Hệ thống Giáo dục Học Mãi tổ chức mới đây, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường dự kiến tuyển sinh 6.800 chỉ tiêu và giữ nguyên phương án tuyển sinh tương tự năm 2019: Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc được tuyển thẳng theo nguyện vọng vào một số ngành phù hợp với môn đạt giải.
Thí sinh đoạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế được xét tuyển thẳng vào một ngành do Hội đồng tuyển sinh quyết định, căn cứ nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải. Điều này nhằm định hướng và khuyến khích thí sinh phát huy thế mạnh của mình trong học tập và nghề nghiệp sau này, thầy Kiên nhấn mạnh.
Dự kiến thay đổi hệ số xét tuyển với môn Toán, Tiếng Anh
Trường dự kiến áp dụng xét tuyển môn Toán theo hệ số hai và môn Tiếng Anh theo hệ số 1,5 với một số chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh. Nếu đề án được thông qua, trường sẽ áp dụng hệ số này nhằm tạo cơ hội cho thí sinh khi xét tuyển vào một số nhóm ngành”. Học sinh cần cập nhật thông tin tuyển sinh chính thức để đưa ra lựa chọn chính xác.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Chương trình học bổng tới 100%
Giải đáp lo lắng của học sinh về mức học phí, thầy Kiên nhấn mạnh về chương trình học bổng dành cho những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Ông cho hay, mức học bổng có thể lên tới 50%, 100% học phí. Năm 2019, trường đã dành quỹ học bổng riêng cho khóa K64 là 45 tỷ đồng.
Ngoài việc cung cấp thông tin quan trọng về phương án tuyển sinh năm học 2020, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên và Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giáo viên Vật lý – Hệ thống Giáo dục Hocmai còn “đọc vị” những sai lầm khi chọn ngành, chọn trường và đưa ra lời khuyên bổ ích.
Khi chọn ngành nghề, học sinh ngày nay bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhất là điểm đầu vào. Nhiều học sinh mặc định nhóm ngành điểm cao là nhóm ngành hot, tỷ lệ thuận với cơ hội nghề nghiệp sau này mà bỏ qua câu hỏi mang tính quyết định: “Mình thích hay phù hợp với ngành nghề nào”.
Thầy Kiên lấy ví dụ: “Tại sao điểm của nhóm ngành CNTT thường cao. Đó là do quan hệ cung – cầu. Tuy nhiên, khi trực tiếp tư vấn tuyển sinh, tôi nhận thấy nhiều em chưa tìm hiểu kỹ về CNTT mà chỉ chọn vì thấy hay. Cũng có nhiều em thành công nhưng cũng không ít em chán nản với nghề”.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thành Nam cũng đưa ra lời khuyên, đa số học sinh Việt Nam bị chi phối bởi tên ngành. Các em cần suy nghĩ về công việc các em muốn làm trong tương lai, chọn ngành giúp các em thực hiện công việc đó và cuối cùng mới tìm trường đại học đào tạo ngành đó và phù hợp với năng lực. Thị trường sẽ thay đổi, biến động nhiều trong tương lai. Vì vậy, hãy chú trọng vào công việc mình yêu thích và hết mình với nó.
Xem đầy đủ chương trình Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp năm 2020 – Đại học Bách khoa Hà Nội tại đây.