Cô Phượng sinh ra ở tỉnh trung du miền Bắc, nơi có tỷ lệ đói nghèo cao và nông nghiệp là nghề sản xuất chính. Sau khi xem một bộ phim Việt Nam nói về giáo viên đi đến từng nhà học sinh ở vùng núi thuyết phục phụ huynh cho con đi học, cô quyết định phải trở thành giáo viên dạy tiếng Anh và quay về đổi mới giáo dục quê nhà. Cô đã làm điều đó ngay sau khi nhận bằng thạc sĩ tiếng Anh.
Hiện, cô Phượng dạy tại trường THPT Hương Cần ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), nơi 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội thực hành tiếng Anh với người nước ngoài. Cô đã xây dựng và sử dụng mô hình lớp học không biên giới, kết nối học sinh với các trường trên toàn thế giới thông qua Skype. Một số sáng kiến của cô đã cải thiện đáng kể kết quả học tập của học sinh.
Cô giáo người Mường còn dạy trực tuyến cho học sinh ở bốn châu lục, gồm châu Á, Phi, Âu, Mỹ và là thành viên tích cực của cộng đồng Microsoft toàn cầu.
Cô Hà Ánh Phượng. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Lọt top 50 giáo viên toàn cầu, cô Phượng chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi đã vượt qua hàng chục nghìn ứng viên. Đây không chỉ là niềm vui của riêng mình mà còn đem lại những cái nhìn tích cực hơn về giáo dục đào tạo ở tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cô Ánh Phượng. Trong thư, Bộ trưởng nhấn mạnh giải thưởng được ví như “giải Nobel của ngành giáo dục”. Việc cô Phượng lọt vào top 50 là niềm vui, tự hào của ngành giáo dục cả nước.
“Ngành giáo dục đang trong qúa trình đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Những tấm gương giáo viên nhiệt huyết, đam mê, mạnh dạn đổi mới, áp dụng công nghệ trong giảng dạy và muốn đưa học sinh Việt Nam trở thành công dân toàn cầu như cô Hà Ánh Phượng sẽ là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn cho học sinh, giáo viên khắp cả nước”, Bộ trưởng viết.
Giải thưởng giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey (Varkey Foundation) thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 30.000 hồ sơ, năm nay chưa công bố). Một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD.
Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về một thầy giáo nghèo ở Kenya, tên Peter Tabichi nhờ những đóng góp vật chất và tinh thần giúp học trò nghèo đi thi đạt giải quốc tế. Việt Nam có cô giáo Trần Thị Thúy (trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên) vào top 50.