Những người trú ẩn giữa rừng đề phòng đại dịch

0
1404

Họ đã bắt đầu chuẩn bị cho sự sụp đổ của nền văn minh từ rất lâu trước khi nCoV xuất hiện và khiến thế giới chao đảo.

Với những chiếc thùng đựng đầy hộp thức ăn đủ cho cả gia đình, những chiếc túi đựng đồ ăn sấy khô cấp đông có hạn sử dụng tới 25 năm cùng gạo và bột mỳ, những người này không cần phải chờ đến khi làn sóng mua sắm điên cuồng diễn ra khắp nước Mỹ do lo sợ nCoV. Đồ ăn của họ đã xếp ngay ngắn trong một boongke được xây từ bêtông cốt thép, nằm sâu một mét dưới lòng đất.

Một boongke của Fortitude Ranch ở Mathias, bang West Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP

Một boongke của Fortitude Ranch ởMathias, bang Tây Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP

Luôn trong tư thế sẵn sàng, những người thuộc cộng đồng sinh tồn Fortitude Ranch thậm chí còn có nguồn dự trữ dồi dào giấy vệ sinh và khẩu trang, hai mặt hàng đang được tìm kiếm nhiều nhất ở Mỹ hiện nay.

“Bây giờ chúng rất đáng giá!”, người quản lý Steve Rene nói đùa, giới thiệu khu trú ẩn 40 hecta mà ông quản lý và xem nó như một trại nghỉ dưỡng.

Phương châm của Fortitude Ranch luôn là “Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất và tận hưởng hiện tại!”. Mỗi năm, các thành viên có 2 tuần để vui chơi trong khu nghỉ dưỡng ở vùng nông thôn này, tận hưởng thiên nhiên, đi bộ đường dài hoặc câu cá hồi ở con sông được đặt tên là Lost. Nhóm cũng có một chi nhánh khác tại bang Colorado.

Ren, với tính cách thân thiện và nhạy bén, ngay từ đầu đã cố gắng xua tan định kiến quanh những người theo chủ nghĩa sinh tồn.

“Đây không phải là một nhóm người điên rồ với suy nghĩ rằng ngày mai thế giới sẽ chấm hết”, ông nói. “Chúng tôi không quân phiệt. Chúng tôi không có quan hệ gì với dân quân hay bất cứ lực lượng nào như thế”, ông khẳng định, dù từng phục vụ trong quân đội, tham chiến ở Vùng Vịnh năm 1991.

Tuy nhiên, ở cả 4 góc của khu trại đều có tháp canh và trong phòng khách là một khẩu súng trường cỡ nòng lớn, nhằm chứng minh với những thành viên tiềm năng rằng cả nhóm hoạt động rất nghiêm túc.

“Những người tuyệt vọng thì làm những thứ tuyệt vọng”, Rene nói.

Steve Rene tại kho trữ thực phẩm của Fortitude Ranch ở Mathias, bang West Virginia, Mỹ hôm 13/3. Ảnh: AFP

Steve Rene tại kho trữ thực phẩm của Fortitude Ranch ở Mathias, bang Tây Virginia, Mỹ hôm 13/3. Ảnh: AFP

Nhóm sinh tồn xem mối đe doạ chính đối với họ không phải là những kẻ ngoại xâm, mà là những người Mỹ hoảng loạn đổ xô đến cướp thực phẩm nếu xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh học, một cuộc nổi dậy chính trị, một đại dịch hay tất cả những điều trên.

“Rõ ràng những điều đó rất khó xảy ra, nhưng vẫn có khả năng”, Rene nói. “Nếu bạn không sẵn sàng, bạn sẽ không biết đi đâu, làm gì cả. Mọi người tranh giành nhau và nhiều thứ vuột khỏi tầm tay”.

Một ủy ban 5 người, bao gồm Rene, trong trường hợp khẩn cấp sẽ quyết định liệu có tuyên bố một “kịch bản thảm hoạ” hay không. Khi đó, tất cả các thành viên trong nhóm sẽ được mời đến nghỉ tại khu trại được bảo vệ nghiêm ngặt này. Ai muốn vào phải đọc đúng mật khẩu.

Trong trường hợp xảy ra đại dịch, mỗi người mới đến sẽ được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trong và tận hưởng miễn phí hệ sinh thái tự cung tự cấp, bao gồm giếng đào, pin mặt trời, thiết bị vô tuyến, các nhà kính, gà, dê và bò tự nuôi và một con mương, nơi thiêu hủy thi thể những người nhiễm bệnh.

Một chỗ ngủ dưới hầm ở Fortitude Ranch có giá ít nhất 1.000 USD/năm cho gói cơ bản là

Một chỗ ngủ dưới hầm ở Fortitude Ranch có giá ít nhất 1.000 USD/năm. Ảnh: AFP

Người sáng lập Fortitude Ranch là Drew Miller, một cựu chuyên gia tình báo quân sự, tốt nghiệp đại học Harvard. Ông muốn lập ra hơn chục khu nghỉ dưỡng như thế trên khắp nước Mỹ.

Trái với những boongke trú ẩn xa xỉ mà giới siêu giàu tự xây dựng, Miller hướng đến tầng lớp trung lưu. Mỗi người chỉ trả ít nhất 1.000 USD/năm cho gói cơ bản là một giường ngủ dưới hầm.

“Đây giống như một chính sách bảo hiểm trọn đời, thứ thực sự bảo vệ cho cuộc sống của bạn, chứ không phải loại chính sách bảo hiểm chi tiền để trang trải phí mai táng cho bạn”, Rene nói. Ông nhấn mạnh khu trú ẩn của mình có thể chứa tới 500 người ở những toà nhà khác nhau được bố trí khắp khuôn viên, cách thủ đô Washington chỉ hai giờ lái xe.

Rene gần đây nhận được ngày càng nhiều yêu cầu và email khi nCoV lây lan khắp nước Mỹ. Những người lo lắng về dịch bệnh và từng nghĩ tới chủ nghĩa sinh tồn đang cân nhắc nhu cầu của mình, ông cho hay.

Chiếc laptop bên cạnh Rene đang hiển thị bản đồ cho thấy sự lây lan của nCoV theo thời gian thực. Không có chấm đỏ nào nằm gần trang trại của nhóm ông. Đến hôm 16/3, Tây Virginia là bang cuối cùng của Mỹ chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm nCoV, dù nước này đã có hơn 4.700 ca nhiễm và 93 ca tử vong.

Anh Ngọc (Theo AFP)