Khối ngoại bán ròng 25 phiên liên tiếp

0
1398

Đà phục hồi cuối thứ sáu tuần trước (13/3) và việc Fed hạ lãi suất không khiến nhà đầu tư ổn định tâm lý hơn trong phiên đầu tuần này. VN-Index giảm mạnh ngay khi thị trường mở cửa với sắc đỏ lan rộng ra nhiều nhóm cổ phiếu.

Hai lần phục hồi giữa phiên sáng và trong nửa cuối phiên chiều chỉ giúp thị trường thu hẹp một phần đà giảm. Chốt phiên giao dịch 16/3, VN-Index giảm 1,89% xuống 747,86 điểm. VN30-Index diễn biến có phần tiêu cực hơn khi giảm gần 2,6% xuống dưới ngưỡng 700 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,74%, trong khi UPCOM-Index cũng giảm gần 0,7%.

VN30-Index mất mốc 700 điểm sau phiên hôm nay. Ảnh: VNDirect

VN30-Index mất mốc 700 điểm sau phiên hôm nay. Ảnh: VNDirect

Trong khi tâm lý chung chịu ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của Covid-19 và biến động từ thị trường quốc tế, giao dịch của khối ngoại càng khiến tình hình trở nên tiêu cực. Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì vị thế bán ròng, nâng số phiên bán ròng liên tiếp lên 25.

“Dòng vốn nước ngoài khó đảo chiều trong tương lai gần nếu không xuất hiện các thông tin hỗ trợ cụ thể như dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu hồi phục rõ rệt…”, chuyên gia KBSV dự đoán, đồng thời cho rằng một khi xu hướng bán ròng kết thúc sẽ là lúc VN-Index bắt đầu hồi phục bền vững.

Độ rộng của thị trường đến cuối phiên nghiêng về phía sắc đỏ với 239 mã giàm trên HoSE, trong khi chiều tăng chỉ có 133 mã. Riêng trong nhóm VN30, chỉ có 4 cổ phiếu giữ được sắc xanh, trong khi ghi nhận 24 mã giảm.

Nhà đầu tư xem bảng điện tử tại sàn chứng khoán ngày 16/3. Ảnh: Quỳnh Trần.

Nhà đầu tư xem bảng điện tử tại sàn chứng khoán ngày 16/3. Ảnh: Quỳnh Trần.

Đến cuối phiên, diễn biến của nhóm bluechip có sự phân hóa mạnh nhưng nghiêng về sắc đỏ, khi đà giảm nhiều cổ phiếu bị nới rộng. 5 mã giảm mạnh nhất VN30 bị kéo về gần mức giá sàn, mất gần 7%, gồm PNJ, SBT, VPB, CTG và ROS. Nhóm ngân hàng cũng chịu tác động tiêu cực hơn khi nhiều cổ phiếu bị kéo về gần giá sàn. Trừ 2 mã trong nhóm giảm mạnh nhất, những cái tên tiếp theo như HDB, BID, VCB đều giảm trên 5,5%, TCB giảm 4,4%, MBB và STB giảm gần 4%.

SAB và GAS là hai mã tích cực nhất nhóm vốn hóa lớn khi tăng trên 4%, theo sau là PLX tăng 1,8%, HPG tăng 0,3%.

Trong khi thị trường cơ sở hồi phục, diễn biến trên thị trường phái sinh có phần phức tạp hơn. Các hợp đồng tương lai VN30 đều lao dốc mạnh, đi ngược lại đà phục hồi trên thị trường chính. Hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn ngày 20/3 giảm hơn 37 điểm xuống còn 674,9 điểm. Các hợp đồng đáo hạn ngày 20/4 và 20/6 giảm trên 40 điểm. Đến cuối phiên, giá trị hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn ngày 20/3 đang duy trì basis âm hơn 23 điểm so với thị trường cơ sở. Diễn biến này, theo giới phân tích, cho thấy rủi ro của thị trường đang ở mức cao.

Diễn biến giao dịch hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn ngày 20/3 trong phiên 16/3. Ảnh: VNDirect

Diễn biến giao dịch hợp đồng tương lai VN30 đáo hạn ngày 20/3 trong phiên 16/3. Ảnh: VNDirect

Trên thị trường quốc tế, chứng khoán châu Âu vừa mở cửa cũng đi xuống. Các chỉ số theo dõi chung toàn khu vực giảm 4,9% ngay đầu phiên và nới rộng lên gần 8% sau đó. FTSE (Anh) hiện mất gần 7%, DAX (Đức) giảm 7,7%, trong khi CAC 40 (Pháp) mất hơn 9%.

Tại châu Á, sắc đỏ cũng là màu chủ đạo khi hầu hết thị trường chủ chốt đều giảm mạnh.

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng giảm tối đa biên độ trước khi mở cửa phiên đầu tuần, bất chấp thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và công bố chương trình nới lỏng định lượng. Trước đây, thị trường chứng khoán thường hưởng ứng tích cực với những thông tin nới lỏng tiền tệ, nhưng hom nay thì không. Theo giới phân tích, đà giảm của thị trường do lo ngại Fed sẽ hết công cụ để hỗ trợ nền kinh tế nếu Covid-19 có những diễn biến phức tạp hơn.

Vishnu Varathan, chuyên gia kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho bình luận: “Mặc dù đã rút ra những khẩu súng lớn, Fed dường như đang thiếu viên đại bác. Trớ trêu thay, thị trường đang xem phản ứng của họ là sự hoảng loạn, điều này càng ăn sâu vào nỗi sợ hãi của chính nhà đầu tư”.

Daniel Gerard, chiến lược gia về giao dịch tài sản tại State Street Global Market nói với CNBC: “Động thái của Fed không phải là một gói kích thích, đây là một hoạt động để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng”.

Tương tự, Quincy Krosby – chiến lược gia trưởng tại Prudential Financial nhìn nhận, động thái này, cùng gói nới lỏng định lượng, sẽ giúp khắc phục tác động của dịch bệnh với kinh tế Mỹ. “Điều này rất tích cực, nhưng diễn biến của dịch bệnh vẫn phức tạp, chúng ta không biết liệu động thái này có mang lại hiệu quả không”, vị này nói.

Minh Sơn – Phương Đông – Hà Thu