Doanh nghiệp bánh kẹo trong nước chủ động giữ thị phần

0
1301

Số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2019 – tháng cao điểm mua sắm trước Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam chi 45,1 triệu USD để nhập khẩu bánh kẹo, ngũ cốc từ 11 quốc gia. Số liệu này tăng đến 76% so với thời điểm tháng 1/2019 – tháng trước Tết Kỷ Hợi 2019. Lũy kế trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu 360,6 triệu USD bánh kẹo, chủ yếu từ Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Từ năm 2011, Bộ Công Thương đã ban hành danh mục các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Các chế phẩm từ ngũ cốc, bột, tinh bột hoặc sữa và các loại bánh như bánh mì, bánh ngọt, bánh quy, bánh quế… cũng nằm trong danh mục này.

Ông Trương Phú Chiến – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica – nhận định, về lý thuyết, không khuyến khích sẽ làm giảm nhập khẩu các mặt hàng trên và kích thích tiêu dùng các mặt hàng nội địa có thể thay thế. Hơn nữa, kể từ 1/10/2019, thực hiện theo thông tư số 42 của Ngân hàng Nhà Nước, các ngân hàng sẽ chấm dứt cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trung – dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước. Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải chuyển từ phương án vay ngoại tệ sang vay Việt Nam đồng (có lãi suất cao hơn) để mua ngoại tệ thanh toán cho đối tác nước ngoài. Điều này cũng phần nào khiến giá thành sản phẩm nhập khẩu tăng cao hơn, khó cạnh tranh với sản phẩm sản xuất tại chỗ.

Trụ sở Công ty Bibica miền Đông

Trụ sở Công ty Bibica miền Đông đặt ở Bến Cát, Bình Dương.

Hiện giá trị nhập khẩu bánh kẹo và ngũ cốc về Việt Nam vẫn không ngừng tăng cao qua các năm, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018.

Theo ông Trương Trọng Hiểu – Trường Đại học Kinh tế – Luật TP HCM, đầu tư tái sản xuất là tiền đề của tăng trưởng và là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng GDP. Trong khi, nhập siêu làm giảm GDP và “chèn lấn” thị phần của sản xuất trong nước. Một kịch bản kinh tế lý tưởng là khi cán cân thương mại có thặng dư và một phần thặng dư đó quay lại phục vụ sản xuất, từ đó tăng thêm giá trị xuất khẩu trong tương lai.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, ông Hiểu cho rằng, không thể dựa vào các công cụ mang tính hành chính để điều tiết dòng vốn. Thay vào đó, Việt Nam có thể tranh thủ các giải pháp nằm ngoài danh mục chống trợ cấp của các hiệp định thương mại tự do, để hỗ trợ sản xuất trong nước.

“Khi môi trường sản xuất trong nước trở nên hấp dẫn hơn, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh hơn và được người tiêu dùng đón nhận. Tôi tin rằng, các doanh nghiệp sẽ tự động chuyển từ nhập khẩu thuần sang sản xuất, để tạo ra giá trị gia tăng”, ông Hiểu nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Phú Chiến cho rằng, đã qua lâu rồi giai đoạn các doanh nghiệp trong nước trông chờ bảo hộ từ hàng rào thuế quan hoặc các biện pháp hành chính. Trên cùng một kệ siêu thị, hàng hoá sản xuất từ Việt Nam hay ngoại nhập đang có cùng xuất phát điểm cạnh tranh. Cuộc chiến này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, cũng như liên tục hoàn thiện hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng.

Ông Chiến chia sẻ: “Các doanh nghiệp trong nước có lợi thế hơn về nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam lẫn cung cách bán hàng và hệ thống phân phối. Trong khi chúng tôi đang hòa chung vào nhịp điệu thị trường, thì các đối thủ ngoại sẽ cần nhiều thời gian để bắt nhịp”.

Bibica hiện chiếm khoảng 8% thị phần ngành bánh kẹo tại thị trường Việt Nam, trong đó chiếm số nhiều là các thương hiệu bánh kẹo nội địa.

Dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại của Bibica giúp làm ra những chiếc bánh bông lan Hura Deli thơm ngon.

Dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại của Bibica giúp làm ra những chiếc bánh bông lan Hura Deli thơm ngon.

Những năm gần đây, doanh nghiệp liên tục mở rộng quy mô, gia tăng sản xuất cũng như đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân phối và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Nếu như năm 2016, Bibica có 95.000 điểm bán, sang năm 2017 đã nâng lên thành 115.000 điểm bán, đến 2018 lên đến 125.000 điểm và 2019 là 130.000 điểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mở rộng thị trường xuất khẩu, ra hơn 21 nước, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Singapore…

“Cùng với khoảng 30 doanh nghiệp ở quy mô công nghiệp, Bibica đang góp phần không nhỏ vào khoảng 660 triệu USD xuất khẩu bánh kẹo, mang về gần 300 triệu thặng dư thương mại trong năm 2019. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không hề nằm trong thế bị động, trước sự tấn công ngày càng ồ ạt của các đối thủ ngoại”, đại diện Bibica nhận định.

(Nguồn: Bibica)