Mỹ định cấm GE bán động cơ máy bay cho Trung Quốc

0
1360

Chính phủ Mỹ đang xem xét việc cấm General Electric (GE) tiếp tục cung cấp động cơ cho mẫu máy bay chở khách mới do Trung Quốc tự sản xuất hay không. Vấn đề dự kiến sẽ được thảo luận tại cuộc họp liên ngành về việc hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc vào thứ năm tới.

Một cuộc họp khác với các thành viên nội các của Tổng thống Donald Trump vào ngày 28/2 cũng sẽ bàn về quyết định này. Nhà Trắng và Bộ Thương mại Mỹ, nơi cấp giấy phép xuất khẩu, cũng như GE đều từ chối đưa ra bình luận.

Nhiều năm qua, Mỹ đã hỗ trợ các công ty nước này tận dụng cơ hội làm ăn với ngành hàng không dân dụng non trẻ của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đã cấp phép cho các công ty bán động cơ, hệ thống điều khiển và các thành phần khác cho mẫu máy bay thương mại lớn đầu tiên của Trung Quốc có tên COMAC C919. Mẫu máy bay này đã tiến hành một số chuyến bay thử nghiệm và dự kiến vận hành chính thức vào năm tới.

Máy bay chở khách C919 của Trung Quốc hạ cánh chuyến bay đầu tiên tại sân bay quốc tế Pudong ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 5/5/2017. Ảnh: Reuters

Máy bay chở khách C919 của Trung Quốc hạ cánh chuyến bay đầu tiên tại sân bay quốc tế Pudong ở Thượng Hải, Trung Quốc ngày 5/5/2017. Ảnh: Reuters

Nhưng giờ đây, chính quyền Trump đang cân nhắc xem có nên từ chối yêu cầu cấp phép mới nhất của GE để được bán động cơ CFM LEAP-1C cho C919 hay không. Từ năm 2014, GE đã nhận được giấy phép bán các động cơ LEAP và lần được cấp gần nhất là vào tháng 3/2019. Động cơ CFM LEAP là một liên doanh giữa GE và Safran Aircraft Engines (Pháp). Safran lẫn các quan chức chính phủ Pháp đều không đưa ra bình luận gì.

Ngoài động cơ máy bay, việc bán giới hạn các hệ thống điều khiển cũng sẽ được thảo luận tại các cuộc họp trong tháng này. Trước đó, Honeywell International đã nhận được giấy phép xuất khẩu các hệ thống điều khiển cho COMAC C919 trong khoảng một thập kỷ. Phát ngôn viên của hãng từ chối đưa ra bình luận.

Theo nguồn tin của Reuters, một số quan chức chính quyền Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể dùng kỹ thuật đảo ngược để đánh cắp công nghệ động cơ máy bay. Tuy nhiên, số khác cho rằng, đến giờ Trung Quốc chưa làm điều đó bởi độ phức tạp của động cơ LEAP.

Động cơ LEAP dành cho máy bay của GE sản xuất tại Indiana, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Động cơ LEAP dành cho máy bay của GE sản xuất tại Indiana, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

“Nếu có bất kỳ thay đổi chính sách nào, hy vọng chính phủ sẽ cùng bàn bạc với chúng tôi trước khi ban hành”, ông Keith Nathan, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Hiệp hội công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ, bình luận.

Theo một chuyên gia trong ngành, nếu Mỹ thi hành biện pháp này, Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách đặt mua nhiều máy bay từ Airbus hơn, thay vì Boeing vốn đang bị khủng hoảng và phụ thuộc vào Trung Quốc trong lần giao hàng thứ tư.

Ngoài bàn về ý định cấm bán động cơ máy bay, các cuộc họp tới của chính quyền Trump liên quan đến công nghệ cũng sẽ tiếp tục thảo luận việc có nên siết chặt hơn việc cho phép các nhà công ty Mỹ làm ăn với Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đang nằm trong danh sách đen thương mại của nước này, hay không.

Phiên An (theo Reuters)