Bác sĩ nội trú So đang trong ca trực dài 36 tiếng tại một bệnh viện ở Hong Kong, Trung Quốc khi đôi vợ chồng đến từ Vũ Hán nhập viện và được đưa vào phòng cách ly lúc 3h sáng vì nghi nhiễm chủng virus corona mới (nCoV). Sau khi y tá kiểm tra vài chỉ số sức khỏe và lấy mẫu dịch mũi xét nghiệm cho hai bệnh nhân, So bắt đầu công việc của mình.
Trong phòng cách ly, So lần lượt thăm khám từng bước cho hai bệnh nhân: tìm hiểu triệu chứng, nghe tim phổi và chụp X-quang phổi. Khoảng 9 tiếng sau, So nhận được kết quả xét nghiệm của hai bệnh nhân: dương tính với nCoV. Hai bệnh nhân, 72 tuổi và 73 tuổi, là ca nhiễm nCoV thứ 9 và 10 được ghi nhận ở Hong Kong. “Tôi thấy hơi rùng mình khi nhận kết quả xét nghiệm”, So cho biết.
Hết ca trực, So lo lắng tìm gặp lãnh đạo bệnh viện để yêu cầu được cách ly sau khi tiếp xúc với hai ca nhiễm virus. Tuy nhiên, lãnh đạo từ chối đề nghị của So, cho rằng anh an toàn vì đã mặc đồ bảo hộ đầy đủ khi làm việc. Họ thậm chí còn nói anh có thể đi làm bình thường vào ngày hôm sau. Thất vọng, So đặt phòng khách sạn và tự cách ly mình sau đó.
Một bệnh nhân trên xe cứu thương tới trung tâm bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Princess Margaret, Hong Kong hôm 22/1. Ảnh: Times. |
So dường như quá thận trọng nhưng dịch SARS năm 2003 vẫn là ký ức ám ảnh, khi Hong Kong ghi nhận hơn 380 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác nhiễm bệnh, trong đó có 8 người chết. Trong khi đó, nCoV lây lan nhanh hơn dự đoán trước đây và người mangvirus có thể không xuất hiện triệu chứng bệnh. Dịch bùng phát ở bệnh viện là nỗi sợ lớn nhất đối với nhân viên y tế bởi họ không có cơ hội cách ly với dịch.
Hàng trăm nhân viên y tế Hong Kong đang chiến đấu chống dịch viêm phổi Vũ Hán, khiến ít nhất 259 người chết và gần 12.000 ca nhiễm cho tới nay. Hong Kong hiện ghi nhận 13 ca nhiễm nCoV. Các bệnh viện ở đặc khu tiếp nhận khoảng 95 ca nghi nhiễm mỗi ngày trong tuần qua và dự đoán con số này tăng lên nhiều hơn khi người Hong Kong trở về nhà sau kỳ nghỉ tết ở đại lục.
Giới chức Hong Kong tuyên bố chuẩn bị ứng phó tốt với dịch viêm phổi và có sẵn 1.400 giường bệnh cách ly khi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều nhân viên y tế và người dân hoài nghi về điều này. Thậm chí công chúng còn yêu cầu chính quyền đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc đại lục để giảm nguy cơ lây lan dịch. Nhân viên y tế gần đây đe dọa đình công cho tới khi chính quyền đáp ứng yêu cầu.
Người thân của nhiều nhân viên y tế thậm chí yêu cầu họ nghỉ việc. “Tôi và đồng nghiệp còn nói với nhau rằng liệu bảo hiểm nhân thọ của chúng tôi có được chi trả nếu chúng tôi chết do sơ suất từ phía bệnh viện”, So nói.
Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hong Kong như tình trạng thiếu bác sĩ và phòng cách ly. Thống kê chỉ ra hệ thống y tế Hong Kong cần thêm hàng nghìn bác sĩ để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Trong mùa cúm, bệnh viện ở đây thường trong tình trạng quá tải, theo Cơ quan quản lý bệnh viện Hong Kong.
Joe, bác sĩ nội trú 30 tuổi tại một bệnh viện khác, phàn nàn rằng chính quyền đã không tính đến thiệt hại do nguồn lực hạn chế khi ứng phó với các ca nghi nhiễm virus, chủ yếu đến từ Trung Quốc. Joe cho biết dịch vụ cấp cứu bị hủy và vài dịch vụ khác bị trì hoãn bởi họ hiện chỉ đủ nguồn lực phục vụ cho các phòng cách ly chật cứng bệnh nhân.
“Chúng tôi không có đủ khả năng để ứng phó với cơn sóng thần này“, Joe nói khi chứng kiến số ca nghi nhiễm không ngừng tăng lên.
Joe cho tới giờ chỉ tiếp nhận các trường hợp nghi nhiễm nCoV. Tuy nhiên, anh đã tình nguyện gia nhập đội chuyên điều trị cho bệnh nhân nhiễm dịch. “Chúng ta không thể để kịch bản 17 năm trước khi dịch SARS bùng phát xảy ra lần nữa. Bằng bất kỳ giá nào, chúng ta phải bảo vệ chính mình và đồng nghiệp”, cấp trên của Joe nói với anh trong cuộc họp gần đây.
Tại một bệnh viện khác, bác sĩ S thừa nhận tình trạng thiếu hụt nguồn lực có thể khiến tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa. “Chúng tôi không có đủ phòng cách ly. Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng tôi phải để hai hoặc ba bệnh nhân nghi nhiễm trong cùng nơi. Vấn đề là một người trong số họ có thể dương tính với virus này”, bác sĩ S cho biết.
Chuyên gia ước tính đỉnh điểm của dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ vào tháng 4 hoặc tháng 5. Nhưng số ca nhiễm và tử vong vì bệnh không ngừng tăng khiến S lo lắng, căng thẳng.
“Mỗi khi tiếp nhận một bệnh nhân nghi nhiễm virus, tôi lại nghĩ về cuộc đời mình. Tôi có nên ở lại đây? Tôi có nên viết sẵn di chúc không? Thậm chí tối qua tôi còn nhắn tin cho người yêu cũ của mình. Tôi nói rằng dù thế nào tôi vẫn quan tâm cô ấy và tình cảm của tôi sẽ không bao giờ thay đổi”, S chia sẻ. “Chúng tôi được đào tạo để đối mặt với cái chết của người khác nhưng lại không biết xoay xở với chính mình”.
Ba nhân viên y tế khiêng xe đẩy cứu thương tại bệnh viện Queen Mary, Hong Kong hôm 29/1. Ảnh: Bloomberg. |
Thanh Tâm (Theo Time)