Tập đoàn Vingroup vừa cho biết đã xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Quyết định được đưa ra sau chưa tới nửa năm tập đoàn công bố những bước đi đầu tiên và cũng chỉ cách gần 7 tháng để Vinpearl Air cất cánh, theo kế hoạch đã đưa ra từ trước.
Không giống việc “dừng bước” của những hãng bay khác, quyết định của Vingroup được đánh giá là bất ngờ. Hai tuần trước khi Vingroup tuyên bố rút khỏi lĩnh vực hàng không, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có báo cáo thẩm định dự án Vinpearl Air gửi Thủ tướng, trong đó, các nội dung chính của dự án được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá là “phù hợp với quy hoạch”. Trước đó, các hãng bay khác dừng bước chủ yếu do việc không tìm được đối tác phù hợp hoặc không được cấp phép.
Tuy nhiên, quyết định này sẽ là không bất ngờ nếu nhìn từ cách Vingroup “rút lui” khỏi các khoản đầu tư trước đây và nhìn nhận từ tiềm năng của lĩnh vực hàng không trong cấu trúc của tập đoàn.
Học viên tại trường đào tạo nhân lực ngành hàng không của Vingroup. Ảnh: Vinpearl Air. |
Vingroup trong ngành bất động sản được xem là “nỗi ám ảnh” của những nhà thầu xây dựng bởi việc đặt ra tiến độ và yêu cầu phải hoàn thành đúng thời gian. Còn trong các quyết định của tập đoàn, Vingroup cũng gắn liền với những quyết định “chớp nhoáng”, dám đề ra mục tiêu và cũng dám “rút lui” khi nhận thấy dự án đó không còn phù hợp.
Gần nhất là việc rút lui khỏi mảng bán lẻ. Nhiều năm liền đánh đổi lợi nhuận lấy quy mô, ở giai đoạn mà chuỗi Vinmart, Vinmart+ đang dần chiếm lĩnh được thị trường thì Vingroup quyết định rút. Ở thời điểm quyết định rút khỏi mảng bán lẻ, quy mô tài sản của lĩnh vực này gần 16.000 tỷ đồng, với doanh thu mang lại về tập đoàn hơn 1 tỷ USD.
Trước đó, những lĩnh vực mà Vingroup định dấn thân như tài chính, bảo hiểm và ngân hàng cũng diễn ra tương tự. Những năm sau khủng hoảng tài chính, Vingroup từng có tham vọng đi sâu hơn vào lĩnh vực tài chính với ý đồ thành lập ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Nhưng khi đánh giá điều kiện thị trường không còn phù hợp, việc đầu tư vào lĩnh vực mới không tạo sự gắn kết với các mảng kinh doanh có sẵn, những dự án này ngay lập tức được dừng lại.
Quay lại với câu chuyện hàng không, với mỗi quyết định đầu tư, hai khía cạnh cần quan tâm nhất là cơ hội từ thị trường và sự cần thiết của dự án. Nhưng với cả hai điều kiện này, Vingroup đều có lý do để xem xét lại quyết định đầu tư.
Hàng không tăng trưởng liên tục với tiềm năng được giới phân tích đánh giá còn rất lớn, tuy nhiên lĩnh vực này là cuộc đua dài hơi, tốn kém và cũng phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là những vấn đề mà một tập đoàn tư nhân khó kiểm soát như phát triển hạ tầng hay nhân sự.
Theo hồ sơ dự án, Vinpearl Air dự kiến sẽ chọn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài làm sân bay căn cứ và đỗ máy bay qua đêm trong năm đầu tiên. Tuy là một trong hai sân bay quan trọng nhất, Nội Bài cũng thường xuyên trong tình trạng quá tải. Thẩm định dự án, Bộ Giao thông vận tải cho biết kế hoạch của Vinpearl Air phù hợp với năng lực hạ tầng cho năm 2020, nhưng những năm sau đó lại là vấn đề khác.
“Đối với giai đoạn sau 2020, đề nghị nhà đầu tư lưu ý về việc Cảng hàng không quốc tế Nội bài sẽ hết vị trí đỗ và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng không còn vị trí đỗ tàu bay, slot khai thác trong đoạn đến 2022”, báo cáo thẩm định dự án Vinpearl Air viết.
Sức nóng trên thị trường, với sự cạnh tranh gay gắt từ những “người cũ” cũng là một yếu tố có thể tác động lớn tới hiệu suất sinh lời, nếu xét từ những “người mới” như Vinpearl Air.
“Thị trường hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên việc Vinpearl Air tham gia thị trường có thể sẽ làm dư thừa nguồn cung trong ngắn hạn, gây lãng phí cho xã hội”, bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng giám đốc Công ty Vinpearl, đánh giá.
Theo báo cáo của MBS, thị trường hàng không nội địa đang chứng kiến cuộc đua cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng hàng không. Riêng trong quý IV, ước tính giá vé các chặng bay quốc nội trọng yếu đã giảm khoảng 40% so với đợt cao điểm hè. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chi phí nhiên liệu bay, chiếm khoảng 40-45% chi phí hoạt động của các hãng bay, đang có chiều hướng tăng trở lại.
VCSC trong hai báo cáo gần đây về Vietjet Air và Vietnam Airlines có chung nhận định: “Chúng tôi nhận thấy rủi ro gia tăng từ cạnh tranh gay gắt hơn với số lượng các hãng hàng không mới có khả năng tham gia thị trường”.
Báo cáo tài chính riêng quý gần nhất của Vietjet cho thấy, biên lợi nhuận gộp của hãng bay này chỉ đạt 13,7%, so với mức gần 18% cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận 9 tháng cũng giảm xuống còn 14,24%. Tương tự với Vietnam Airlines, biên lợi nhuận gộp của công ty mẹ cũng giảm gần 1% cùng kỳ, với sự gia tăng nhanh hơn của giá vốn so với tốc độ tăng của doanh thu.
Yếu tốt thứ hai là tính cần thiết của dự án. Vingroup sở hữu mạng lưới khu lịch nghỉ dưỡng, vui chơi lớn nhất Việt Nam với 43 cơ sở, công suất trên 17.000 phòng. Vinpearl Air, nếu được vận hành, sẽ là mảnh ghép quan trọng hỗ trợ cho mảng nghỉ dưỡng của tập đoàn. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ, bởi Vingroup có những lựa chọn khác nếu không tự mình làm hàng không.
“Hiện nay các hãng Hàng không Việt Nam đều bắt đầu dư thừa năng lực vận chuyển, vì vậy thay bằng xông ra cạnh tranh thì chúng tôi sẽ hợp tác với họ để xây dựng các phương án vận chuyển khách đến với các tổ hợp Vinpearl”, Tổng giám đốc Vinpearl nhận xét.
Bản thân hàng không cũng là một lĩnh vực có vốn đầu tư ban đầu lớn, là cuộc chơi dài hơi và tốn kém. Nếu đã chọn hàng không, thông thường, ngành này phải trở thành một trọng điểm đầu tư và lĩnh vực kinh doanh chính. Nhưng với Vingroup, nếu chọn hàng không thì nguồn lực của tập đoàn sẽ bị phân tán, bởi trước đó Vingroup đã chọn công nghệ và sản xuất là lĩnh vực trọng tâm.
Theo đề xuất, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án Vinpearl Air là 4.700 tỷ đồng. Con số khởi đầu này không ảnh hưởng quá lớn với một tập đoàn có quy mô tài sản gần 15 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng không đòi hỏi số vốn đầu tư phải tăng rất lớn trong những năm tiếp theo, khi mở rộng đội bay và tăng quy mô nhân sự.
Số tiền mà Vingroup phải rót vào lĩnh vực này, nếu được thực hiện, có thể sẽ không thua kém những khoản đầu tư vào sản xuất và công nghệ. Trong khi đó, dự kiến phải tới 2023, Vinpearl Air mới bắt đầu có lợi nhuận, chưa kể những biến động về giá nhiên liệu, cạnh tranh tăng cao có thể kéo dài thời gian hòa vốn.
Kể từ khi công bố chiến lược chuyển hướng sang công nghệ – công nghiệp – dịch vụ, lĩnh vực này cũng trở thành trọng tâm đầu tư của Vingroup với quy mô tài sản bộ phận tăng nhanh. Đến cuối quý II/2019, bộ phận sản xuất của tập đoàn có tổng tài sản hơn 73.000 tỷ đồng, chỉ đứng sau lĩnh vực bất động sản.
Nếu cùng lúc tập trung vào cả sản xuất và hàng không, nguồn lực của Vingroup sẽ bị phân tán và cũng tạo ra áp lực cân đối tài chính, bởi cả hai lĩnh vực này đều khó có lợi nhuận trong ngắn hạn.
“Với bên ngoài, đây có thể là quyết định gây sốc nhưng với chúng tôi đây là bước đi nhất quán trong chiến lược phát triển của toàn tập đoàn”, bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng giám đốc Công ty Vinpearl, cho biết. “Hiện Vingroup đang dồn toàn lực cho hai lĩnh vực cốt lõi là công nghệ và công nghiệp, trước mắt là sản xuất ô tô xe máy và các sản phẩm công nghệ cao. Tất cả các công ty thành viên trong Tập đoàn đều cần nỗ lực chung tay đóng góp để hiện thực hoá chiến lược cốt lõi này”.
Minh Sơn