“Nói ngắn gọn, chúng tôi cần thêm tiền. Chính phủ nhất trí rằng hải quân Mỹ phải phát triển. Chúng ta phải theo đuổi các công nghệ không người lái, cần giải quyết các khó khăn về công nghệ và chính sách liên quan thay vì tránh né”, đô đốc Michael Gilday, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, nói tại hội nghị chuyên đề của Hiệp hội Hải quân Mỹ ngày 14/1 tại Arlington, bang Virginia.
Tuyên bố được đô đốc Gilday đưa ra trong bối cảnh Nhà Trắng sắp trình quốc hội Mỹ đề xuất ngân sách quốc phòng 2021 với mức 740 tỷ USD. Các lãnh đạo hải quân Mỹ tuần tới sẽ đưa ra đánh giá cấu trúc lực lượng mới, trong đó đề xuất tăng quy mô hạm đội từ 293 tàu hiện nay lên 355 tàu chiến vào năm 2030.
Mỹ quyết định tăng cường hạm đội hải quân để đối phó với tham vọng phát triển hạm đội của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc dự kiến biên chế thêm 6 chiến hạm vào tháng 12, nâng tổng số tàu chiến của nước này lên 300 chiếc.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan trong một cuộc diễn tập năm 2018. Ảnh: US Navy. |
Gidlay cho biết trọng tâm chính của hải quân Mỹ là đóng các tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia để thay thế lớp Ohio. Đề án chế tạo tàu ngầm lớp Columbia hiện chiếm 20-25% ngân sách chế tạo chiến hạm của hải quân Mỹ và có thể tăng lên 30% trong năm 2020.
“Chúng tôi muốn hải quân lớn hơn nhưng không phải thứ hữu danh vô thực. Có những lựa chọn khó khăn song yêu cầu mở rộng hạm đội lên 335 chiến hạm hoặc hơn đòi hỏi tăng ưu tiên ngân sách cho hải quân”, Gilday nói.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi tháng 5/2017 thông báo kế hoạch tăng số chiến hạm của hải quân lên 355 chiếc. Số tàu bổ sung gồm một hàng không mẫu hạm, 16 tuần dương hạm và khu trục hạm, 18 tàu ngầm tấn công, 7 tàu đổ bộ và 12 tàu hậu cần hỗ trợ. Hải quân Mỹ sẽ phải mua 329 tàu trong 30 năm tới và tốn 102 tỷ USD mỗi năm cho kế hoạch mở rộng hạm đội.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik,Defense One)