Philippines nối lại dự án thăm dò dầu khí với Trung Quốc

0
1364

Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Thượng viện Philippines Sherwin Gatchalian hôm nay cho biết các quan chức ngoại giao và năng lượng nước này sắp gặp các đại diện của Trung Quốc để giải quyết những vấn đề bị đình trệ từ tháng 10 năm ngoái.

Khi đó hai bên không thể thống nhất “cách thúc đẩy và xác định các điều luật quản lý dự án thăm dò dầu khí chung”, ông Gatchalian cho hay. Bế tắc tương tự cũng từng khiến kế hoạch thăm dò dầu khí được đề xuất hồi năm 2011 giữa Trung Quốc và chính quyền cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino phải dừng lại.

Sherwin Gatchalian tại một cuộc họp của Thượng viện Philippines. Ảnh: Philstar.

Ông Sherwin Gatchalian tại một cuộc họp của Thượng viện Philippines. Ảnh: Philstar.

Ông Gatchalian cho rằng việc hai nước đạt được thỏa thuận thăm dò dầu khí chung tại Biển Đông sẽ truyền đi thông điệp mạnh mẽ rằng các bên “có thể tìm ra giải pháp thương mại cùng có lợi bất chấp những vấn đề địa chính trị”.

Trong bản ghi nhớ được ký năm 2018, Manila và Bắc Kinh nhất trí rằng dự án này không đồng nghĩa với việc một trong hai bên từ bỏ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 9/2019 cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đề nghị ông gạt bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) để đổi lấy lợi ích ở Biển Đông. Năm 2016, PCA đã bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra nhằm đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông.

Theo Duterte, ông Tập đề nghị trao cổ phần cho Philippines trong một liên doanh khai thác dầu khí tại bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện do Philippines kiểm soát, nếu Manila bỏ qua phán quyết này. “Họ muốn thăm dò. Họ nói nếu phát hiện khí, chúng ta sẽ nhận 60% lợi nhuận còn họ chỉ nhận 40%. Ông Tập đã hứa như vậy”, Duterte nói.

Tuy nhiên, phe đối lập tại Philippines cảnh báo những kế hoạch thăm dò chung với Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh khẳng định tuyên bố chủ quyền vốn không được luật pháp quốc tế công nhận, đồng thời đề nghị Duterte công khai các chi tiết trong dự án với Trung Quốc.

Sau khi nhậm chức hồi năm 2016, ông Duterte thực thi chính sách xích lại gần Trung Quốc và né tránh thực thi phán quyết của PCA vì cho rằng điều đó sẽ dẫn đến chiến tranh. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines gần đây thay đổi giọng điệu với Trung Quốc, sau khi chịu nhiều sức ép từ giới chức và dư luận trong nước.

Ánh Ngọc (Theo SCMP)