Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN ngày 5/1, tướng Hossein Dehghan, cố vấn quân sự của Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, đe dọa sẽ tấn công “các cơ sở quân sự Mỹ” để đáp trả vụ Washington hạ sát thiếu tướng Qasem Soleimani, quan chức quân sự quyền lực hàng đầu của Iran, tại sân bay Baghdad trước đó hai ngày.
Ngay sau khi tung đòn không kích nhắm vào Soleimani, Mỹ đã đề cao cảnh giác và phát lệnh báo động toàn bộ lực lượng quân sự ở Trung Đông nhằm đề phòng các đòn tấn công trả đũa của Iran. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Washington khó “thủ thế” trong thời gian dài, trong khi Tehran có quá nhiều lựa chọn mục tiêu tấn công.
Từ Singapore đến Djibouti, từ Bahrain tới Brazil, Mỹ hiện duy trì khoảng 800 căn cứ quân sự cùng các cơ sở hậu cần bên ngoài lãnh thổ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Hàng trăm cơ sở khác, cả lớn lẫn nhỏ, được đặt trên đất Mỹ.
Chiến đấu cơ Mỹ tại căn cứ không quân Al Udeid, Qatar, hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: US Air Force. |
Tất cả các cơ sở quân sự của Mỹ, thậm chí mọi binh sĩ, giờ đây đều có thể nằm trong tầm ngắm của Iran. “Có rất nhiều cách để họ tấn công và bạn không thể bảo vệ tất cả cùng lúc”, Carl Schuster, cựu lãnh đạo Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định.
Mối đe dọa có thể đến từ chính các lực lượng Iran hoặc những lực lượng ủy nhiệm do Tehran hậu thuẫn. “Iran có cánh tay vươn dài khắp thế giới thông qua những mạng lưới bí mật của họ”, Christopher Costa, cựu giám đốc về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay.
Một trong những đội quân ủy nhiệm này, nhóm dân quân Hezbollah ở Lebanon, được cho là lực lượng đứng sau vụ đánh bom tự sát doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ ở sân bay Beirut năm 1983 khiến 241 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Đây là cuộc tấn công chết chóc nhất nhằm vào thủy quân lục chiến Mỹ kể từ sau trận Iwo Jima ở Thái Bình Dương thời Thế chiến II.
Hezbollah cũng bị cáo buộc đứng sau vụ đánh bom Tháp Khobar, khu nhà ở của quân đội Mỹ tại Arab Saudi, năm 1996, khiến 19 phi công thiệt mạng.
Hassan Nasrallah, thủ lĩnh Hezbollah ở Lebanon, hôm 5/1 đe dọa sẵn sàng đáp trả để “báo thù” cho cái chết của tướng Soleimani. “Căn cứ quân sự Mỹ, tàu chiến Mỹ, tất cả các nhân viên quân sự và binh sĩ Mỹ tại khu vực và ở đất nước của chúng ta, trên đất của chúng ta. Quân đội Mỹ đã giết tướng Soleimani và họ sẽ phải trả giá”, Nasrallah tuyên bố.
Theo Schuster, Hezbollah đã mở rộng lực lượng trên khắp Trung Đông và một phần châu Phi, trong đó có Kenya, nơi nhóm khủng bố al-Shabaab hồi cuối tuần trước vừa thực hiện một cuộc tấn công vào căn cứ quân sự khiến ba người Mỹ thiệt mạng cùng nhiều khí tài bị phá hủy.
Al-Shabaab không phải là đồng minh của Hezbollah, nhưng cuộc tấn công của nhóm phiến quân hôm 5/1 đã cho thấy nguy cơ các lực lượng Mỹ trên toàn thế giới phải đối mặt lớn như thế nào.
Hải quân Mỹ hiện sở hữu 293 tàu chiến trong biên chế. Dù chỉ 1/3 số này đang hoạt động trên biển hoặc neo đậu tại các cảng nước ngoài, chúng vẫn là những mục tiêu khả thi cho đòn tấn công báo thù của Iran.
Hồi tháng 10/2000, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Cole bị tấn công khi đang neo tại cảng Aden, Yemen. Những kẻ đánh bom tự sát đã lao một chiếc xuồng chứa đầy thuốc nổ vào tàu USS Cole khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Al-Qaeda bị cáo buộc chủ mưu vụ đánh bom. Sự việc cho thấy những tàu chiến công nghệ cao rất dễ trở thành mục tiêu cho các đòn tấn công tự sát.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ William S. Cohen cho biết bất chấp việc đã có các biện pháp bảo vệ, họ vẫn không thể ngăn đối phương lao xuồng bom vào tàu USS Cole. Đến nay, hải quân Mỹ đã áp dụng thêm những biện pháp an ninh mới để bảo vệ tàu tại cảng, trong đó có tạo vùng cách ly quanh tàu.
Nhưng theo Schuster, tại các cảng nước ngoài, để tạo một vùng cách ly như vậy không dễ dàng. “Chúng ta sẽ tạo ra một sự cố quốc tế nếu cố tình thực hiện nó trên lãnh thổ có chủ quyền của nước khác”, ông cho hay.
Mặt khác, trong lúc Mỹ tìm cách bổ sung các biện pháp an ninh, đối thủ cũng không ngừng phát triển phương thức tấn công. Schuster cho rằng Iran đã huấn luyện được một đội người nhái tinh nhuệ có khả năng lặn xuống bên dưới và xung quanh tàu chiến để cài thuốc nổ. Để phát hiện những hoạt động tập kích kiểu này là vô cùng khó khăn.
Một mối đe dọa “công nghệ thấp” khác đối với tàu Mỹ là thủy lôi, như quả thủy lôi của Iran từng khiến tàu khu trục nhỏ USS Samuel B. Roberts gần gãy làm đôi vào năm 1988.
Tàu Samuel B. Roberts khi đó va vào thủy lôi trên Vịnh Ba Tư, gây thủng một lỗ lớn trên thân tàu, khiến 10 thành viên thủy thủ đoàn bị thương. Schuster cho hay thủy lôi được sử dụng từ Thế chiến I và nhiều khả năng vẫn còn trong kho vũ khí của Iran.
Theo giới chuyên gia, dù quân đội Mỹ đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau những lời đe dọa của Iran, việc duy trì các biện pháp đề phòng liên tục trong thời gian dài không phải điều dễ dàng, bởi nó sẽ gây căng thẳng cực độ cho các binh sĩ trong căn cứ và làm quá tải năng lực phòng thủ.
“Việc duy trì an ninh chặt chẽ có thể gây cản trở hoạt động của bạn”, Schuster nói. “Bạn không thể bảo vệ các binh sĩ 24/24 trong quãng thời gian dài”, trong khi Iran chắc chắn có đủ kiên nhẫn để chờ thời cơ tấn công thuận lợi. “Họ đang đợi đến khi chúng ta lơ là”, ông bình luận.
Ngay cả nếu quân đội Mỹ đủ khả năng duy trì cảnh giác cao độ lâu dài, điều đó là chưa đủ để ngăn Iran có các hoạt động báo thù, Schuster nói thêm. “Iran sẽ không bị chùn bước bởi các biện pháp an ninh chặt chẽ. Điều khiến họ chưa vội ra tay lúc này là khả năng thất bại trong các đòn tấn công. Họ luôn muốn đánh chắc thắng chắc”.
Vũ Hoàng (Theo CNN)