Trọng tâm chiến lược của tàu sân bay Sơn Đông sẽ là các khu vực quanh Biển Đông, People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm qua đăng trên tài khoản mạng xã hội chính thức, sau khi Trung Quốc biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên.
People’s Daily cho rằng nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông sẽ được triển khai tới vùng biển này tương lai, nơi “các tàu và máy bay quân sự từ một số quốc gia gần đây thường tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải”. Bài đăng không nêu đích danh quốc gia nào, nhưng cho biết nhiệm vụ chính của tàu sân bay Sơn Đông sẽ là tác chiến thay vì tập trung huấn luyện như tàu sân bay Liêu Ninh.
Hải quân Mỹ gần đây tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý, trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại thường cáo buộc các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của Mỹ là “làm gia tăng căng thẳng” và “xâm phạm chủ quyền”.
Cạnh tranh hải quân giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng, với Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa quân sự. Từ năm 2014, nước này đã hạ thủy nhiều tàu ngầm, chiến hạm mặt nước, tàu đổ bộ và tàu hậu cần hơn toàn bộ biên chế hải quân các nước như Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Đài Loan và Anh. Trung Quốc chi ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng yêu cầu hải quân nước này trở thành “lực lượng đẳng cấp thế giới” trong cuộc duyệt binh hải quân trên Biển Đông tháng 4/2018.
Tàu sân bay Sơn Đông neo tại căn cứ ở đảo Hải Nam hồi tháng 11. Ảnh: Maxar. |
Sơn Đông thuộc lớp Type-001A, được biên chế tại căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam hôm 17/12. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo.
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi việc biên chế tàu Sơn Đông là “cột mốc quan trọng” trong nỗ lực xây dựng sức mạnh hải quân của nước này, giúp Bắc Kinh thu hẹp khoảng cách với Washington.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng Sơn Đông vẫn còn tồn tại nhiều điểm yếu lớn về thiết kế và đặc tính kỹ chiến thuật, khiến nó khó có thể hoạt động dài ngày trên biển. Hải quân nước này nhiều khả năng khó có thể xây dựng được không đoàn tàu sân bay và các tàu hậu cần, hộ tống để bảo vệ tàu Sơn Đông hoạt động trong tương lai gần. Việc sử dụng động cơ diesel khiến tàu ngốn rất nhiều nhiên liệu, phụ thuộc lớn vào tàu hậu cần, trong khi thiết kế cầu nhảy hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của tiêm kích hạm J-15, vốn đã rất nặng nề và hoạt động chưa ổn định.
Tàu Sơn Đông được Trung Quốc khởi đóng năm 2015 dựa trên thiết kế của Liêu Ninh, tàu sân bay được Trung Quốc mua từ Ukraine năm 1998 rồi hoán cải và đưa vào hoạt động năm 2012. Trung Quốc ban đầu định biên chế tàu Sơn Đông vào đầu năm 2019, nhưng một loạt sự cố trong quá trình thử nghiệm khiến tiến độ bàn giao tàu bị chậm 8 tháng.
Vũ Anh (Theo SCMP, Business Insider, CNN)