Giải pháp nào để năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng 9%?
Sáng 11/12, tại phiên thảo luận chung của kỳ họp cuối năm 2019, nhiều HĐND TP Đà Nẵng đã bày tỏ băn khoăn về khả năng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của Đà Nẵng trong năm 2020 đạt 9%, do năm 2019 chỉ tiêu quan trọng bậc nhất này của TP chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 6,47% trong khi chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là tăng 8 – 9%.
Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng Trần Phước Sơn phát biểu tại kỳ họp cuối năm 2019 của HĐND TP. (Ảnh: HC) |
Trả lời về việc “năm 2020 có thể đạt tốc độ tăng trưởng 9% không?”, ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay, năm 2019 tuy một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản của Đà Nẵng không đạt kế hoạch, nhưng so với năm 2018 vẫn có tăng trưởng khá và có các điểm sáng.
Đó là tổng thu ngân sách đạt 103% dự toán, tăng 3,5% so với năm 2018 cho thấy khả năng nội sinh của doanh nghiệp trên địa bàn. Thu hút đầu tư vào TP tăng lên đáng kể, với 8.830 tỷ đồng vốn trong nước và 668 triệu USD vốn FDI. Ngoài ra, GRDP ước tăng 6,47% song vẫn đạt mức khá so với các tỉnh duyên hải miền Trung, cao hơn Quảng Nam (3,81%), Quảng Ngãi (4,02%).
Tuy tình hình kinh tế TP còn nhiều khó khăn, chưa đạt như kỳ vọng, 6 chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng chưa đạt kế hoạch nhưng năm 2020 vẫn có một số thuận lợi để tin tưởng. Đó là một số luật, nghị định đã và đang được điều chỉnh theo hướng mở, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi hơn.
Cùng với đó, các dự án thu hút đầu tư tại các diễn đàn, tọa đàm mùa xuân qua các năm được triển khai thực hiện, dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2019 và đầu năm 2020 sẽ đóng góp cho tăng trưởng của TP.
“Nhưng để đạt mức tăng trưởng này, cần có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thành ủy, UBND TP; sự phối hợp, đồng hành của HĐND TP, nỗ lực của các cấp, các ngành, các quận, huyện, nhất là các ngành: Du lịch, Công thương, Thông tin – Truyền thông, BQL Khu Công nghệ cao và các KCN” – Ông Trần Phước Sơn nói.
Ông cũng nêu một số giải pháp chủ yếu cho mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 9% là Đà Nẵng cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phối hợp với các Bộ, ngành TW tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết, nghị định về phát triển TP Đà Nẵng, thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã có chủ trương, ký kết tại các diễn đàn, tọa đàm mùa xuân qua các năm; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư đối với từng dự án cụ thể, nhất là các vướng mắc theo Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ.
Năm 2020 có giải ngân nổi 14.340 tỉ đồng vốn đầu tư công hay không?
Về việc “tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển”, một số đại biểu HĐND TP Đà Nẵng băn khoăn liệu năm 2020 TP có giải ngân được nguồn vốn đầu tư công lên đến 14.340 tỷ đồng, trong khi năm 2019 chỉ giải ngân được 6.600 tỉ đồng?
Theo ông Trần Phước Sơn, năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã đề ra giải pháp để các ngành, các cấp, các địa phương cùng phấn đấu thực hiện như ban hành Quyết định 731 về Kế hoạch giải tỏa đền bù năm 2019; Quyết định 852 về Kế hoạch triển khai các dự án và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019.
“Để đạt được kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2020 là một thách thức lớn, nhưng với sự quyết liệt của các cấp lãnh đạo cùng với sự quyết tâm phấn đấu của các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, Ban quản lý…, chúng tôi tin là sẽ thực hiện được!” – Ông Trần Phước Sơn nói.
Theo ông, trong năm 2019, nhiều công trình trọng điểm, động lực, công trình có quy mô lớn, trên địa bàn Đà Nẵng chủ yếu làm công tác hoàn thiện hồ sơ; gần cuối năm 2019 và đầu năm 2020 mới đồng loạt khởi công. Số vốn bố trí năm 2020 cho các công trình này là gần 5.100 tỷ, chiếm 40% tổng vốn đầu tư (chưa kể dự nguồn 1.300 tỷ).
Cùng với đó, số vốn bố trí cho các công trình để thanh quyết toán gần 1.100 tỷ, số vốn bố trí cho các quận, huyện gần 1.900 tỷ (chủ yếu cho các công trình nhỏ), hai khoản này gần 3.000 tỷ, chiếm 23% tổng vốn đầu tư. Theo dõi của Sở KH&ĐT qua các năm cho thấy các khoản này có tỷ lệ giải ngân cao.
Ông Trần Phước Sơn cũng cho biết, ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công đã đề ra trong năm 2019, năm 2020 Đà Nẵng sẽ rà soát, phân tích, đánh giá kỹ các khâu, các thủ tục nào còn chậm, còn vướng mắc trong thời gian qua để có biện pháp tháo gỡ cụ thể, nhất là công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thực hiện dự án và làm chậm giải ngân.
“Qua đây, chúng tôi cũng mong các vị đại biểu HĐND cùng theo dõi, đồng hành với các cấp chính quyền trong công tác vận động nhân dân sớm bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Sở KH&ĐT cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị trong công tác thẩm định hồ sơ, tham mưu điều chỉnh bổ sung kế hoạch vốn giữa các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện” – Ông Trần Phước Sơn nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị các cơ quan thẩm định chuyên ngành (Xây dựng, GTVT, TN&MT…) tiếp tục tạo điều kiện trong công tác thẩm định các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị; các quận, huyện quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng; các chủ đầu tư, quản lý dự án chủ động và chịu trách nhiệm với lãnh đạo TP trong việc tổ chức, triển khai và thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, ông Trần Phước Sơn nêu: “Chúng tôi cũng đề nghị HĐND TP tổ chức các kỳ họp sớm thông qua chủ trương đầu tư các dự án để các chủ đầu tư triển khai các thủ tục tiếp theo, sớm khởi công các công trình, thúc đẩy giải ngân đầu tư công tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển!”.