Đà Nẵng: Thu hút người giỏi vẫn nặng về bằng cấp, xem nhẹ thực tiễn

0
1378

Đó là xác nhận của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về kết quả triển khai chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2019 (dự kiến diễn ra từ ngày 10 -12/12) xem xét, đánh giá

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, việc thu hút nhân lực chất lượng cao được Đà Nẵng triển khai từ năm 1998 bằng chính sách đãi ngộ ban đầu đối với những người tự nguyện đến làm việc lâu dài tại TP. Qua quá trình thực hiện, tùy theo tình hình cụ thể, chính sách thu hút được bổ sung, hoàn thiện qua từng giai đoạn nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho sự phát triển của TP.

Việc triển khai chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP Đà Nẵng còn nặng về đào tạo trí thức và thu hút bằng cấp mà chưa đầu tư và quan tâm đào tạo kỹ năng làm việc thực tiễn (Ảnh: HC)

Sau 16 năm thực hiện chủ trương, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao (1998 – 2014), Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên; gồm 495 nam (chiếm 39%) và 774 nữ (chiếm 61%). Trong đó tiến sĩ 25 người (chiếm 1,97%), thạc sĩ 283 người (22,3%), đại học 961 người (75,73%), có 102 người tốt nghiệp ở nước ngoài.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, đến cuối tháng 9/2019, TP Đà Nẵng đã cử 613 người (649 lượt) tham gia Đề án (gồm 251 nam, 362 nữ). Trong đó có 338 học viên (HV) bậc đại học (121 người học trong nước, 217 người học tại nước ngoài), 120 HV bậc sau đại học (98 thạc sĩ, 22 tiến sĩ), 155 HV theo kế hoạch tuyển chọn, đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú (119 bác sĩ, 36 bác sĩ nội trú).

Cơ cấu nhóm ngành nghề mà Đà Nẵng thưc hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gồm Sư phạm 6,03%; Luật 3,58%; Xây dựng – Quản lý đô thị 7,66%: Du lịch 4,24%; Kinh tế 14,19%; Quản lý hành chính 14,23%; Kỹ thuật – Công nghệ 18,92%; Y tế 31,15%.

Hiện có 424 HV (gồm 92 HV học chương trình bác sĩ, 28 HV học bác sĩ nội trú, 207 HV bậc đại học, 83 HV bậc thạc sĩ, 14 HV bậc tiến sĩ) đã tốt nghiệp tạo các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài (63% đạt loại giỏi và xuất sắc, gần 33% đạt loại khá, số còn lại hoàn thành chương trình tiến sĩ).

Trong số các HV này có 71 người được bố trí trong các cơ quan hành chính (tại các sở, ban, ngành 66 người, chiếm 93%; tại quận, huyện 05 người, chếm 7%); 283 người được bố trí trong các đơn vị sự nghiệp; 36 người được bố trí tại các cơ quan khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể, các trường thuộc Đại học Đà Nẵng, TAND TP, Vườn ươm doanh nghiệp.

Tuy nhiên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo TP về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thống nhất giữa thu hút và đào tạo. Việc giao các cơ quan khác nhau phụ trách triển khai từng hoạt động (thu hút, đào tạo) đã dẫn đến nhiều bất cập, chồng chéo trong chỉ tiêu ngành nghề thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu rõ: “Công tác dự báo, điều tra khảo sát để xây dựng chỉ tiêu ngành nghề thu hút và đào tạo còn nhiều hạn chế, việc xác định nhu cầu nhân sự dựa trên cảm tính, thiếu cơ sở khoa học dẫn tới đào tạo và thu hút còn dàn trải, cơ cấu ngành nghề chưa phù hợp, số lượng vượt chỉ tiêu biên chế được giao.

Nặng về đào tạo trí thức và thu hút bằng cấp mà chưa đầu tư và quan tâm đào tạo kỹ năng làm việc thực tiễn. Một số ngành nghề thu hút chỉ quan tâm đến giải quyết nhân lực cụ thể cho đơn vị, chưa thu hút được người có chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành!”.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng chưa tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao trong các cơ quan, đơn vị; một số đơn vị thụ động, miễn cưỡng trong việc tiếp nhận, chưa tạo môi trường thuận lợi để phát huy hiệu quả nhân lực đào tạo và thu hút khiến họ thiếu an tâm công tác.

Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ, giữ chân các đối tượng thu hút và đào tạo còn nhiều vướng mắc, thiếu cơ sở pháp lý; thực hiện chế độ, chính sách (hỗ trợ một lần, hỗ trợ hàng tháng…) thiếu đồng bộ, chưa dựa trên năng lực và cống hiến. Việc xem xét cho thuê nhà ở còn nhiều bất cập. Mức lương thấp, Đà Nẵng lại dừng hỗ trợ hàng tháng khiến điều kiện sống khó khăn nên đối tượng thu hút và đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa yên tâm công tác, cống hiến cho TP.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng nêu rõ, có tình trạng các đối tượng đào tạo và thu hút không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng Đề án, kết quả học tập không đạt yêu cầu, cá biệt có trường hợp vi phạm pháp luật nước sở tại. Nhiều người có tư tưởng làm việc chờ đến hết hợp đồng để tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn, hoặc chấp nhận bồi hoàn chi phí đào tạo từ gấp 05 lần xuống mức bồi hoàn 100% kinh phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Lịch kiểm tra học kỳ I lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 – 2020

Đà Nẵng: Hàng xóm cùng trộm cắp điện, bị phạt và truy thu hơn trăm triệu đồng

Học Boracay, Đà Nẵng làm du lịch cộng đồng ở bãi biển Mân Thái–Thọ Quang

HẢI CHÂU
Từ khóa: Đà Nẵng nhân lực chất lượng cao Huỳnh Đức Thơ Chủ tịch UBND TP trí thức bằng cấp