TP.HCM vẫn đứng trước thực trạng thiếu trường lớp, giáo viên. |
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TP.HCM, năm học mới 2019-2020, thành phố tăng khoảng 75.434 học sinh. Trong đó, bậc mầm non tăng 7.293, bậc Tiểu học tăng 21.711, bậc THCS tăng 26.435 và bậc THPT tăng 19.995 học sinh.
Số học sinh tăng nhiều ở bậc Tiểu học và THCS, đồng thời tập trung tại một số quận, huyện như: Quận 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức; huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Để chuẩn bị cho năm học học mới, ngành giáo dục dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 1.239 phòng, xây thay thế là 237 phòng, tập trung ở quận 7, 9, Thủ Đức, Bình Tân…
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, năm học 2019-2020 vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống tại thành phố có đủ chỗ học. Tuy nhiên, việc giảm sĩ số học sinh/lớp học và đảm bảo học sinh học hai buổi/ngày còn gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi), TP.HCM có kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học với tổng kinh phí gần 70.000 tỷ đồng. Tính đến tháng 6 năm 2019, TP.HCM đã đạt 278 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Liễu, Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp, quận hiện cũng gặp áp lực lớn về trường lớp vì có số học sinh tăng.
“Qua giám sát tình hình thực tế ở địa phương, để đảm bảo nhu cầu học của học sinh trên địa bàn, quận cần phải xây dựng thêm hai trường tiểu học mới ở phường 9, phường 12 vì hai phường này chưa có trường tiểu học. Tương tự, phường 1, 9, 7 và 5 cũng cần phải xây dựng thêm trường THCS”, bà Liễu đề xuất.
Bà Bùi Thị Diễm Thu cho biết, hiện nay quỹ đất tại TP.HCM không còn nhiều nên để tăng số phòng học trong những năm học tới, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường lớp và rà soát lại quỹ đất để đầu tư xây mới, sửa chữa những phòng học cũ, đồng thời kêu gọi xã hội hóa.
Cùng với khó khăn trường lớp là sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên. Với chủ trương bỏ yêu cầu hộ khẩu tại thành phố đã giúp TP.HCM đa dạng nguồn tuyển giáo viên. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác tuyển dụng vẫn tồn tại nghịch lý “vừa thừa vừa thiếu” nguồn tuyển giáo viên giữa các bậc học, môn học.
Cụ thể, trong khi các ứng viên dự thi vào các vị trí giáo viên bậc THPT và một số môn như Toán, Vật lý, Hóa học… phải cạnh tranh gay gắt thì bậc Mầm non, Tiểu học vẫn “đỏ mắt” tìm giáo viên, nhất là ở một số môn như Âm nhạc, Mỹ thuật.
Đây là năm học thứ hai ngành giáo dục TP.HCM thực hiện chủ trương tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu tại thành phố, qua đó ngành có thêm điều kiện tuyển được giáo viên chất lượng từ nhiều địa phương trong cả nước.
Từ đầu tháng 7/2019, kỳ tuyển giáo viên vào bậc THPT năm học 2019-2020 diễn ra khá căng thẳng khi có khoảng 1.700 ứng viên đến từ nhiều địa phương dự tuyển 443 giáo viên ở 19 môn và 88 viên chức ngành giáo dục.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ “chọi” vào các vị trí giáo viên khá cao, nhất là một số như môn Toán học (303 ứng viên/54 chỉ tiêu), môn Hóa học (205 ứng viên/27chỉ tiêu), môn Vật lý (176 ứng viên/18 chỉ tiêu), Ngữ văn (121 ứng viên/61 chỉ tiêu)…
Trái ngược với tình trạng cạnh tranh gay gắt như bậc THPT, việc tuyển dụng giáo viên các bậc Mầm non đến THCS được các quận, huyện thực hiện nhiều lần trong năm nhưng vẫn không đủ số lượng.
Thực trạng này gây khó cho các địa phương trong việc đảm bảo chất lượng giảng dạy, nhất là để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ giáo viên/lớp (1,5 giáo viên/lớp) đối với bậc Tiểu học khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học sau.
Với số lượng học sinh tăng cao mỗi năm, quận Bình Tân có nhu cầu tuyển nhiều giáo viên. Năm học vừa qua, quận có chỉ tiêu tuyển 299 giáo viên cho cả 3 bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS nhưng kết quả chỉ tuyển được 230 giáo viên dù đã tuyển dụng nhiều lần trong năm. Số giáo viên còn thiếu chủ yếu ở các môn Kỹ thuật, Mỹ thuật, Âm nhạc và Công nghệ.
Ông Ngô Văn Tuyên – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, năm học 2019-2020, quận tiếp tục có nhu cầu tuyển hơn 400 giáo viên các bậc học và giáo viên chuyên biệt, đến tháng 11/2019 công tác tuyển dụng mới được hoàn tất.
Khó khăn của quận Bình Tân cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương, nhất là các quận có số học sinh tăng cơ học cao như Quận 12, Tân Bình, Quận 9, Thủ Đức… Giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên được một số địa phương thực hiện trong thời gian qua là mời giáo viên thỉnh giảng ở các đơn vị khác đến làm giáo viên hợp đồng thời vụ.