Nữ cán bộ Công an gây náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến dư luận “dậy sóng” trong những ngày vừa qua. |
Thời gian gần đây liên tục xuất hiện những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng khiến dư luận rất bức xúc. Mới đây nhất là hình ảnh một Đại úy Công an gây mất trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất với những lời lẽ thóa mạ, lăng nhục nhân viên hàng không.
Đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy, vị cán bộ Công an này đã sử dụng những lời nói thiếu văn hóa, chửi bới thô tục với nhân viên hàng không và có những hành động gây náo loạn ở sân bay chỉ vì liên quan đến việc ký gửi hành lý.
Có thể sự việc đưa lên chưa phản ánh hết được bản chất vấn đề, tuy nhiên dư luận cho rằng, kể cả vị cán bộ Công an trên thật sự bị kích động từ phía đối phương như lời vị này chia sẻ trên dư luận sau khi sự việc lan truyền ầm ĩ thì cách hành xử như vậy đối với 1 người làm trong ngành Công an là không thể chấp nhận được.
Nói như TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, rằng dù biện minh như thế nào thì hành vi trên của vị cán bộ Công an này là không thể chấp nhận được.
Bởi theo TS Hồng, với công việc chuyên môn mà nữ Đại úy đang làm thì ngay cả khi thi hành công vụ hay không thi hành công vụ, cách ứng xử như thế gây ra nhiều bất bình cho mọi người trong xã hội, đặc biệt hành vi thóa mạ nhân viên sân bay, vu khống an ninh nhân viên sân bay, nói thô tục trước mặt một đứa trẻ.
“Mày biết tao là ai không?”
Vị hành khách ở khoang Thương gia sau khi sàm sỡ khách ngồi bên cạnh mình bị tiếp viên hàng không lập biên bản yêu cầu xuống máy bay thì ngay lập tức lên giọng thách thức: “Mày biết tao là ai không?” |
Đây là câu hỏi được nhiều người tìm kiếm trên mạng internet trong thời gian qua liên quan đến 1 vị khách tên Vũ Anh Cường (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành) khi vị khách sàm sỡ hành khách ngồi cạnh trên khoang Thương gia chuyến bay của Vietnam Airlines.
Sau khi sàm sỡ cô hành khách ngồi cạnh nên bị tiếp viên và phi công yêu cầu xuống máy bay. Tuy nhiên, ngay sau đó vị doanh nhân này đã lớn tiếng đe dọa tiếp viên hàng không rằng: “Mày biết tao là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?” khiến dư luận bất bình phản ứng.
Công an xã đá… bay đồ của dân
Hình ảnh vị công an xã dùng chân đá bay đồ của dân được ghi lại trong clip |
Vào hồi tháng 10/2017 tại Đắk Lắk, trên mạng xã hội facebook đăng tải clip ghi lại hình ảnh 1 công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana trong quá trình kiểm tra, dẹp lấn chiếm lề đường tại chợ Điện Bàn đã nhiều lần lớn tiếng và dùng chân đá bay cá, đồ đạc của người dân. Hành động này của vị công an xã khiến dư luận phẫn nộ.
Mặc dù sau đó vị trưởng công an xã này phân bua lý do vì trước đó có người thách thức, đòi đổ cá lên đầu mình và rằng làm việc vì mục đích chung, không phải cho riêng ai. Tuy nhiên, là 1 trưởng công an xã, nếu dân có vi phạm cũng không thể tùy tiện tự cho mình có quyền hành động và cách ứng xử như thế này được. Hành động quá mức này khó mà chấp nhận được.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã xưng “mày, tao” với người dân
Vị trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã ở Đắk Nông xưng “mày, tao” với người dân khi đi kiểm tra đất đai |
Và mới đây nhất là vào tháng 3/2019, một sự việc tương tự cũng đã xảy ra tại tỉnh Đắk Nông khi 1 nữ trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Gia Nghĩa cũng tự cho mình cái quyền “bề trên” khi luôn xưng “mày, tao” và có lời lẽ mạt sát người dân khi đi kiểm tra đất đai khiến dư luận hết sức phẫn nộ.
Lời lẽ của vị trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường của thị xã Gia Nghĩa được dư luận đánh giá là những phát ngôn không chuẩn mực trong giao tiếp văn hóa công vụ khi thực hiện nhiệm vụ công.
Và hiện tượng “không biết mình là ai”!
Việc 1 nữ trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường của 1 thị xã xưng “mày, tao” với người dân, hay vị trưởng Công an xã dùng chân đá bay đồ của người dân khi đi dẹp lòng đường, hoặc vụ nữ cán bộ Công an gây náo loạn ở sân bay… là những sự việc liên tiếp xảy trong thời gian qua là những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng khiến dư luận phẫn nộ và bức xúc.
Theo các nhà văn hóa, hiện tượng “không biết mình là ai” này thể hiện sự xuống cấp về văn hóa ứng xử và căn bệnh này đang ngày càng len lỏi trong xã hội hiện đại.
Không chỉ có những hành xử, lời lẽ thiếu văn hóa. Đáng buồn trong xã hội đang hình thành thói quen lạm dụng vị trí, quan hệ của mình để chèn ép, đe dọa người yếu thế, thậm chí đứng trên cả pháp luật trong một bộ phận không nhỏ người có tiền, có quyền, trong đó có cả công chức, viên chức.