Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An xung quanh đề xuất “chủ tịch tỉnh đi xe máy, bộ trưởng đi xe buýt, giám đốc sở ngành đi xe đạp” gây xôn xao dư luận. Bà An khẳng định đề xuất này hoàn toàn có “căn cứ”.
Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đi xe máy đi làm để tiện quan sát xung quanh. Ảnh: Báo Dân Trí. |
Trước đó, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15/6, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng, để tiết kiệm ngân sách, giảm ách tắc giao thông, đặc biệt để thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành thì nên thực hiện theo mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy; giám đốc sở, ngành đi xe đạp; bộ trưởng đi xe buýt.
Sau đề xuất trên, đại biểu Hậu Giang gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: “Có nên thực hiện theo mô hình này? Nếu thực hiện có giảm ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể |
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã “rất hoan nghênh sáng kiến của đại biểu Thủy”. Ông cho biết đây “là một trong những đề xuất để Bộ GTVT nghiên cứu”.
Theo đó, người đứng đầu ngành GTVT cũng kiến nghị, “nếu đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi chọn Hậu Giang là nơi thí điểm. Sau khi thí điểm chủ tịch đi xe máy, cán bộ đi xe đạp, các đồng chí cán bộ Trung ương đến địa bàn Hậu Giang được dùng xe buýt đưa đón mà thấy mô hình Hậu Giang tốt thì chúng ta sẽ nghiên cứu nhân rộng ra chứ chúng ta không thể áp dụng đại trà” – ông Thể nói.
Trao đổi với PV Infonet về đề xuất này, ĐBQH khóa XIII, Bùi Thị An cho rằng, lãnh đạo có chế độ xe đưa đón đã được quy định tùy theo từng vị trí, việc sử dụng hay không tùy theo mỗi cá nhân làm thế nào cho phù hợp với cuộc sống và công việc.
ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An |
“Thực tế, nhiều cán bộ cấp cao có tiêu chuẩn xe đón đưa nhưng vẫn sử dụng phương tiện bình thường ô tô cũ, xe đạp, xe máy như người dân, tiết kiệm được tiền cho cơ quan, cho ngân sách cũng đã có. Hành động này được dân nể trọng yêu quý, họ thấy cán bộ cấp cao rất gần, họ cảm nhận được chia sẻ…
Ví dụ như ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư tỉnh Nghệ An dù có chế độ xe riêng nhưng ông vẫn đi xe đạp, vẫn sắn quần móng lợn lội ruộng, ăn cá khô kho, ở trong nhà công vụ…
Sự yêu mến, kính trọng của nhân dân đối với cán bộ nói chung không phụ thuộc vào phương tiện cán bộ đi, phương tiện cán bộ sử dụng mà chính là việc cán bộ lãnh đạo làm được gì cho dân, cho nước. Đôi khi sự giản dị, lựa chọn phương tiện đơn giản nhất gần gũi với dân nhất, rẻ tiền cho dân nhất thì tăng sự quý trọng ở người dân đối với cán bộ gấp bội lần”, bà An nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo bà An việc đi xe đạp, sử dụng phương tiện công cộng sẽ giúp lãnh đạo gần dần và hiểu cuộc sống của dân hơn. Trong khi đó, có một số ý kiến cho rằng đi ô tô nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, bà An khẳng định “điều này không sai nếu đó là những địa bàn phức tạp”.
“Tuy nhiên nếu là những cán bộ công bộc của dân, thực sự gắn bó với dân thì dân sẽ bảo vệ các lãnh đạo ấy”, bà An khẳng định.
Nhưng trong thời đại 4.0 khi thời gian “quý hơn vàng” thì việc sử dụng các phương tiện công cộng, và xe đạp có làm ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ hay không? Bà An cho rằng “ở các nước đa số lãnh đạo đi phương tiện công cộng như người bình thường”.
“Đúng thời gian là vàng, nhưng nếu lãnh đạo đi ô tô mà tắc đường thì vẫn bị chậm, chẳng nhẽ lại vi phạm luật để vượt lên?” bà An nói.
Do đó, theo bà An, đề xuất của đại biểu Thanh Thủy là “hoàn toàn có lý”. Bởi theo bà An, cán bộ dù có tiêu chuẩn xe riêng nhưng nếu như chọn phương tiện bớt tốn cho dân thì đáng trân trọng.