Từ tháng 5/2018, Liên minh châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition – AFA) đã có thư gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kêu gọi cấm sử dụng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc.
Xoay quanh khuyến khị này, trao đổi với phóng viên Dân trí, NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có lộ trình chuyển từ động vật hoang dã sang vật nuôi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này gặp không ít khó khăn và những ý kiến trái chiều.
Theo anh, việc Liên minh châu Á vì động vật (AfA) kêu gọi cấm sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, đã tác động đến tâm lý khán giả như thế nào?
Thực ra, khi chúng ta dừng không sử dụng động vật hoang dã trên sân khấu xiếc thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là khán giả. Bởi hình ảnh xiếc thú xuất hiện trên sân khấu xiếc đã gắn liền với ký ức của những khán giả đã đồng hành với nghệ thuật xiếc Việt Nam.
Khi biết xiếc thú sẽ không có động vật hoang dã, có không ít khán giả phản ứng. Có người nói, muốn vào xem con voi biểu diễn giờ vào rạp xiếc không có thì cảm giác hụt hẫng. Với trẻ em, những con thú ấy gắn liền với tuổi thơ. Nhiều em nhỏ rất muốn xem con gấu, khỉ, voi… với sự tài nghệ của con người trong việc thuần hóa thú dữ.
Quan điểm của anh về khuyến nghị của AfA?
Tôi đã biết đến việc các tổ chức bảo vệ động vật có phong trào, chiến dịch lớn để can thiệp vào việc không sử dụng động vật hoang dã, thú dữ trong biểu diễn xiếc từ rất lâu rồi. Cho đến giờ, hai luồng ý kiến phản đối và đồng tình vẫn cứ song hành và tồn tại.
Gần đây nhất tại festival lớn của Trung Quốc vẫn diễn những tiết mục xiếc thú lớn voi, hổ và đạt HCV. Trên thế giới, nhiều nơi vẫn có các hoạt động xiếc thú hoang dã. Bên cạnh đó có những ý kiến trái chiều, phản đối việc sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc.
Tôi thì nghĩ rằng, với xu thế hội nhập thì những quy ước của quốc tế thì mình tôn trọng. Với ngành xiếc Việt Nam, có lịch sử 63 năm rồi, từ thời cố NSND Tạ Duy Hiền, ông tổ của ngành xiếc về điểu khiển và dạy xiếc thú đã có truyền thống về xiếc thú. Không riêng gì ở Việt Nam, trên thế giới cũng biết đến xiếc thú của mình.
Tôi còn nhớ đàn khỉ của ngành xiếc Việt Nam đi diễn ở Mông Cổ còn đổi được đàn ngựa Mông Cổ. Hay, bên Đức còn huấn luyện, chuyển giao cho Liên đoàn xiếc Việt Nam 4 con sư tử…
Theo tôi, việc chuyển đổi cần dần dần theo lộ trình và được sự hưởng ứng, quan tâm của các thành phần trong xã hội. Rất cần sự đồng hành của khán giả trong việc chuyển đổi này. Chứ khán giả mà cứ nằng nặc đòi xem xiếc thú hoang dã, cho rằng không có xiếc thú dữ thì không phải là xiếc, mất đi tính hấp dẫn, làm tổn thương thế hệ em nhỏ thì cũng khó.
Hiện nay, người ta chỉ nghĩ đến sự tự do, sống trong môi trường tự nhiên của thú hoang dã. Nhưng, theo suy nghĩ riêng của tôi, khi đưa con thú vào sân khấu xiếc, gắn thiên nhiên và con người hòa quyện với nhau thì đó cũng là tính nhân văn. Con người có thể thuần hóa muông thú và muông thú có thể làm bạn với con người. Con thú phục vụ con người, ngược lại con người chăm sóc, yêu thương con thú…
Anh có thể chia sẻ kỹ hơn về lộ trình chuyển từ động vật hoang dã sang vật nuôi và phản ứng của khán giả ra sao khi nhìn vật nuôi biểu diễn trên sân khấu?
Từ cách đây 2 năm, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã có lộ trình chuyển đổi, tạo ra góc nhìn khác hơn cho khán giả về môn xiếc thú. Chúng tôi đã thuần hóa, dạy cả lợn, mèo sắp tới có cả trâu, vẹt. Khi thấy những vật nuôi ra sân khấu, khán giả rất bất ngờ. Họ không nghĩ những con vật chỉ là nguồn thực phẩm có thể lên sân khấu biểu diễn. Những con vật bị mặc định là không thông minh như lợn chẳng hạn, được tập luyện, dạy dỗ và có những phản xạ có điều kiện. Chúng tôi sẽ để khán giả từ từ cảm nhận và thay đổi dần dần.
Trong lộ trình này, Liên đoàn xiếc gặp phải những khó khăn như thế nào?
Trong quá trình chuyển đổi dần từ thú hoang dã sang vật nuôi, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, bất cập. Thứ nhất là phải chuẩn bị số lượng vật nuôi, tuyển chọn vật nuôi, về trang thiết bị và xây dựng đề án tiết mục cụ thể để tập luyện. Có nhiều loại thú nuôi mới, chưa bao giờ diễn thì chúng tôi phải nghiên cứu, tìm tòi tập tính của chúng để tạo ra những tiết mục hay, hấp dẫn.
Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo sức khoẻ của số động vật hoang dã để tiếp tục biểu diễn khi chúng tôi không đầu tư nữa.
Việc huấn luyện vật nuôi có đơn giản hơn so với việc huấn luyện động vật hoang dã?
Việc huấn luyện vật nuôi không ẩn chứa nguy hiểm như khi huấn luyện động vật hoang dã. Tuy nhiên, huấn luyện vật nuôi đòi hỏi người nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian để hiểu, tận dụng bản năng sẵn có của vật nuôi để tạo tình huống hấp dẫn trên sân khấu.
Để huấn luyện các loài thú thì yếu tố quan trọng nhất là tình cảm gần gũi giữa con người và con vật. Hiện nay, Liên đoàn xiếc cũng đã học hỏi cách tiếp cận, thuần hoá khoa học; có sự nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm từ các đoàn xiếc lớn trên thế giới. Các nghệ sĩ cũng nắm bắt được nhiều kĩ năng mới để người và thú có thể trở thành bạn diễn…
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Nguyễn Hằng