Bài toán khó cho tuyển sinh sư phạm tại các trường cao đẳng

0
1404

Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Thái Bình vừa thông báo tuyển sinh bổ sung đợt 1 năm 2019 gần 200 chỉ tiêu với tất cả các ngành đào tạo giáo viên ở trình độ cao đẳng. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia là 16 điểm và điểm học bạ lớp 12 từ 16 đến 20,25 điểm.

Nhiều trường cao đẳng tuyển sinh ngành sư phạm bằng điểm sàn. (Ảnh minh họa)

Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thông báo tuyển bổ sung 65 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non và 47 chỉ tiêu ngành Giáo dục tiểu học. Ở bậc trung cấp SP mầm non, trường tuyển thêm 23 chỉ tiêu. Điểm chuẩn 2 ngành CĐSP đợt 1 là 16 – bằng mức sàn theo quy định của Bộ GDĐT; hệ trung cấp là 19,5 (tổng điểm trung bình môn Văn, Toán lớp 12 và điểm thi năng khiếu, cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng).

Số lượng tuyển bổ sung chiếm phần lớn tổng chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh. Trong đợt 1, trường phải “đóng cửa” 3 ngành là SP Toán học, SP Ngữ văn và SP Tiếng Anh do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk có 200/315 chỉ tiêu ở 9 ngành SP phải tuyển đợt 2 với điểm xét tuyển bằng điểm chuẩn đợt 1 (bằng điểm sàn của Bộ GDĐT). Trong đợt 1, dù điểm chuẩn chỉ 16 điểm ở tất cả các ngành nhưng nhiều ngành chỉ có vài thí sinh đăng ký như: SP Toán có 1 thí sinh, SP Vật lý 3, SP Ngữ văn 3, SP Địa lý 2, SP tiếng Anh 3. Trong năm 2018, trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu được giao.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (Lâm Đồng) có tổng chỉ tiêu là 240 cho 10 ngành SP và có 178 thí sinh trúng tuyển đợt 1. Thế nhưng có đến 5 ngành “trắng” thí sinh, gồm: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Giáo dục thể chất. Trường tiếp tục hy vọng vào đợt xét tuyển thứ 2 dành cho 5 ngành này.

Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị năm học 2019-2020 này, đợt 1 nhà trường chỉ tuyển được 34 sinh viên. Trong đó, 30 sinh viên học ngành sư phạm mầm non, 4 sinh viên còn lại chia cho 4 ngành gồm sư phạm âm nhạc, tiếng Anh, giáo dục công dân, giáo dục tiểu học. Các ngành còn lại như sư phạm tin học, mỹ thuật, lịch sử, vật lý, sinh học, kế toán, quản trị văn phòng … đều không tuyển được sinh viên. Nhà trường cũng đang tuyển sinh bổ sung nhưng tình hình cũng không “khá khẩm” hơn.

Liển quan đến vấn đề tuyển sinh sư phạm nhất là ở các trường cao đẳng, TS. Nguyễn Thu Hằng – Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho hay: “Tuyển sinh sư phạm tại các trường cao đẳng là một “bài toán” khó hiện nay.

Trước tình hình chung, ngành sư phạm đang thừa giáo viên “cục bộ”. Vấn đề lương và các chính sách cho giáo viên cũng chưa thực sự hấp dẫn để thu hút được sinh viên giỏi “đầu quân” cho sư phạm thì việc tuyển sinh khó cũng là điều dễ hiểu.

Câu chuyện tuyển sinh ngành sư phạm đã khó khăn nhiều năm nay, điển hình là nhiều trường phải nâng điểm chuẩn lên “cao vút” để đánh trượt thí sinh vì quá ít thí sinh đăng ký không đủ điều kiện để mở lớp.

Trước tình hình này, các trường phải thực sự nâng cao chất lượng đào tạo để tạo uy tín cho mình hoặc nếu không buộc phải sáp nhập hoặc bị xóa sổ vì không đáp ứng yêu cầu của xã hội”.

Ông Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ, ngay cả những người ở trong cuộc cũng đang rất băn khoăn trong việc xác định phương hướng cho các trường cao đẳng sư phạm. Một số người thiếu lạc quan cho là khó xác định lối ra; một số khác lại cho rằng trường cao đẳng sư phạm đang đứng giữa “ngã ba đường”, hoặc phát triển thành trường đại học đa ngành, trong đó có các khoa đào tạo giáo viên, hoặc thành phân hiệu, vệ tinh của trường đại học sư phạm, hoặc thậm chí giải tán, xóa sổ.

Theo ông Hạnh, cơ chế quản lý trường cao đẳng sư phạm còn nhiều bất cập theo kiểu coi trường sư phạm là trường “phổ thông cấp 4”.

Ông Hạnh phân tích: Trường cao đẳng sư phạm thuộc giáo dục nghề nghiệp nhưng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý (thường ghép với quản lý giáo dục đại học), lại là đơn vị trực thuộc sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, các chỉ số liên quan thay đổi theo hướng bất lợi cho các trường cao đẳng như hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị thế của nhà trường, của các tổ chức đoàn thể; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, biên chế và tài chính. Một số ràng buộc bởi các quy định của cấp tỉnh về quản lý tổ chức, bộ máy, quản lý viên chức. Cùng với đó, quy mô đào tạo của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng giảm do cắt giảm nhu cầu, chỉ tiêu, nguồn tuyển ít, khó tuyển sinh, cộng thêm thiếu sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp khiến cho tình hình các trường sư phạm ngày càng khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Yêu cầu 45 trường ĐH dừng tuyển sinh cao đẳng: Chỉ đạo thiếu chuyên nghiệp!

Yêu cầu 45 trường ĐH dừng tuyển sinh cao đẳng

Hoàng Thanh
Từ khóa: xét tuyển cao đẳng cao đẳng sư phạm