Trường tư vay tiền trả lương cho giáo viên

0
3437

Chiều 17/3, lên thăm Trung tâm trải nghiệm sáng tạo của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Vĩnh Phúc, thầy Hòa nhận thông tin từ Phòng Tài vụ đã có tiền trả đủ lương tháng 3 cho 380 cán bộ, nhân viên, giáo viên toàn trường. Trước đó dù học sinh nghỉ hết tháng 2, không có nguồn thu học phí, trường vẫn trả đủ 100% tiền lương cho thầy cô, không một ai bị cắt giảm hay bị cho thôi việc.

Để có thể xoay đủ tiền chi trả lương, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vay tiền ngân hàng. Một số giáo viên thấy nhà trường khó khăn đã vận động gia đình cho nhà trường vay. “Có cô giáo xin chỉ nhận nửa tháng lương, nhưng tôi bảo cô nhận đủ, trước mắt là trong tháng 2 và 3. Trường hợp phải nghỉ học kéo dài, nhà trường sẽ tính toán tiếp”, thầy Hòa nói.

Biết tin thầy Hòa không cắt giảm lương của giáo viên, nhiều phụ huynh từ tiểu học đến THPT đề nghị đóng học phí trước. Có phụ huynh chủ động đóng hai tháng, có người đóng hết học kỳ 2 để chia sẻ khó khăn và đồng hành với nhà trường. Nhiều người đề xuất thầy kêu gọi cha mẹ học sinh đóng học phí trước hoặc cho vay tiền để trả lương kịp thời cho giáo viên.

Từ đề xuất trên, chiều 15/3, thầy Hòa viết thư ngỏ gửi tới cha mẹ học sinh: “Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng tiếp nhận học phí mà các cô bác có tấm lòng và điều kiện đóng trước cho con, cũng như số tiền mà các cô bác có thể cho trường vay ngắn hạn để trả lương kịp thời cho giáo viên, nhân viên”. Sau một ngày bức thư được đăng tải trên website, tài khoản của nhà trường đã nhận được hơn 800 triệu tiền đóng học phí trước và cho vay của phụ huynh.

Thầy Hòa cho rằng một trường học được xây dựng bài bản phải có gốc rễ, phải vì sự phát triển lâu dài và khi khó khăn phải cùng nhau chia sẻ. Đội ngũ giáo viên của trường 90% là phục vụ lâu dài. “Tôi không thể vì khó khăn mà cắt giảm giáo viên bởi việc đào tạo nên những thầy cô mang trong mình văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm còn khó khăn hơn nhiều. Tôi sẽ cố gắng để không một ai bị cắt giảm lương, để giáo viên, nhân viên ổn định tinh thần, tiếp tục phấn đấu”, thầy Hòa nói và khẳng định dù không có nguồn thu, trường cũng không thu tiền học online từ học sinh vì đây chỉ là hoạt động bổ trợ.

Giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy giảng bài online, phát trên fanpage và kênh Youtube của trường. Ảnh chụp màn hình.

Giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy giảng bài online, phát trên fanpage và kênh Youtube của trường. Ảnh chụp màn hình.

Tại trường Marie Curie, hơn 450 giáo viên, cán bộ nhân viên nhận lương tháng 3 hôm 17/3. Cách đây tròn một tháng, họ nhận đủ số lương tháng 2, “kể cả người dạy online hay chỉ ở nhà trông con”. Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cho biết “để làm được thì phải có lực và có tâm. Không có một trong hai thứ thì không thực hiện được”.

Trường Marie Curie đã thành lập được gần 30 năm, cơ sở vật chất ổn định, không phải thuê địa điểm. Dựa vào nguồn lực tích trữ, thầy Khang vẫn có thể phát 100% lương trong hai tháng. Nếu tình hình dịch kéo dài, giáo viên có thể nhận mức lương giảm một chút, nhưng thầy Khang không để ai phải nghỉ không lương. “Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt. Tôi hy vọng học sinh có thể quay trở lại trường vào đầu tháng 4”, thầy nói.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2018-2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có gần 10.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập, bao gồm nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ độc lập, tiểu học, THCS và THPT, trong đó số nhóm trẻ độc lập lên tới hơn 6.400. Số giáo viên ở cơ sở giáo dục ngoài công lập hơn 87.400, số nhân viên là hơn 35.400, cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) hơn 8.600.

Học sinh nghỉ học phòng Covid-19, các trường ngoài công lập không được thu học phí và gần như không có nguồn thu khác. Nhiều trường thông báo cắt giảm 50% lương giáo viên, mong thầy cô thông cảm và đồng hành. Nhiều nhóm trẻ độc lập, trường mầm non, mẫu giáo tư thục phải cắt hoàn toàn lương, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên do không có tiền chi trả.

Đầu tháng 3, khi dịch lắng xuống, lãnh đạo 150 trường tư thục từ mầm non đến THPT đã gửi bản kiến nghị lên Thủ tướng, trình bày “đã kiệt sức về tài chính, năng lực và cả ý chí” do trường không có doanh thu. Các trường đề nghị được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.

Một năm học kéo dài 35-37 tuần, chia làm hai học kỳ. Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết, sau đó nghỉ phòng Covid-19. Một tháng rưỡi qua, các địa phương 5-6 lần điều chỉnh lịch nghỉ học. Hầu hết cho học sinh từ tiểu học đến THPT nghỉ hết tháng 3 và có thể phải thông báo nghỉ tiếp do Covid-19 đang lan rộng.

Đến ngày 17/3, 157 quốc gia, vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19, làm hơn 185.000 người nhiễm bệnh, hơn 7.300 người chết. Việt Nam ghi nhận 66 người nhiễm, trong đó 16 người đã khỏi.