Sau giờ học chiều 10/3, sinh viên Đại học Y Hà Nội từ các giảng đường đổ ra sân trường. Một số em ngồi quây lại ở sảnh các tòa nhà học nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ. Số khác tranh thủ chụp ảnh với cây lộc vừng đổ lá vàng.
Phạm Thảo nán lại góc sân khu giảng đường Hồ Đắc Di để trò chuyện với bạn sau buổi học lý thuyết Sản khoa. Nữ sinh ngành Bác sĩ đa khoa tháo chiếc khẩu trang vừa đeo trong lớp, cười nói vui vẻ.
Thảo từ Hà Nam lên Hà Nội ngày 2/2 (tức mùng 9 tháng giêng), khi các bạn trường khác được thông báo nghỉ Tết Canh Tý thêm một tuần nhằm phòng chống Covid-19 (khi ấy còn gọi là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona). Ngoài quần áo, đồ dùng cá nhân, em mang theo hộp khẩu trang y tế mua ở quê vì nghe nói “giá khẩu trang ở Hà Nội trên trời”.
Đến trường buổi đầu tiên sau Tết vào ngày 3/2, Thảo đeo khẩu trang phòng dịch. Xung quanh em, bạn nào cũng làm như vậy. Ngoài hỏi thăm nhau Tết có vui không, ai nấy đều bàn về dịch bệnh. Quanh trường, những tờ giấy in các biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn rửa tay đúng cách được dán khắp nơi. Nước rửa tay sát khuẩn đặt ở mỗi giảng đường. Ngay sau đó, Thảo và các bạn được thông báo 5h chiều tập trung để nghe chuyên gia nói về dịch.
“Buổi chia sẻ kéo dài hai tiếng, em được nghe thông tin hữu ích, từ cách phòng chống đến diễn biến trên thế giới, các đường lây lan, hướng xử lý. Cùng với các biện pháp trường áp dụng, em thấy yên tâm học hành”, Thảo chia sẻ.
Suốt một tháng qua, Thảo đều đặn lên giảng đường học lý thuyết vào các buổi chiều từ thứ hai đến thứ năm, học lâm sàng ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào các buổi sáng trong tuần và tham gia trực tối hoặc cuối tuần một buổi.
Mọi việc diễn ra bình thường như trước Tết, chỉ khác là mọi người đeo khẩu trang khi đi lâm sàng thay vì chỉ đeo khi học ở các khoa có yếu tố bệnh truyền nhiễm như trước. Dùng hết hộp khẩu trang y tế mang từ quê lên, Thảo được bố mẹ gửi từ quê lên một hộp nữa, hiện chỉ còn 10 chiếc. Thời gian tới, em phải dùng khẩu trang vải do trường phát khi đi lâm sàng.
Điều khiến Thảo lo lắng nhất là việc ở phòng ký túc xá với 10 người và tất cả đang học lâm sàng ở 9 bệnh viện, tiếp xúc với không chỉ bệnh nhân mà còn rất nhiều người nhà đến từ mọi nơi. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn tỏ ra lạc quan.
“Phòng sạch sẽ, được phun khử khuẩn, lúc nào cũng thoáng khí. Chúng em lại luôn giữ nguyên tắc ngày nào đi học về cũng phải chia sẻ nay phòng tránh như nào, có gặp trường hợp nào nghi ngờ không, biểu hiện ra sao. Dù ai đó không may nhiễm bệnh khi đi trực và phải cách ly, chúng em cũng sẽ cảm thông cho nhau vì đó là trách nhiệm của những người trong ngành y”, Thảo nói.
Nhóm sinh viên năm hai ngành Bác sĩ đa khoa chụp ảnh lưu niệm sau buổi học chiều 10/3. Ảnh: Thanh Hằng. |
Không chỉ Thảo, các sinh viên khác của Đại học Y Hà Nội đều cảm thấy “bình thường và yên tâm” khi đi học, dù đến chiều 10/3 Việt Nam đã ghi nhận thêm 18 ca nhiễm nCoV, riêng Hà Nội 4 ca. Nghiêm Văn Tùng, sinh viên năm hai ngành Bác sĩ đa khoa, thậm chí còn vui vì được đến trường gặp lại thầy cô, bạn bè. “Là sinh viên Y mà nghỉ học vì sợ dịch thì nghe thật buồn cười. Chúng em phải là những người đi đầu trong việc phòng chống”, Tùng nói.
Được học về dịch bệnh vào đầu mỗi buổi học, cộng thêm tự tìm hiểu, Tùng tự hào khi đem kiến thức mình có chia sẻ cho người thân và bạn bè. Ở khu trọ cách trường 300 m, thường xuyên nghe người dân bàn tán về dịch bệnh, thậm chí là kỳ thị sinh viên Y vì cho rằng đi học lâm sàng phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19, Tùng cùng các bạn lại đi đính chính thông tin.
Tùng cũng thường xuyên về nhà ở Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để chia sẻ việc học hành, tình hình dịch bệnh cho bố mẹ yên tâm. Tuy nhiên, từ ngày 6/3, khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, Tùng không về nữa. “Hiện tình hình phức tạp, những người thuộc hệ F1, F2 đã đi đến khắp tỉnh thành. Việc em về quê có thể khiến mọi người hoang mang hơn”, Tùng nói và khẳng định sẽ học tập ở trường đầy đủ, không để dịch bệnh làm ảnh hưởng.
Là sinh viên năm nhất ngành Dinh dưỡng, Lê Thị Hà, quê Quảng Ninh, không nghỉ học ngày nào trong hơn một tháng qua. Nữ sinh còn cảm thấy tiện lợi khi các trường khác cho nghỉ vì đường vắng hơn. “Bố mẹ em cũng không lo lắng, thỉnh thoảng gọi điện dặn dò chú ý sức khỏe. Bạn bè nhắn tin bảo ở quê có người nhiễm rồi, em lại chia sẻ, bảo các bạn chỉ cần chuẩn bị sức đề kháng tốt, tâm lý vững vàng. Em thấy vui vì có thể trấn an các bạn”, Hà nói.
Sinh viên Đại học Y Hà Nội học nhóm trong phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: Thanh Hằng. |
Đại học Y Hà Nội hiện có hơn 12.000 sinh viên và học viên sau đại học. Đây là trường hiếm hoi cho sinh viên học xuyên suốt từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Bác sĩ Vũ Quốc Đạt, Trưởng phòng Hành chính, giảng viên Bộ môn Truyền nhiễm, thông tin dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, sinh viên đi học lý thuyết và lâm sàng rất đầy đủ, tinh thần thoải mái, sức khỏe ổn định.
Chia sẻ lý do cho sinh viên đi học trong khi hầu hết đại học cho nghỉ, ông Đạt cho biết Đại học Y Hà Nội là trường đặc thù. Ngay sau Tết, sinh viên và học viên trở lại trường với hai mục đích. Một là tiếp tục con đường học tập tại trường. Hai là trở thành lực lượng tham gia phòng chống dịch ở các bệnh viện, đặc biệt là cơ sở thực hành của Đại học Y Hà Nội.
“Các em vẫn thường xuyên có mặt, tham gia các buổi trực, chăm sóc bệnh nhân, tuyên truyền cho người thân về công tác chống dịch. Nhiều học viên sau đại học là bác sĩ, đảm nhiệm nhiều vị trí trong các bệnh viện”, ông Đạt nói.
Để bảo vệ sinh viên, Đại học Y Hà Nội thực hiện các giải pháp theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Đạt, trường đặc biệt chú trọng ba biện pháp là đảm bảo thông khí tự nhiên trong tất cả phòng học, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh hoặc xà phòng cùng với nước, và đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức, loại bỏ thông tin giả.
Đến sáng 11/3, Việt Nam ghi nhận 34 người nhiễm nCoV, trong đó 16 người đã được chữa khỏi. Covid-19 lây lan ra 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 119.000 người nhiễm, hơn 4.200 người chết.