Sai lầm của các ông bố khi kỷ luật con

0
1406

1. Mất bình tĩnh

Lỗi sai của trẻ có thể khiến những ông bố nóng giận và đưa ra biện pháp kỷ luật trong tình huống không kiểm soát được bản thân. Thậm chí, nhiều khi vì quá nóng giận, các ông bố thường quát mắng, la hét, chửi thề hoặc đánh đập trẻ. Những hành vi như vậy sẽ tạo vết thương tâm lý trong lòng trẻ, khiến chúng trở thành những người nóng nảy hoặc ưa bạo lực khi trưởng thành.

Thay vì vậy, khi cơn tức giận sôi lên, bạn hãy dành vài giây, vài phút giữ bình tĩnh, tập trung tinh thần để chờ đợi cơn giận qua đi. Khi đầu óc đã nguội lại, bạn sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp, không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình cũng như tâm lý của trẻ.

2. Trừng phạt thể xác

Các hình phạt thể xác như đánh đòn bằng tay hoặc roi vọt, giật tay, véo tai không mang lại hiệu quả trong việc giáo dục con. Ngược lại, trẻ sẽ ngầm hiểu những hành vi bạo lực là có thể chấp nhận và chỉ biết sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề vì lấy cha làm gương.

Một lần nữa, trước khi sử dụng hành vi bạo lực với trẻ, bạn hãy dừng lại một vài phút suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ hoặc đợi cơn nóng giận qua đi.

Các ông bố cũng nên học thêm những phương pháp kỷ luật trẻ em như phạt cấm túc, phạt dọn dẹp nhà cửa hoặc không được làm việc yêu thích. Khi chuẩn bị nhiều hình thức kỷ luật, bạn sẽ hạn chế được việc trừng trị thể chất. Hãy nhớ vai trò của cha mẹ cũng giống như giáo viên, không phải một hung thần.

3. Thiếu nhất quán

Nhiều ông bố kỷ luật con không nhất quán, tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc hoặc thời gian trẻ mắc sai lầm. Chẳng hạn, khi trẻ cãi láo ở nhà, nhiều ông bố chỉ cười cho qua nhưng khi đến nơi đông người, họ lại mắng và đánh trẻ vì hành vi tương tự. Điều này khiến trẻ bối rối, không nhận thức rõ ràng bản thân sai ở đâu.

Vì vậy, việc kỷ luật trẻ nên được thực hiện theo quy tắc nhất quán, rõ ràng, không phụ thuộc vào tác động bên ngoài. Kiên định trong việc nuôi dạy là cách tốt nhất giúp trẻ hiểu về những điều nên và không nên làm.

4. Hối lộ

Bằng cách mua quà bánh, thưởng vật chất để hối lộ trẻ không cư xử sai lầm chỉ dạy rằng trẻ sẽ được đáp ứng mong muốn nếu làm sai. Sau đó, khi muốn đòi hỏi, chúng sẽ ăn vạ hoặc cư xử sai rồi mới nghĩ đến chuyện sửa đổi khi được đáp ứng nhu cầu. Cách kỷ luật thích hợp là khen ngợi khi trẻ làm đúng và đưa ra hậu quả nếu trẻ làm sai.

5. So sánh với người khác

“Chị gái con học rất giỏi, sao con không làm được như chị?” hay những câu so sánh tương tự không mang tính thúc đẩy động lực học tập của con như các ông bố hay nghĩ. Thay vào đó, so sánh chỉ khiến trẻ ghen tị với những người khác, tức giận với gia đình và tự ti về bản thân.

Mỗi đứa trẻ đều có thế mạnh ở những lĩnh vực riêng và phát triển không giống nhau. Chẳng hạn, có em giỏi toán, có em giỏi văn. Có em giỏi thể thao từ cấp 1 nhưng có em lên cấp 2, cấp 3 mới hứng thú với thể thao.

Vì vậy, phụ huynh nên tập trung phát huy thế mạnh của con hoặc nhắc nhở con trau dồi những điểm yếu nhưng không so sánh với mọi người xung quanh.

6. Chì chiết

Trong nhiều trường hợp, vì quá mệt mỏi hoặc tức giận, các bố có thể nói rằng: “Bố như người giúp việc của con, con không thể tự làm nổi việc này hay sao?”. Lựa chọn phương thức chì chiết liên tục với mong muốn giúp trẻ hối hận về hành động của mình không phải cách kỷ luật đúng đắn.

Việc này chỉ khiến trẻ cảm thấy áp lực, chán nản, nảy sinh cảm giác là gánh nặng cho mọi người xung quanh. Nếu muốn thúc đẩy hoặc để trẻ nhận ra lỗi lầm, phụ huynh không nên chì chiết mà hãy cho trẻ thấy hậu quả từ hành động của mình.

Chì chiết không phải là phương pháp giáo dục đúng đắn. Ảnh: Shutterstock.

Chì chiết không phải là phương pháp giáo dục đúng đắn. Ảnh: Shutterstock.

7. Không đưa ra hậu quả liên quan

Hậu quả liên quan là hậu quả ảnh hưởng trực tiếp từ hành động của trẻ. Nó sẽ khiến trẻ nhận thức ngay lập tức và rõ ràng sai lầm của mình. Hậu quả không liên quan là hình thức phạt mang tính cảnh cáo của cha mẹ, không xuất phát từ sai lầm của trẻ nên các em sẽ không hiểu rõ vấn đề trong hành vi của mình.

Lấy ví dụ, khi trẻ mải chơi game và đi ngủ muộn hơn quy định, ngày hôm sau bạn có thể phạt con bằng rút ngắn thời gian chơi game. Như vậy, trẻ sẽ ý thức được về khoảng thời gian chơi game nhất định phải tuân thủ. Nếu không làm theo, các em sẽ phải lãnh hậu quả vào lần sau và phải thay đổi nếp sinh hoạt để không bị rút ngắn thời gian chơi nữa.

Tuy nhiên, nếu bạn phạt con bằng việc không được ăn món yêu thích, các em sẽ không nhận ra ảnh hưởng trực tiếp từ hành động sai lầm. Khi hậu quả không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của hành động, các em sẽ không lĩnh hội được bài học cụ thể.

8. Nhân nhượng

Các bố không nhất thiết phải hỏi ý kiến của con trước khi kỷ luật. Bạn là phụ huynh và việc uốn nắn con là trách nhiệm của bạn, không phải vấn đề để thương lượng. Khi trẻ dần nhận thức về mọi thứ xung quanh, các bố có thể giải thích lý do con phải nhận kỷ luật. Tuy nhiên, các bố nên tìm hiểu rõ ràng vấn đề, đánh giá mức độ nghiêm trọng từ hành vi sai lầm của con để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp.

9. Vợ chồng không thống nhất phương pháp kỷ luật

Các bà mẹ thường mềm mỏng còn các ông bố sẽ cứng rắn và nghiêm khắc hơn. Vì vậy, khi các bố kỷ luật trẻ, chúng có thể chạy về phía mẹ để ăn vạ hoặc cầu cứu. Nếu người mẹ đứng ra bảo vệ con và bác bỏ nguyên tắc kỷ luật của chồng, vai trò của người bố trong việc nuôi dạy con sẽ bị giảm nhẹ. Đồng thời, trẻ sẽ nảy sinh thói quen ỷ lại, trốn tránh trách nhiệm.

Nếu phụ huynh bất đồng trong nguyên tắc nuôi dạy con, hãy trò chuyện và thống nhất với nhau khi không có mặt trẻ. Trước mặt trẻ, việc kỷ luật giữa bố và mẹ cần được thống nhất và rõ ràng.

10. Rầy la

Liên tục rầy la, mắng nhiếc không thể giúp trẻ em nhận ra sai lầm trong hành động của mình hoặc tự kiểm điểm bản thân. Về lâu dài, chúng có thể phớt lờ sự quan tâm của gia đình. Cách tiếp cận tốt hơn là trò chuyện cùng trẻ về hành vi bao gồm: lý do trẻ làm như vậy, giải thích tại sao hành động này là sai lầm, chia sẻ cảm xúc của cha mẹ, con cái và tìm ra cách giải quyết phù hợp.

Ví dụ, nếu trẻ không làm bài tập, một bài giảng về tầm quan trọng của giáo dục không giúp các em tự kiểm điểm bản thân. Nhưng nếu các bố dành thời gian lắng nghe lý do con không làm bài và đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề, việc tương tác giữa phụ huynh và con sẽ hiệu quả hơn.

Tú Anh (Theo Verywell Family)