Nhà quản lý giáo dục ủng hộ lùi kỳ thi THPT quốc gia

0
1387

Với đề xuất của TP HCM cho học sinh nghỉ hết tháng 3, lùi lịch thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7, gần 900.000 học sinh lớp 12 sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi kỳ thi THPT quốc gia thường được tổ chức vào cuối tháng 6, xét tuyển đại học vào đầu tháng 8.

Bà Hoàng Thị Minh Liên, Hiệu trưởng trường THCS – THPT Nhân Văn (TP HCM) ủng hộ đề xuất lùi kỳ thi THPT quốc gia vì dịch viêm phổi corona (Covid-19) diễn biến phức tạp, khó lường. Giáo viên, phụ huynh chưa thật sự yên tâm nếu cho học sinh trở lại trường.

Tháng 3 sẽ bắt đầu cao điểm ôn luyện cho học sinh cuối cấp, nay chỉ việc lùi lại một tháng, không cần thay đổi nhiều. Trong thời gian nghỉ phòng dịch, trường tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu bằng cách giao bài về nhà tự học, sau đó cô giáo kiểm tra, để các em không bị lỡ nhịp khi quay trở lại trường.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Hiệu trưởng một trường THPT công lập ở quận Bình Thạnh nói, nếu quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp ổn định như các năm, việc ôn tập cho học sinh cuối cấp không xáo trộn nhiều. Gần ba tuần qua, giáo viên nhà trường đều giao bài tập, đề cương ôn luyện để các em tự học. “Nếu học sinh có ý thức học tập tốt, khi trở lại trường sẽ không mất thời gian để ôn lại nữa”, ông nói.

Nhiều hiệu trưởng trường THPT khác cũng nhất trí đề xuất trên của TP HCM, dù cho rằng việc lùi lịch thi chắc chắn ảnh hưởng tới công việc của nhà trường và tâm lý học sinh. Tuy nhiên, đây là giải pháp trong tình thế, mỗi người cần chịu khó khắc phục vì lợi ích chung của xã hội.

Sự đồng thuận cũng đến từ nhiều lãnh đạo trường đại học, cao đẳng. PGS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho rằng năm học kết thúc muộn bao nhiêu tuần thì thời điểm thi THPT quốc gia có thể lùi tương ứng và kế hoạch tuyển sinh cũng vậy. Ngay cả lùi kỳ thi tới cuối tháng 7 như đề xuất của TP HCM, kế hoạch năm học 2020-2021 đối với trường đại học, phổ thông cũng không bị ảnh hưởng nhiều.

Đại học Sư phạm đi học từ ngày 10/8, riêng thời điểm nhập học của sinh viên năm nhất có thể là đầu tháng 9 hoặc 10. Phương thức đào tạo tín chỉ chia năm học thành hai học kỳ chính trong năm, mỗi học kỳ 15 tuần và một kỳ hè khoảng 6 tuần. Trường hợp bệnh dịch khiến sinh viên phải nghỉ kéo dài, nhà trường có thể hủy kỳ hè. Đó cũng là lý do Đại học Thái Nguyên sớm quyết định cho 50.000 sinh viên nghỉ đến ngày 1/3 để phòng chống dịch Covid-19.

Điều khiến Hiệu trưởng Trường lo lắng là nếu thi vào cuối tháng 7 thì trùng với mùa mưa miền Bắc. Các tỉnh miền núi phía Bắc dễ xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, ảnh hưởng tới giao thông và sự an toàn của cán bộ, thí sinh.

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM), cho rằng diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, nghỉ kéo dài sẽ giúp ngành y tế có thời gian khống chế sự lây lan của bệnh, đảm bảo phát hiện và điều trị kịp thời cho người nhiễm. Công việc ở trường đại học chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng không quá nghiêm trọng.

“Lịch thi THPT quốc gia bị lùi không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh, vì theo quy chế các trường đại học, cao đẳng được chủ động tuyển nhiều đợt trong năm”, ông Khang nói.

Ngày 17/2, Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND TP HCM dự thảo kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020: Học kỳ II sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 7, lịch thi THPT quốc gia được lùi lại đến cuối tháng 7. Việc nghỉ dài ngày nhằm giúp phụ huynh chủ động sắp xếp công việc để trông nom, chăm sóc con cái cũng như bảo đảm an toàn cho học sinh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khai giảng năm học ngày 5/9, kết thúc học kỳ I ngày 20/1, học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước 31/5. Học sinh học 9 tháng liên tục (không tính nghỉ lễ), sau đó nghỉ 3 tháng hè. Số tuần thực học đối với cấp mầm non và tiểu học ít nhất là 35, cấp THCS và THPT ít nhất 37; giáo dục thường xuyên (THCS và THPT) ít nhất 32 tuần.