Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học

0
1389

Sáng 14/2, trả lời báo chí trong chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có một số địa phương báo cáo cho học sinh đi học từ ngày 17/2 sau hai tuần nghỉ phòng, phòng chống Covid-19. Lãnh đạo những địa phương này trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc kỹ tình hình dịch bệnh để đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ nhận định dịch còn diễn biến phức tạp, địa phương cần “cân nhắc rất kỹ phương án cho học sinh đi học trở lại, chỉ cho phép khi đã thực hiện đầy đủ biện pháp đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kịch bản ứng phó với dịch, trong đó lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học, đặc biệt là thời điểm kết thúc sau ngày 31/5. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi giãn khung kế hoạch năm học 2019-2020 và triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bìa trái) kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại Trường Tiểu học Phú Mỹ, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp sáng 14/2.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (bìa trái) kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại Trường Tiểu học Phú Mỹ, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp sáng 14/2.

Theo quy định, cấp mầm non và tiểu học học ít nhất 35 tuần, cấp THCS và THPT ít nhất 37 tuần; thời gian kết thúc học kỳ II trước 25/5 và kết thúc năm học trước 31/5. Việc lùi thời điểm kết thúc sẽ gây một số khó khăn cho ngành giáo dục và địa phương, tuy nhiên theo Bộ trưởng Nhạ, vẫn có thể khắc phục bằng các giải pháp quản lý phù hợp.

“Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn. An toàn mới đi học, tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết”, Bộ trưởng nói.

Sáng cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ở Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tinh thần là phải an toàn, an tâm mới đi học trở lại. An toàn cả dưới góc độ chuyên môn lẫn trong suy nghĩ của học sinh, phụ huynh. Không nên cho đi học trở lại mà học sinh vẫn lo sợ bị lây nhiễm ở trường, vẫn phải đeo khẩu trang trong lớp học”.

Kết quả khảo sát trực tuyến trên VnExpress ngày 14/2.

Kết quả khảo sát trực tuyến trên VnExpress ngày 14/2.

Một ngày trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương không có dịch có thể cho học sinh trở lại trường. Nhà trường phải vệ sinh bàn ghế, lớp học, đảm bảo phòng bệnh; hướng dẫn học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhân viên cách thức phòng chống dịch bệnh. Với địa phương có bệnh nhân nhiễm nCoV, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục theo dõi, chỉ cho học sinh đi học khi đã có biện pháp phòng bệnh, người nhiễm bệnh đã được cách ly và không phát sinh ca mới.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch phức tạp, rất nhiều phụ huynh muốn con em tiếp tục nghỉ học, có thể học bù vào thời gian hè, hoặc cuối tuần. Sau 6 tiếng khảo sát trên VnExpress (từ 11h ngày 14/2), trong hơn 34.000 người trả lời thì 82% muốn con em nghỉ học tiếp để phòng dịch Covid. Nhiều trường trung học phổ thông như Vinschool, Wellspring, Chuyên ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho phép học sinh nghỉ tiếp.

Trong 63 tỉnh thành, đến đầu giờ chiều nay duy nhất Vĩnh Phúc cho học sinh nghỉ thêm một tuần, đến hết 23/2 do có 11 bệnh nhân nhiễm nCoV, trong đó có một nữ sinh. Các địa phương còn lại đa số thực hiện theo thông báo trước đó, cho học sinh đi học từ ngày 17/2, sau khi đã 2-3 lần khử khuẩn trường học.

Với bậc đại học, nhiều trường thông báo gia hạn thời gian nghỉ cho sinh viên, đến hết tháng 2, như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên. Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho nghỉ đến 9/3. Đa số trường cho nghỉ thêm một tuần, từ 17/2 đến hết 23/2, triển khai học trực tuyến và khuyến cáo không tiếp nhận sinh viên vào ký túc xá.

Đây là lần đầu tiên học sinh, sinh viên cả nước được nghỉ học kéo dài vì dịch truyền nhiễm. Trước đó hơn 22 triệu học sinh cả nước đã nghỉ Tết Canh Tý 7-16 ngày, sinh viên nghỉ 10-21 ngày.